Nguyễn Khánh Linh: Nữ chuyên gia GDE đầu tiên của Việt Nam và câu chuyện trưởng thành từ Trường ĐH FPT

Cựu sinh viên Trường Đại học FPT chia sẻ về quá trình đi đến thành công, từ khi chập chững tiếp cận công nghệ đến việc xây dựng một cộng đồng hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho giới trẻ và trở thành chuyên gia của Google.

Nguyễn Khánh Linh, sinh năm 1991, là cựu sinh viên K5 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm tại Trường Đại học FPT. Với bề dày kinh nghiệm và những đóng góp nổi bật cho cộng đồng công nghệ, cô được Google lựa chọn vào mạng lưới Google Developer Expert (GDE) – chương trình toàn cầu dành cho các chuyên gia có kiến thức sâu rộng và hoạt động tích cực trong việc lan tỏa công nghệ của Google.

Không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trở thành GDE, cô còn là chuyên gia GDE về máy học đầu tiên thuộc lĩnh vực AI tạo sinh trong năm 2025 của hãng, đánh dấu cột mốc quan trọng cho cộng đồng công nghệ Việt trên bản đồ quốc tế.

Phát triển toàn diện nhờ chương trình đào tạo khác biệt của Trường ĐH FPT

Tình yêu lập trình của Linh nhen nhóm từ thuở nhỏ khi cô lần đầu tiên được chạm tay vào chiếc máy tính tại nhà bác. Đến những năm Linh học cấp hai, khao khát sở hữu một chiếc máy tính trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, dù đó là một tài sản lớn đối với gia đình thời bấy giờ. Với chiếc máy tính trong tay và dù Internet còn hạn chế, cô vẫn tự mày mò học hỏi thông qua các diễn đàn, bắt đầu làm quen với những dòng lệnh Pascal đầu tiên.

Linh chia sẻ câu chuyện cá nhân tại FPTU Alumni Podcast.
Linh chia sẻ câu chuyện cá nhân tại FPTU Alumni Podcast.

Niềm đam mê lập trình trong Linh cứ thế lớn dần theo những năm tháng học THPT. Cô tích cực tham gia các cuộc thi tin học, tự tay xây dựng những trang web đầu tiên. Khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, Linh chọn Trường Đại học FPT bởi ấn tượng mạnh mẽ với chương trình đào tạo chú trọng tính thực tiễn và những trải nghiệm học tập gắn liền với môi trường làm việc thực tế.

“Quá trình học tập tại Trường Đại học FPT đã giúp mình phát triển không chỉ về chuyên môn mà còn cả kỹ năng sống. Những môn học hiện đại trang bị cho mình kiến thức và tư duy cần thiết trong nghề nghiệp. Mình còn tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa, là người sáng lập câu lạc bộ sách FPTU Book Club, tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu và chia sẻ kiến thức với nhau. Điều này giúp mình rất nhiều trong việc mở rộng mối quan hệ và phát triển kỹ năng xã hội”, Linh chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, Linh vẫn nhớ rõ những môn học mang tính định hướng nghề nghiệp mà Trường Đại học FPT đã đào tạo từ sớm cho sinh viên như Software Architecture (Kiến trúc phần mềm), Software Requirement (Phân tích yêu cầu phần mềm) hay Software Quality and Assurance (Đảm bảo và kiểm soát chất lượng phần mềm). Những môn học này đã giúp cô xây dựng tư duy hệ thống và cái nhìn tổng quát về toàn bộ vòng đời phát triển phần mềm, điều mà theo Linh, thời điểm đó hầu như không trường đại học nào khác ở Việt Nam đào tạo bài bản như Trường Đại học FPT.

“Người ta hay nghĩ học lập trình thì chỉ là ‘thợ code’ thôi, nhưng với mình, Trường Đại học FPT dạy nhiều hơn thế. Mình được học cách phân tích vấn đề, tư duy chiến lược trước khi đặt tay vào viết code,” Linh cho biết.

Danh hiệu GDE – kết quả của kiến thức chuyên môn và trái tim vì cộng đồng

Nhắc đến cột mốc trở thành GDE, Linh chia sẻ đây không phải là danh hiệu có thể đạt được trong ngày một ngày hai, mà là một hành trình dài đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và những đóng góp thiết thực cả trên khía cạnh chuyên môn lẫn các hoạt động hướng đến lợi ích cộng đồng. 

Trên phương diện học thuật, Linh đã có hai công bố khoa học đáng chú ý, một về phương pháp đánh giá hội thoại mới trong các hệ thống dựa trên tri thức và một khảo sát chuyên sâu về hệ thống hội thoại đồng cảm trong lĩnh vực truy xuất thông tin. Song song đó, cô tích cực tham gia các workshop (hội thảo chuyên môn), chương trình mentoring (cố vấn) và các hoạt động kết nối cộng đồng công nghệ, từng bước khẳng định vị thế của mình trong mắt Google và cộng đồng lập trình viên quốc tế.

Bên cạnh thành công chuyên môn, Linh không ngừng cống hiến cho cộng đồng ở một khía cạnh khác: sức khỏe tinh thần. Khi bắt đầu làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, cô sớm phải đối mặt với những áp lực và kỳ vọng cao từ ngành công nghệ. Việc liên tục tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân khiến cô không ít lần rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu kéo dài. Những trải nghiệm đầy thử thách ấy đã trở thành động lực thôi thúc Linh sáng lập dự án Beautiful Mind Vietnam – một sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp tài nguyên hỗ trợ sức khỏe tinh thần, góp phần tạo nên một cộng đồng tích cực và đồng cảm hơn.

Chia sẻ về hành trình xây dựng dự án, Linh cho biết Beautiful Mind Vietnam ra đời từ mong muốn được đồng hành cùng những người đang phải vật lộn với các vấn đề tâm lý, đặc biệt trong bối cảnh xã hội còn nhiều định kiến về sức khỏe tinh thần. Khởi đầu là một blog cá nhân chia sẻ kiến thức và trải nghiệm, dự án dần phát triển thành cộng đồng, hỗ trợ miễn phí cho hơn 1.000 người Việt trên cả nước.

Linh đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, máy học và khoa học dữ liệu.
Linh đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, máy học và khoa học dữ liệu.

Khép lại câu chuyện truyền cảm hứng, Nguyễn Khánh Linh dành những lời khuyên chân thành cho thế hệ sinh viên đang nỗ lực định hình con đường của riêng mình. Cô nhấn mạnh: “Hãy kiên nhẫn với chính mình, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc trước khi phản ứng với những thử thách trong cuộc sống. Sự bình tĩnh và khả năng tự suy ngẫm là chìa khóa giúp mỗi người vững vàng vượt qua áp lực, từ đó trưởng thành hơn qua từng trải nghiệm”. 

Cùng với đó, cô cũng khuyến khích các bạn trẻ hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê, nhưng đừng quên mở lòng đón nhận cả bài học lẫn cơ hội phát triển đến từ những va vấp tưởng chừng không mong muốn. Với Linh, hành trình trưởng thành không chỉ là chinh phục đỉnh cao, mà còn là quá trình hiểu và hoàn thiện chính mình.

Bích Hiền