Chiều 14/7, workshop giới thiệu về sách “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” – tác phẩm mới nhất của Nhà phê bình mỹ thuật – Họa sĩ Nguyễn Quân đã diễn ra tại trường Đại học FPT TP. HCM. Với những review thú vị, Giảng viên – Thạc sĩ Hồ Yên Thục đem đến những góc cảm nhận mới mẻ, thu hút sự quan tâm của sinh viên nhiều khối ngành.
Lan tỏa văn hóa đọc sách và tư duy nghệ thuật cho cộng đồng sinh viên ĐH FPT, Giảng viên – Thạc sĩ Hồ Yên Thục đã tổ chức buổi chia sẻ để giới thiệu Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu, cuốn sách khép lại bộ 4 cuốn lý thuyết nhận thức nghệ thuật là Ghi chú về nghệ thuật (1980/1990), Tiếng nói của hình và sắc (1986), Con mắt nhìn cái đẹp (2004). Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự tham gia của gia đình tác giả Nguyễn Quân.
Nhìn – thấy – yêu – hiểu phân tích bốn cảm quan từ ngoài vào trong, từ nhận biết thị giác, đến thấy cái gì đó, yêu cái gì đó và hiểu cái gì đó. Bốn cảm quan này không đơn tuyến, mà chồng tầng phức tạp, bị chi phối bởi các đặc tính tự nhiên của con người sinh học, con người xã hội và vùng miền, nó làm cho thực chất người ta nhìn cuộc sống không phải như nó vốn có, mà như người ta thấy thế, muốn thấy thế, biên tập cái nhìn của mình ngay từ đầu, dẫn đến kết quả có là bao nhiêu con mắt, thì có bấy nhiêu sự thật, chỉ có sự thật như ta thấy, như thế, mà không biết cái sự thật khách quan chính xác là gì. Từ nhiều sự thật, do nhiều cách nhìn, cách thụ cảm, lần lượt bốn cánh cửa cảm thức mở ra: Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu, lần lượt được trình bày từ các đặc tính sinh học, đến đặc tính xã hội và công nghệ, rồi kết lại ở ngôi nhà ba tầng của tâm thức, tâm hồn con người.
Mở đầu chương trình, giảng viên Hồ Yên Thục khuấy động không khí bằng các câu hỏi về tác phẩm Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn sinh viên. Với mỗi câu trả lời chính xác, khán giả đều được một ấn bản của cuốn sách.
Dù là một dẫn luận về nghệ thuật, những lý thuyết được nêu ra trong cuốn sách hoàn toàn có thể được áp dụng vào đời sống xã hội thường ngày. Tại buổi workshop, GV-Th.S Hồ Yên Thục giới thiệu về hai phần “Nhìn” và “Thấy” của cuốn sách, cùng những nhận định mà sinh viên có thể ứng dụng để mở rộng thế giới quan của mình.
Chia sẻ về cái nhìn mới và cái nhìn cũ trong xã hội văn hóa ở Việt Nam, dẫn luận Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu cho rằng sự phát triển về công nghệ và lối sống đã tạo nên một sự đứt gãy về nhận thức, khác biệt về thế giới quan của con người ở các thời đại khác nhau. Con người về sau bị xem là nông cạn và hời hợt; tuy biết đến nhiều thứ nhưng độ thấu hiểu và thao tác tâm lý lại không có chiều sâu.
Qua bức tranh hoa đào Việt Nam của họa sĩ người Pháp Jean-marc Potlet, GV-Th.S Hồ Yên Thục đã chỉ ra ý nghĩa phía sau của tác phẩm – sự liên kết với hình ảnh Provence, quê hương của tác giả. Không chỉ là nhìn, người xem cần có được kiến thức về ý nghĩa của bức tranh, mới có thể thấu hiểu, thấy được vẻ đẹp của tác phẩm này.
Bên cạnh đó, diễn giả Hồ Yên Thục cũng chia sẻ rằng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật xuất hiện ở bất cứ đâu trong xã hội, và phân chia theo “cái mũ nhận thức thẩm mỹ” của Nguyễn Quân: từ Văn hóa đại chúng (bình dân), Văn hóa nền (trung lưu), tới Dẫn dắt sáng tạo (tinh hoa). Bằng việc đọc sách nhiều hơn, sinh viên có thể nâng cao nhận thức của mình không chỉ về nghệ thuật, mà cả các khía cạnh khác của đời sống.
Tiếp nối chương trình là thử thách vẽ một “cái mũ nhận thức thẩm mỹ” cá nhân cho mỗi sinh viên, từ đó tạo ra “cái mũ biến dạng” – giải thích sự khác biệt về các phân khúc nhận thức nghệ thuật của con người trong các thời đại văn hóa khác nhau.
Bạn Long Châu, sinh viên ngành Kinh doanh Quốc tế cho biết: “Khi chúng ta tiếp xúc với những sự vật, sự việc, thì việc “nhìn” hay “thấy” sẽ chạm tới tiềm thức trước? Có những tác phẩm được tạo ra từ sự liên tưởng, những giấc mơ, thì nó đến từ việc “nhìn” hay “thấy”?”.
Người thân của Tác giả Nguyễn Quân – cháu trai và cháu dâu của ông chia sẻ: “Mình cảm thấy lối dẫn dắt và chia sẻ của cô Thục rất cuốn hút, các bạn sinh viên đều rất chăm chú lắng nghe và trao đổi nhiệt tình với diễn giả. Hy vọng chương trình này sẽ có tác động lớn tới các bạn và thúc đẩy các bạn đọc sách nhiều hơn nữa”.
Với sự đồng hành của Câu lạc bộ Truyền thông Cóc Sài Gòn và Câu lạc bộ FPT Public Speaking (FPS) – trường Đại học FPT TP.HCM, sự kiện đã diễn ra thuận lợi. Không gian rộng lớn của thư viện cùng hàng loạt đầu sách thú vị đã đem đến nhiều cảm hứng học tập cho sinh viên Đại học FPT.
FU HCM