Từ bạn học cùng lớp, 3 sinh viên K17 chuyên ngành Kinh doanh quốc tế trở thành những cộng sự ăn ý trên hành trình chinh phục tri thức, đồng sở hữu tổng cộng 5 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí học thuật quốc tế.
Giữa guồng quay sôi động của môi trường đại học, nơi những kiến thức chuyên ngành được trau dồi miệt mài, có một nhóm sinh viên đã chọn cho mình con đường song hành nhiều thử thách nhưng cũng đầy tự hào: nghiên cứu khoa học. Nhóm 4U, với 3 thành viên đến từ K17 chuyên ngành Kinh doanh quốc tế gồm Trần Thanh Tú, Nguyễn Phương Thy và An Gia Khương, không chỉ gặt hái được thành công trên con đường học thuật, mà còn gom góp nhiều kinh nghiệm quý báu về sức mạnh của tinh thần đồng đội.
“Mối duyên” học thuật nhờ cô giáo kết nối
Ít ai biết rằng, sự gắn kết bền chặt của 4U lại bắt đầu từ cơ duyên bất ngờ. Ban đầu, Thanh Tú, Phương Thy và Gia Khương chỉ là bạn học cùng lớp, quen biết nhau qua những buổi lên giảng đường, những cái gật đầu chào hỏi vội vã. Mối liên hệ giữa 3 thành viên vẫn còn khá ít ỏi cho đến khi các bạn cùng tham gia khóa học SSG (Soft Skills for Growth – chương trình đào tạo kỹ năng mềm) dưới sự dẫn dắt của chủ nhiệm bộ môn – cô Ngô Thị Thúy An – Trưởng ban Tuyển sinh Trường Đại học FPT.
Tại lớp học SSG, Phương Thy đã mạnh dạn chia sẻ nguyện vọng và niềm đam mê nghiên cứu khoa học với cô Thúy An. Bằng sự nhạy bén và mong muốn khơi dậy tiềm năng của sinh viên, cô đã gợi ý 3 bạn thành lập một đội nghiên cứu chung.
“Có lẽ vì xuất phát điểm đến từ sự tin tưởng của cô An và sự ‘bắt sóng’ vô hình nào đó giữa 3 người, nên dù mỗi bạn một tính cách, tụi mình vẫn tìm được tiếng nói chung, hỗ trợ nhau hết sức đến tận bây giờ,” Thanh Tú chia sẻ. Từ khoảnh khắc ấy, 4U không chỉ trở thành một nhóm nghiên cứu mà còn gắn bó với nhau trong học tập và nhiều hoạt động khác của đời sống sinh viên.
Sau 3 năm, hành trình miệt mài nghiên cứu của 4U đã đơm hoa kết trái ngọt ngào. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm sở hữu bảng thành tích học thuật ấn tượng với tổng cộng 5 bài báo quốc tế được đăng trên các tạp chí uy tín thuộc hệ thống Scopus/ISI, trong đó có 3 tờ thuộc nhóm Q1.
Trong những công trình đã nghiên cứu, đề tài “xương” nhất mà nhóm từng triển khai là “Ứng dụng ChatGPT trong giáo dục: Nghiên cứu tác động của các yếu tố quản trị tri thức đến sự hài lòng và việc tiếp tục sử dụng của sinh viên” được đăng trên tạp chí IEEE Transactions on Learning Technologies tháng 4/2024.
“Đề tài khá mới nên lúc bắt đầu tụi mình không có nhiều tài liệu nền tảng để tham khảo. Việc xây dựng mô hình nghiên cứu và hệ thống giả thuyết đòi hỏi cả nhóm phải đọc rất nhiều tài liệu tiếng Anh rồi tranh luận để điều chỉnh sao cho phù hợp với bối cảnh giáo dục và công nghệ ở Việt Nam,” Thanh Tú nhớ lại.
Khó khăn tiếp theo mà nhóm gặp phải là quá trình thu thập dữ liệu. Nhận thấy ChatGPT vẫn còn là công cụ khá mới mẻ đối với đa số sinh viên, 4U đã dày công thiết kế bảng khảo sát sao cho thật dễ hiểu, kèm theo những ví dụ minh họa cụ thể. Thậm chí, nhóm còn chủ động tổ chức các buổi giới thiệu để đảm bảo người tham gia khảo sát hiểu đúng và đủ về công cụ này trước khi đưa ra ý kiến của mình.
“Nhờ sự kiên trì, hỗ trợ lẫn nhau và những góp ý từ giảng viên hướng dẫn, tụi mình đã hoàn thiện nghiên cứu và bài báo được đăng trên tạp chí Q1. Đây là một cột mốc rất đáng nhớ và tự hào”, Phương Thy chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhóm cũng có hai bài báo khác được đăng trên các tạp chí Q1. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Journal of Information Technology Education: Research vào tháng 8/2024, tập trung đánh giá mức độ hài lòng và sự gắn bó bền vững của sinh viên với ChatGPT thông qua việc ứng dụng mô hình ECM (Expectation-Confirmation Model – Mô hình Kỳ vọng và Xác nhận). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng yếu tố xác nhận kỳ vọng và những lợi ích thực tế mà sinh viên nhận được từ việc sử dụng ChatGPT có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức độ họ gắn bó lâu dài với công cụ này.
Bài báo tiếp theo đăng trên tạp chí Computers in Human Behavior Reports tháng 3/2025 đi sâu vào khám phá cách thức ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) trong lĩnh vực marketing tác động đến ý định mua hàng của người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử. Nghiên cứu cho thấy AR không chỉ tạo sự hứng thú mà còn giúp tăng niềm tin và cảm nhận giá trị trong quá trình mua sắm.
Bí quyết làm việc nhóm hiệu quả: Lắng nghe, tôn trọng, hướng đến mục tiêu chung
Thành công của nhóm 4U không chỉ đến từ năng lực cá nhân từng thành viên, mà còn được xây dựng trên nền tảng của sự phối hợp ăn ý và tinh thần đồng đội mạnh mẽ.
Ngay từ bước đầu tiên tìm đề tài, cả nhóm đã cùng nhau lựa chọn lĩnh vực vừa mang tính thời sự, vừa có giá trị học thuật cao. Từ đó, quá trình triển khai diễn ra một cách suôn sẻ, mỗi người phát huy thế mạnh của mình, đảm nhận những phần việc phù hợp, từ xây dựng mô hình nghiên cứu, thiết kế bảng hỏi cho đến phân tích dữ liệu và viết bài.
“Ở nhóm tụi mình, không có ranh giới cứng nhắc nhưng cũng không chồng chéo khi mỗi người đều có vai trò riêng, vừa độc lập vừa bổ trợ cho nhau. Đặc biệt, tụi mình còn thường xuyên luân phiên đảm nhận các phần việc khác nhau, không chỉ để mọi người đều hiểu sâu nghiên cứu, mà còn để trau dồi thêm kỹ năng và kinh nghiệm trong suốt quá trình làm việc chung,” Gia Khương chia sẻ về cách nhóm vận hành.
Khi được hỏi về “bí quyết” để một nhóm sinh viên có thể nghiên cứu khoa học hiệu quả và ăn ý, cả 3 thành viên đồng lòng cho rằng yếu tố then chốt là biết cách lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt và cùng nhau hướng về một mục tiêu chung.
“Thực tế, không phải lúc nào tụi mình cũng đồng quan điểm. Đã có những buổi tranh luận rất căng, thậm chí hơi đau đầu. Nhưng sau cùng, tụi mình nhận ra những màn tranh cãi đó là tấm gương phản chiếu cho thấy điểm còn thiếu sót hoặc cần cải thiện của từng người. Chính từ đó, tụi mình học được cách điều chỉnh, thấu hiểu nhau hơn và làm việc hiệu quả hơn,” Thanh Tú nói.
Những bài học rút ra trong quá trình nghiên cứu khoa học không chỉ giúp 4U hoàn thành các công trình một cách trọn vẹn, mà còn trở thành hành trang khi nhóm tham gia một số công việc và hoạt động tập thể khác trong trường cũng như ngoài đời. “Một nhóm tốt không phải là nhóm luôn hòa thuận, mà là nhóm biết tranh luận để phát triển, biết gắn bó không chỉ khi thuận lợi mà cả khi gặp áp lực,” nhóm đúc kết.
Trên hành trình chinh phục tri thức, nhóm 4U luôn cảm thấy biết ơn sâu sắc vì đã nhận được sự đồng hành và hỗ trợ tận tình từ cô Ngô Thị Thúy An – người không chỉ là giảng viên hướng dẫn mà còn như “ngọn hải đăng” soi đường, truyền lửa đam mê cho nhóm trên chặng đường học thuật đầy thử thách.
“Cô luôn kiên nhẫn lắng nghe, góp ý thẳng thắn nhưng tinh tế, đặc biệt là luôn tạo không gian để tụi mình tự do tư duy, sai cũng không sao, miễn là học được điều gì đó từ cái sai ấy. Nhờ cô, tụi mình không chỉ cải thiện kỹ năng nghiên cứu mà còn học được cách làm việc chuyên nghiệp và giữ vững tinh thần học hỏi,” Phương Thy bày tỏ.
Bên cạnh đó, Thanh Tú cũng chia sẻ nhóm luôn được nhà trường hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục, tạo điều kiện về thời gian, không gian và tinh thần để tập trung nghiên cứu. “Có thể nói, tụi mình không đi một mình trên hành trình này. Đó là điều thực sự quý giá,” Tú khẳng định.
Bích Hiền