Những start-up định hướng vững bền xuất phát từ sinh viên ĐH FPT

Khởi nghiệp không còn là chuyện xa lạ đối với thể hệ trẻ, nhưng việc tạo dựng một start-up theo hướng đi vững bền, lấy việc đóng góp cho hệ sinh thái, xã hội và cộng đồng làm giá trị cốt lõi lại không phải là điều mà ai cũng hướng đến. Cùng điểm qua 2 start-up có định hướng phát triển bền vững của SV Đại học FPT nhé.

“Be the Best” – start-up giáo dục tiếng Anh lan toả cảm hứng tự học

“Be the Best” là một trung tâm tiếng Anh được thành lập và phát triển bởi Trần Nguyễn Phước (cựu SV ĐH FPT TP. HCM). “Be the Best” lan toả thông điệp “Tốt là chưa đủ, phải là phiên bản tốt nhất của bản thân” nhằm khuyến khích thế hệ trẻ xây dựng nền tảng tiếng Anh vững vàng để sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội đến với mình. Đặc biệt, để việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng và phù hợp với mọi người, “Be the Best” khuyến khích các phương pháp học dựa trên tinh thần vui vẻ.

“Be the Best” với những phương pháp học giúp mọi người làm quen với tiếng Anh trong mọi phương diện của đời sống

Trần Nguyễn Phước thành lập Be the Best ngay sau khi tốt nghiệp ngành BA từ ĐH FPT TP. HCM

Thông qua việc mang đến cơ hội tiếp cận với tiếng Anh bằng những phương pháp thú vị,  nâng cao cơ hội học tập và làm việc trong nước lẫn quốc tế, “Be the Best” đã đóng góp sức mình vào việc “Thúc đẩy chất lượng giáo dục và cơ hội học tập” (Mục tiêu 4), “Thúc đẩy kinh tế” (Mục tiêu 8) và “Giảm tình trạng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia” (Mục tiêu 10) trong số 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Ứng dụng “đi ké xe” Biiké – giải pháp cho đô thị xanh

Biiké là dự án start-up đạt giành giải Quán quân cuộc thi FPT Edu Biz Talent 2021

Biiké là một dự án start-up còn non trẻ nhưng đã được các giảng viên FPT Edu và các đại diện Doanh nghiệp đánh giá rất cao về tính sáng tạo, tính khả thi và tính bền vững, giành giải Nhất cuộc thi FPT Edu Biz Talent 2021 một cách thuyết phục.

Dự án được thực hiện bởi nhóm SV ĐH FPT TP. HCM bao gồm: Đỗ Hữu Phát, Nguyễn Thị Yến Linh, Lê Nguyễn Thảo Vân, Nguyễn Lê Phương Uyên và Nguyễn Thế Thanh Tâm, nhằm phát triển một ứng dụng giúp mọi người tìm kiếm và kết nối để “quá giang” xe trên đường, từ đó giảm thiểu sự lãng phí năng lượng, giảm tải lưu lượng xe lưu thông, giảm khí thải và bảo vệ môi trường.

Biiké thuyết phục 100% Hội đồng Chuyên môn bao gồ các thầy cô giáo của FPT Edu cùng các đại diện doanh nghiệp lớn nhỏ

Điểm duy nhất khiến Biiké bị “chê” là khả năng tạo ra doanh thu chưa cao do sử dụng quảng cáo làm nguồn thu duy nhất, nhưng với định hướng “phát triển bền vững”, nhóm SV thực hiện vẫn quyết tâm đưa Biiké ra mắt vào cuối năm nay hoặc khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế và cuộc sống mọi người dần trở lại bình thường.

Hướng đến mục tiêu Phát triển bền vững, Biiké không đặt nặng mục tiêu doanh thu

Nếu Biiké được triển khai thành công, đây sẽ là một giải pháp tích cực nhằm “Đóng góp cho đô thị & Cộng đồng dân cư” (Mục tiêu 11), “Góp phần giải quyến biến đổi khí hậu” (Mục tiêu 13) và “Bảo vệ, khôi phục, sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên mặt đất” (Mục tiêu 15). Giảm tải lượng xe lưu thông là một đóng góp cho đô thị và cộng đồng dân cư của Biiké. Giảm lượng khí thải cũng là một tác động tích cực đến môi trường, khí hậu và hệ sinh thái mà Biiké mang đến.

Theo FPT Edu