QUY CHẾ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY
CHƯƠNG I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng
- Quy chế này cụ thể hóa một số quy định về tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, kiểm tra và thi học phần, xét và công nhận tốt nghiệp trình độ đào tạo đại học áp dụng tại trường Đại học FPT.
- Các đơn vị đào tạo có trách nhiệm thực hiện theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các điểm cụ thể quy định trong quy chế này.
- Quy chế này áp dụng đối với sinh viên các khoá đào tạo hệ chính quy ở trình độ đại học của Trường Đại học FPT (sau đây gọi tắt là Trường) thực hiện theo hình thức tích lũy tín chỉ.
Điều 2. Sinh viên và khóa sinh viên
- Sinh viên là người đáp ứng yêu cầu đầu vào và hoàn tất thủ tục nhập học đại học chính quy của Trường Đại học FPT. Mỗi sinh viên khi vào Trường được cấp một mã số riêng theo quy định của Trường.
- Khóa sinh viên (gọi tắt là khóa) là thuật ngữ để chỉ nhóm sinh viên cùng một năm tuyển sinh và nhập học của Trường (không phụ thuộc ngành đào tạo). Một khóa được phân thành các khóa nhỏ, tùy theo trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên.
Điều 3. Chương trình đào tạo và thời gian học tập
- Chương trình đào tạo của Trường được xây dựng theo hình thức tích lũy tín chỉ, cấu trúc từ các môn học hoặc học phần (sau đây gọi chung là học phần), trong đó có các học phần bắt buộc và học phần tự chọn theo hướng dẫn của Trường nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn hẹp hoặc được tự chọn tuỳ ý để tích luỹ đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.
- Các học phần trong Chương trình được sắp xếp theo trình tự nhất định vào từng học kỳ của khóa đào tạo – đây là trình tự mà Trường khuyến cáo sinh viên nên tuân theo để thuận lợi nhất cho việc tiếp thu kiến thức.
- Trong chương trình có một số học phần mà kết quả học phần không dùng để tính điểm trung bình học kỳ và trung bình tích lũy, nhưng sinh viên phải hoàn tất thì mới đủ điều kiện để bắt đầu học tập (ví dụ chứng chỉ tiếng Anh chuẩn bị) hoặc để cấp bằng tốt nghiệp (Rèn luyện tập trung, Giáo dục thể chất, OJT…). Các học phần này gọi tắt là học phần điều kiện.
- Chương trình đào tạo của Trường được cấu trúc thành 4 giai đoạn bao gồm:
a) Giai đoạn 1: rèn luyện tập trung (bao gồm chương trình Giáo dục quốc phòng và chương trình rèn luyện của Đại học FPT) và chuẩn bị tiếng Anh ;
b) Giai đoạn 2: chuyên môn cơ bản và cơ sở ngành;
c) Giai đoạn 3: đào tạo trong môi trường thực tế (On-the-Job-Training (OJT));
d) Giai đoạn 4: chuyên môn nâng cao và chuyên ngành hẹp. - Học kỳ là khoảng thời gian nhất định bao gồm một số tuần dành cho giảng dạy, học tập và đánh giá kiến thức (kiểm tra, thi, bảo vệ….). Một năm Trường có các học kỳ Fall, Spring và Summer. Một học kỳ tại Trường Đại học FPT kéo dài 15-16 tuần.
- Thời gian kế hoạch để hoàn thành chương trình đào tạo gồm Giai đoạn định hướng và rèn luyện tập trung và 9 học kỳ (không kể thời gian học tiếng Anh chuẩn bị). Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch để hoàn thành chương trình đào tạo.
Điều 4. Khối lượng học tập
- Tín chỉ là đơn vị quy chuẩn để lượng hóa khối lượng kiến thức và khối lượng học tập, giảng dạy trong mỗi chương trình đào tạo.
- Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 50 giờ thực tập tại cơ sở; 50 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khóa luận tốt nghiệp.
- Để hoàn thành khối lượng kiến thức của 01 tín chỉ học trên lớp sinh viên cần tối thiểu 30 tiết chuẩn bị, tự học (ngoài giờ lên lớp). Một tiết học bằng 45-50 phút.
- Tổng số tín chỉ tối đa của chương trình được xác định theo từng ngành đào tạo cụ thể
- Quy định cụ thể về tín chỉ được Trường áp dụng theo Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học do Bộ GDĐT ban hành.
CHƯƠNG II: TỔ CHỨC ĐÀO TẠO
Điều 5. Tổ chức lớp học
- Trường tổ chức lớp học theo mô hình lớp nhỏ với số lượng sinh viên vừa đủ, phù hợp với các môn học.
- Trong trường hợp đặc biệt, Hiệu trưởng/ Giám đốc phân hiệu quyết định số lượng sinh viên/lớp.
Điều 6. Kế hoạch học tập
- Đầu mỗi học kỳ, Trường sẽ thông báo Chương trình cho sinh viên học trong học kỳ, lịch học dự kiến, đề cương chi tiết và điều kiện để được tham dự từng học phần, lịch kiểm tra và thi, hình thức kiểm tra và thi đối với các học phần.
- Để chuẩn bị cho một học kỳ, sinh viên học theo chương trình của Trường bố trí, đăng ký các học phần tự chọn. Thủ tục hành chính đăng ký học, đăng ký học phần tự chọn, học phần học thêm cần được nộp chậm nhất 1 tuần trước khi học phần bắt đầu.
- Sinh viên có học phần bắt buộc không đạt vì bất cứ lý do gì phải đăng ký học lại học phần đó, hoặc học phần tự chọn khác được quy định tương đương, ngay trong học kỳ hoặc ở các học kỳ tiếp sau cho đến khi đạt đủ các yêu cầu của học phần đó.
- Sinh viên được phép đăng ký học lại học phần đã đạt để cải thiện điểm. Trong trường hợp này, kết quả đã đạt lần trước sẽ bị hủy bỏ.
- Sinh viên được bố trí học lại tại thời điểm nào, sẽ phải học lại theo đề cương học phần được phê duyệt triển khai tại thời điểm đó. Trong các trường hợp đặc biệt, Hiệu trưởng quyết định học phần và đề cương học phần học lại.
- Trường sẽ coi như sinh viên chủ động thôi học trong trường hợp sinh viên không đóng học phí trong thời hạn quy định và không làm thủ tục tạm ngừng (bảo lưu).
- Các trường hợp đặc biệt khác được Hiệu trưởng hoặc Giám đốc phân hiệu xem xét quyết định cụ thể.
Điều 7. Vắng mặt trong giờ học
- Sinh viên không tham gia đủ thời lượng tối thiểu theo quy định của học phần vì bất cứ lý do gì không được dự thi cuối học phần và phải đăng ký học lại học phần đó.
- Trong trường hợp sinh viên giai đoạn 4 đang làm việc, nếu không thể tham dự đủ thời lượng tối thiểu theo quy định của học phần thì cần nộp đơn đề nghị và Hợp đồng lao động hợp lệ trước khi học phần bắt đầu để được nhà trường xem xét.
Điều 8: Tổ chức giảng dạy và học tập
- Việc phân công giảng viên cho các lớp học, giảng viên giảng dạy, giảng viên hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm, thực hành, thực tập, đồ án, khoá luận và thực hiện các hoạt động học tập khác; việc lấy ý kiến phản hồi của người học về các điều kiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả học tập đối với tất cả các lớp học của cơ sở đào tạo và việc công khai ý kiến phản hồi của người học, bao gồm nội dung, mức độ, hình thức công khai được quy định trong các quy trình, kế hoạch đào tạo, thời khóa biểu theo từng học kỳ của Trường;
- Trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên được phân công giảng dạy hoặc hướng dẫn sinh viên; trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn và các đơn vị quản lý, hỗ trợ liên quan; trách nhiệm và quyền hạn của sinh viên khi tham dự các lớp học theo bố trí của trường được áp dụng theo các văn bản quy phạm liên quan do Bộ GDĐT quy định;
Điều 9. Tạm ngừng (bảo lưu) học kỳ
- Sinh viên được quyền tạm ngừng (bảo lưu) học theo học kỳ để giải quyết việc riêng hoặc để học lại các học phần chưa đạt và bảo lưu kết quả của các học kỳ trước, nhưng đã phải học tối thiểu 01 học kỳ và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật. Các trường hợp đặc biệt khác được Hiệu trưởng hoặc Giám đốc phân hiệu xem xét quyết định cụ thể.
- Thời gian cho 01 (một) lần tạm ngừng là 01 (một) học kỳ. Nếu có nhu cầu tiếp tục ngưng, sinh viên phải làm thủ tục đăng ký lại.
- Sinh viên không được phép tạm ngừng quá 02 (hai) học kỳ liên tiếp.
- Thủ tục hành chính để tạm ngừng (bảo lưu) học kỳ cần được nộp chậm nhất 1 tuần trước khi học kỳ mới bắt đầu. Lệ phí để làm thủ tục tạm ngừng được quy định trong quy định tài chính sinh viên
Điều 10. Kiểm định và công nhận những gì đã học hoặc trải nghiệm
- Ngoài một số học phần then chốt không được phép kiểm định và công nhận những gì đã học hoặc trải nghiệm, bao gồm: Khóa luận tốt nghiệp, Rèn luyện tập trung, Giáo dục thể chất… thì sinh viên có thể đề nghị Trường xem xét công nhận học phần mà sinh viên đã đạt được tại cơ sở đào tạo với điều kiện các học phần đó đáp ứng được các yêu cầu về nội dung/đầu ra, thời lượng, điều kiện hoàn thành môn học tương đương với các học phần tương ứng thuộc chương trình đào tạo của Trường.
- Hiệu trưởng hoặc Giám đốc phân hiệu sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và nếu được chấp nhận, học phần tương ứng trong chương trình đào tạo của Trường sẽ chỉ tính là “đạt” và không đóng góp vào điểm trung bình chung của sinh viên. Sinh viên sẽ được miễn học học phần tương ứng tại trường.
- Số tín chỉ được công nhận những gì đã học hoặc trải nghiệm tối đa với sinh viên chuyển từ trường khác sang Trường Đại học FPT là 50% so với tổng số tín chỉ cần đạt để được xét tốt nghiệp.
Điều 11. Điều kiện chuyển giai đoạn
Sinh viên chỉ được chuyển sang giai đoạn sau của chương trình đào tạo khi đã hoàn thành các nhiệm vụ học tập chính được xác định cho giai đoạn trước đó. Cụ thể:
- Điều kiện chuyển sang giai đoạn học chuyên môn:
- Đạt trình độ tiếng Anh theo quy định cụ thể của trường.
- Điều kiện chuyển sang giai đoạn OJT:
- Hoàn thành tối thiểu 90% tổng số tín chỉ của các học phần chuyên môn (không bao gồm Giáo giục quốc phòng, Giáo dục thể chất) được nhà trường quy định trong giai đoạn trước OJT của chương trình giáo dục đại học theo ngành được đào tạo.
- Điều kiện chuyển sang giai đoạn sau OJT:
- Đạt chương trình OJT theo quy định cụ thể của trường.
- Điều kiện tốt nghiệp:
- Như quy định trong Điều 22 của Quy chế này.
Trường sẽ coi như sinh viên chủ động thôi học nếu không làm thủ tục tạm ngừng (bảo lưu) theo quy định, cũng không đăng ký học đi hoặc học lại.
Điều 12. Điều kiện bị buộc thôi học
- Sinh viên sẽ bị buộc thôi học nếu vi phạm một trong các điều sau:
- Vượt quá thời hạn tối đa được phép học tại Trường như quy định tại khoản 6, Điều 3 của Quy chế này.
- Bị kỷ luật ở mức buộc thôi học theo quy định về các vi phạm và mức kỷ luật của Trường.
- Sinh viên xin thôi học vì lý do cá nhân, trừ trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỷ luật. Những sinh viên này muốn quay trở lại học thì được miễn thủ tục xét tuyển đầu vào..
CHƯƠNG III: KIỂM TRA VÀ THI HỌC PHẦN
Điều 13. Điều kiện thi học phần
- Sinh viên chỉ được dự thi kỳ thi cuối học phần nếu đáp ứng điều kiện dự thi xác định trong đề cương học phần và các yêu cầu đặc thù (nếu có) do bộ môn quy định.
- Căn cứ vào kết quả hoàn thành các bài tập và công việc được giao cũng như thái độ học tập, các sinh viên xuất sắc có thể được Trường cho phép miễn các kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ. Trong trường hợp này, điểm của sinh viên sẽ được tính là tối đa.
Điều 14. Đánh giá kết quả học phần
- Tùy theo tính chất của học phần, điểm tổng hợp đánh giá học phần (sau đây gọi tắt là điểm học phần) được tính căn cứ vào một phần hoặc tất cả các điểm đánh giá bộ phận, ví dụ: điểm kiểm tra thường xuyên trong quá trình học tập; điểm đánh giá nhận thức và thái độ tham gia thảo luận; điểm đánh giá phần thực hành; điểm chuyên cần; điểm thi giữa học phần; điểm tiểu luận và điểm thi cuối học phần.
- Sinh viên được coi là đạt học phần khi đáp ứng tiêu chí hoàn thành học phần được quy định trong đề cương học phần.
- Đánh giá trong quá trình là tập hợp của các bài kiểm tra, bài tập, bài thực hành, bài thi giữa kỳ… được tổ chức trong quá trình triển khai học phần. Phạm vi, thời lượng và tính chất của các bài đánh giá trong quá trình được quy định cho từng học phần cụ thể trong Đề cương học phần.
- Thi cuối học phần là tập hợp của các bài thi lý thuyết hoặc/và thực hành được tổ chức vào khi kết thúc học phần. Yêu cầu nội dung, thời lượng thi cuối học phần được quy định trong đề cương học phần. Sinh viên được quyền thi 2 (hai) lần cuối học phần cho mỗi môn học. Sinh viên không dự thi cuối học phần lần 1, coi như bị điểm 0. Lần thi 2 dành cho những sinh viên không tham dự kỳ thi lần 1 hoặc chưa đủ điều kiện đạt học phần hoặc để cải thiện điểm. Nếu thi lần 2 thì điểm thi lần 1 (một) bị hủy.
- Sinh viên không được phép cải thiện điểm trung bình tốt nghiệp theo hình thức chuyển đổi tín chỉ từ các học phần thuộc các chương trình đào tạo khác.
Điều 15. Đánh giá kết quả học tập
Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá theo từng học kỳ qua các tiêu chí sau:
- Số tín chỉ của các học phần hoặc do Trường quy định cho mỗi học kỳ, hoặc do sinh viên chủ động đăng ký học vào đầu mỗi học kỳ với những môn tự chọn (gọi chung là tổng khối lượng học tập của học kỳ).
- Điểm trung bình chung học kỳ là điểm trung bình có trọng số của các học phần (trừ các học phần điều kiện) mà sinh viên học trong học kỳ đó, với trọng số là số tín chỉ tương ứng của từng học phần mà sinh viên đã đạt.
- Khối lượng kiến thức tích lũy là khối lượng tính bằng tổng số tín chỉ của những học phần học tại Trường đã được đánh giá là “Đạt” theo đề cương học phần tính từ đầu khóa học.
- Điểm trung bình chung tích lũy là điểm trung bình có trọng số của các học phần học tại Trường (trừ các học phần điều kiện) và được đánh giá là “Đạt” theo đề cương học phần mà sinh viên đã tích lũy được từ đầu khóa học cho tới thời điểm được xem xét vào lúc kết thúc mỗi học kỳ.
- Sinh viên được Trường xác định trình độ theo học kỳ, tính từ lúc bắt đầu vào chuyên ngành.
Điều 16. Tổ chức đánh giá và thi
- Các bài tập, bài kiểm tra, đánh giá trong quá trình do giảng viên đứng lớp và bộ môn tổ chức thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, giảng viên và bộ môn có thể đề nghị Khảo thí hỗ trợ, nhưng trách nhiệm chính thuộc về giảng viên và bộ môn.
- Các bài thi giữa kỳ (nếu có) và thi cuối học phần do Khảo thí của Trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chung (chung đề, chung lịch) cho tất cả các lớp trong Trường. Việc ra đề thi và chấm thi được tiến hành không phụ thuộc vào giảng viên từng lớp.
- Hình thức kiểm tra, thi của từng học phần (tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp hoặc bài tập, trên máy tính hay trên giấy) được quy định trong Kế hoạch triển khai học phần.
Điều 17. Phúc tra kết quả thi
- Sinh viên có quyền phúc tra bài thi trong thời gian một tuần từ khi công bố kết quả. Nếu có thay đổi về điểm bài thi (lên hoặc xuống), sinh viên được điều chỉnh lại điểm bài thi. Kết quả phúc tra là kết quả cuối cùng.
- Lệ phí xin phúc tra chỉ được hoàn lại cho sinh viên nếu kết quả sau khi phúc tra có thay đổi.
Điều 18. Xử lý kỷ luật đối với sinh viên vi phạm các quy định về học tập, thi, kiểm tra
Trong quá trình học tập và thi cử, sinh viên vi phạm quy chế đào tạo đại học chính quy và nội quy kỳ thi sẽ bị xử lý theo quy định của Trường.
CHƯƠNG IV: ĐIỂM TRUNG BÌNH VÀ XẾP LOẠI HỌC TẬP
Ðiều 19. Thang điểm đánh giá
Ðiểm được cho theo thang điểm 10. Thang điểm chữ và thang điểm 4 chỉ mang tính chất tham khảo, chuyển đổi khi cần thiết.
Thang điểm chính thức hệ 10 cùng cách xếp loại kết quả học tập được quy định như sau:
Xếp loại | Thang điểm chính thức hệ 10 | Thang điểm tham khảo | ||
Điểm chữ | Thang điểm 4 | |||
Đạt
(tích lũy) |
Xuất sắc | Từ 9,0 đến 10,0 | A+ | 4,0 |
Giỏi | Từ 8,5 đến cận 9,0 | A | 3,75 | |
Từ 8,0 đến cận 8,5 | A- | 3,5 | ||
Khá | Từ 7,5 đến cận 8,0 | B+ | 3,25 | |
Từ 7,0 đến cận 7,5 | B | 3,0 | ||
Trung bình khá | Từ 6,5 đến cận 7,0 | B- | 2,75 | |
Từ 6,0 đến cận 6,5 | C+ | 2,5 | ||
Trung bình | Từ 5,5 đến cận 6,0 | C | 2,25 | |
Từ 5,0 đến cận 5,5 | C- | 2,0 | ||
Không đạt | Không đạt | Dưới 5,0 | F | 0 |
Điều 20. Cách tính điểm trung bình
- Điểm đánh giá bộ phận và điểm thi cuối học phần được quy đổi theo thang điểm 10, làm tròn đến một chữ số thập phân.
- Điểm học phần là tổng điểm của tất cả các điểm đánh giá bộ phận và thi cuối học phần nhân với trọng số tương ứng. Điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân.
- Điểm trung bình học kỳ hay điểm trung bình tích lũy được tính theo công thức như sau và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân:
A = | ∑ ai * ni | với i từ 1 cho đến n |
∑ ni |
Trong đó:
A là điểm trung bình học kỳ hoặc điểm trung bình tích lũy;
ai là điểm tổng kết của học phần thứ i trong học kỳ hoặc tích lũy tại Trường từ khi học (không tính tiếng Anh chuẩn bị, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, OJT);
ni là số tín chỉ của học phần thứ i;
n là tổng số học phần của học kỳ hoặc số học phần đã tích lũy tại Trường (không tính tiếng anh chuẩn bị, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, OJT).
- Điểm học phần, điểm trung bình học kỳ hay điểm trung bình tích lũy được sử dụng để xét học bổng, các chế độ khen thưởng, xếp loại sinh viên, xét và xếp loại tốt nghiệp.
CHƯƠNG V: XÉT VÀ CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP
Điều 21. Đồ án/Khóa luận tốt nghiệp
- Khóa luận tốt nghiệp tại Trường đại học FPT được coi là một môn học chuyên ngành của sinh viên hội đủ các điều kiện theo Quy định; được viết và bảo vệ trước Hội đồng chấm bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Đồ án tốt nghiệp là tên gọi khóa luận tốt nghiệp của sinh viên các ngành kỹ thuật – công nghệ. Luận văn tốt nghiệp là tên gọi khóa luận tốt nghiệp của sinh viên các ngành kinh tế – xã hội.
- Khóa luận được đăng ký đề tài theo nhóm. Mỗi giảng viên hướng dẫn không quá 04 nhóm/1 học kỳ. Trường hợp thay đổi tên đề tài so với đăng ký ban đầu phải có xác nhận của giảng viên hướng dẫn. Trường sẽ xem xét phê duyệt nếu số lượng nhóm mà giảng viên hướng dẫn vượt quá quy định trên.
- Việc chấm bảo vệ Đồ án/Khóa luận tốt nghiệp do Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp của Trường do Hiệu trưởng quyết định thành lập đảm trách. Mỗi Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp gồm 3 đến 5 thành viên gồm 01 Chủ tịch Hội đồng, 01 thư ký và các ủy viên Hội đồng.
- Chủ tịch Hội đồng chấm khóa luận TN nhận xét kết quả khóa luận TN ngay tại buổi bảo vệ sau khi nhóm đề tài bảo vệ xong. Đối với những khóa luận không đạt, Chủ tịch Hội đồng chấm khóa luận phải nêu nhận xét có những điểm nào cần sửa đổi bổ sung cho đợt bảo vệ khóa luận lần 2.
- Sinh viên có quyền đăng ký bảo vệ lần 2 sau lần bảo vệ đầu tiên do Trường tổ chức, nếu Đồ án/Khóa luận tốt nghiệp không đạt hoặc muốn cải thiện điểm. Thời gian tối thiểu giữa 2 lần bảo vệ là 1 tháng và điểm bảo vệ cuối cùng sẽ được tính bằng 80% điểm bảo vệ lần thứ 2.
- Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp lần 2 vẫn giữ nguyên về số lượng, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm như Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp lần 1 của khóa luận đó và do Giám đốc phân hiệu quyết định.
- Điểm của Đồ án/Khóa luận tốt nghiệp được tính vào điểm trung bình tích lũy cho toàn khóa học.
- Sinh viên không đạt khóa luận tốt nghiệp sau 2 lần bảo vệ phải làm lại khóa luận tốt nghiệp từ đầu và phải đóng học phí học lại môn học khóa luận tốt nghiệp.
Điều 22. Điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp
- Sinh viên đáp ứng đủ các điều kiện sau thì được xét công nhận tốt nghiệp:
a) Tại thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Có các chứng chỉ hoàn thành Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất và OJT;
c) Hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Trường;
d) Hoàn thành đủ khối lượng tín chỉ tích lũy quy định trong chương trình đào tạo và có điểm trung bình tích lũy (với các học phần tại Trường) đạt từ 5 trở lên. - Hạng tốt nghiệp của những sinh viên có kết quả học tập toàn khoá loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Khối lượng của các học phần phải học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình; Khoản này áp dụng cho sinh viên nhập học từ K17 trở đi;
b) Sinh viên đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo cấp trường trở lên trong thời gian học
Điều 23. Nhận bằng tốt nghiệp, bảng điểm tốt nghiệp
- Sinh viên được nhận bằng/bảng điểm sau 30 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp đại học. Bản gốc Bằng tốt nghiệp chỉ được cấp 1 lần. Sinh viên mất bản gốc chỉ được cấp bản sao. Sinh viên phải trực tiếp nhận bản gốc bằng tốt nghiệp và bảng điểm tốt nghiệp. Trường hợp nhận thay phải có ủy quyền bằng văn bản có chứng thực theo Quy định của pháp luật.
- Trường hợp sinh viên có nhu cầu xét tốt nghiệp và nhận bằng tốt nghiệp sớm, sinh viên cần làm thủ tục và nộp lệ phí theo định tài chính để được nhận bằng tốt nghiệp sớm.
- Sinh viên có nhu cầu cấp bản sao bằng hoặc bảng điểm tốt nghiệp nộp lệ phí theo Quy định.
CHƯƠNG VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Điều khoản thi hành
Quy chế này gồm 6 chương, 24 điều được áp dụng cho sinh viên đại học chính quy tất cả các ngành đào tạo tại Trường Đại học FPT. Việc thay đổi nội dung trong Quy chế này do Hiệu trưởng quyết định.