Sáng chế điện gió “độc quyền” của giảng viên IT

Với ý tưởng sản xuất ra nguồn điện thân thiện với môi trường, Tiến sĩ Trần Thế Trung -Viện Trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT (ĐH FPT) – đồng thời là giảng viên Đại học FPT đã mất nhiều năm cùng đồng nghiệp nghiên cứu, cho ra đời sáng chế liên quan tới điện gió. Sáng chế mới đây đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN công nhận và cấp bằng độc quyền.

Là tiến sỹ Vật lý Thiên văn, từng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở ĐH Versailles (Pháp), anh Trần Thế Trung đã lựa chọn về Việt Nam nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Anh hiện công tác tại Viện nghiên cứu Công nghệ FPT (ĐH FPT), và là giảng viên ĐH FPT. Với mong muốn cống hiến thật nhiều cho đất nước, nhà khoa học trẻ  –  người thầy này luôn nỗ lực tìm kiếm và phát triển những ý tưởng công nghệ mới mẻ.

Sáng chế về năng lượng điện gió của anh có tên đầy đủ là “Chuỗi các cánh diều có cơ cấu bám dây tự động và hệ thống chuỗi diều thu năng lượng gió” – một ý tưởng nhằm tạo ra nguồn năng lượng sạch cho con người, có tầm ứng dụng to lớn trên thế giới và tại Việt Nam.

Đây là bằng độc quyền sáng chế thứ hai của anh, đứng tên cùng cộng sự – Tiến sỹ Lê Ngọc Thúy. Trước đó, năm 2014, sáng chế “Hệ thống nhận biết trạng thái các ngón tay di chuyển và nhấn trên vùng không gian ảo giới hạn” của anh cùng các đồng nghiệp Phạm Bảo Thạch và Trần Đức Hải Triều cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng và bảo hộ.

Tiến sĩ Trần Thế Trung cho biết, ý tưởng về sáng chế này bắt đầu từ mong muốn tìm kiếm một công nghệ giúp tận dụng năng lượng gió một cách hiệu quả. Sau nhiều trăn trở, nghiên cứu, tìm hiểu, anh đã tìm ra “hệ thống chuỗi diều thu năng lượng gió”. Một cách dễ hiểu, đó là một hệ thống những cánh diều được bố trí hợp lý mà nhờ đó, con người hoàn toàn có thể thu về dòng điện sạch, thân thiện môi trường.

Bằng sáng chế thứ hai của anh Trần Thế Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT – ĐH FPT được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và bảo hộ Bằng sáng chế độc quyền.

Bằng sáng chế thứ hai của anh Trần Thế Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT – ĐH FPT được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và bảo hộ Bằng sáng chế độc quyền.

 
Bằng sáng chế thứ hai của anh Trần Thế Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT – ĐH FPT được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và bảo hộ Bằng sáng chế độc quyền.

“Hệ thống sử dụng chuỗi các cánh diều có cơ cấu bám giây để phát điện hoặc chuyển năng lượng gió thành cơ năng hữu ích, có khả năng thay đổi diện tích hứng gió và vận hành trong nhiều điều kiện gió ở công suất phát tối ưu. Hệ thống cơ khí cho phép chế tạo đơn giản, tận dụng được diện tích hứng gió tối đa, nhiều hơn so với diện tích hứng gió của các phương án điện gió truyền thống, do đó có tiềm năng tạo ra đủ điện đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tiễn hơn” – anh Trần Thế Trung giải thích.

Trên thế giới, xu thế phát triển năng lượng điện gió đang là một trào lưu phát triển mạnh mẽ, được chú trọng phát triển, nhằm thay thế nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, cũng như phát thải khí ảnh hưởng tới môi trường. Sáng chế của anh Trần Thế Trung mang tầm ý nghĩa rất lớn, trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là một ý tưởng cộp mác “độc quyền” của FPT nói chung, của Việt Nam nói riêng khi trên thế giới chưa từng có sản phẩm hay sáng chế tương tự trong cùng lĩnh vực.

“Trong tương lai gần, sáng chế sẽ có rất nhiều tiềm năng để được ứng dụng rộng rãi trong thực tế, bởi hiện tại, nhà nước cũng dần có nhứng chính sách ủng hộ năng lượng sạch, hạn chế phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống. Tôi sẽ rất vui nếu sản phẩm của mình được đi vào cuộc sống” – anh Trần Thế Trung chia sẻ.

Anh Trần Thế Trung vừa là một nhà khoa học, vừa là một giảng viên Đại học.

Anh Trần Thế Trung vừa là một nhà khoa học, vừa là một giảng viên Đại học.

Là một nhà khoa học đầy say mê, anh Trung vẫn rất tâm huyết với công việc giảng dạy, bởi anh yêu thích việc truyền đạt kiến thức, cảm hứng nghiên cứu khoa học cho mọi người, nhất là những người trẻ. Công việc của một giảng viên IT tại ĐH FPT cho phép anh làm được điều đó.

“Tôi thường động viên, khích lệ các sinh viên của mình quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học, tìm kiếm các cơ hội học tập để có thể vươn cao, vươn xa hơn trong lĩnh vực của mình. Nhìn các em thành công, tôi rất vui!” – người thầy giản dị tâm sự.