Dù chưa ra trường, sinh viên Trường Đại học FPT có việc làm tốt, lương hấp dẫn nhờ trang bị kỹ năng làm nổi bật năng lực cá nhân.
Lý Hồng Ngọc – trúng tuyển tập đoàn điện tử Hàn Quốc khi chưa tốt nghiệp
Lý Hồng Ngọc học chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm và bắt đầu làm việc tại LG vào năm cuối đại học. Tại công ty, nữ sinh tham gia nghiên cứu và phát triển các ứng dụng thông tin giải trí trên ôtô, hệ thống thông tin dẫn đường (AVN), hệ thống thông tin và cảnh báo về tình trạng xe (Cluster), hệ thống viễn thông (Telematics).
Sau khi có công việc toàn thời gian, cô được Trường Đại học FPT tạo điều kiện học tập xen kẽ trực tuyến và trên lớp. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn phải dành thời gian để chuẩn bị bài vở và hoàn thành chương trình học.
Hồng Ngọc cho biết, bản thân trúng tuyển Tập đoàn LG thông qua chương trình học bổng LG Track do trang tin Trường Đại học FPT đăng tải. Đây là chương trình học bổng sinh viên và tuyển dụng tài năng trẻ của tập đoàn dành cho sinh viên công nghệ. Cô đăng ký chương trình vào năm cuối đại học và trúng tuyển nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng làm nổi bật năng lực cá nhân.
Khi đi học tại trường đại học, Hồng Ngọc có nhiều cơ hội ứng dụng kiến thức vào dự án thực tế, bài tập chuyên ngành và tham gia cuộc thi công nghệ. Nhờ vậy, hồ sơ cá nhân của nữ sinh có nhiều kinh nghiệm thực tế và một số giải thưởng về lập trình. “Đây chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng đầu tiên”, cô nói.
Bên cạnh đó, Ngọc cũng tìm hiểu kỹ về học bổng và nhận ra chương trình không yêu cầu ứng viên có quá nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế. Automotive là một ngành rất hẹp, khá mới mẻ và khó để nhân sự trẻ có kinh nghiệm từ trước.
Đồng thời, cô nhận ra điều cần thể hiện rõ nhất là nền tảng kiến thức tốt, khả năng học thêm, tư duy giải quyết vấn đề và kỹ năng ngoại ngữ để nghiên cứu tài liệu. Tất cả những điều đó đều phù hợp với Ngọc và những gì thể hiện trong hồ sơ và phần phỏng vấn cá nhân.
Cao Đức Duy – kỹ sư trí tuệ nhân tạo) tại VinAI Research
Cao Đức Duy là sinh viên chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI) Trường Đại học FPT, hiện là AI Engineer (kỹ sư trí tuệ nhân tạo) tại VinAI Research sau khi hoàn thành học kỳ thực tập doanh nghiệp (OJT).
Công ty của Duy hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu AI của Tập đoàn Vingroup. Duy chia sẻ, công việc chính của mình liên quan tới các dự án nghiên cứu ứng dụng AI vào nâng cao chất lượng đời sống con người. Tại các dự án này, dù chỉ ở vị trí thực tập sinh, bằng năng lực công việc của mình, Duy được làm việc trực tiếp với lãnh đạo công ty là những chuyên gia trong ngành. Nhờ vậy, cậu được học hỏi rất nhiều về kiến thức chuyên môn và kỹ năng công việc.
Ngay từ khi theo học chuyên ngành AI tại Trường Đại học FPT, Duy là một sinh viên có thành tích học tập tốt. Cậu say sưa với những môn học chuyên ngành trên trường và đặc biệt được truyền cảm hứng bởi thầy Bùi Văn Hiệu. Học kỹ giáo trình trên lớp, về nhà, Duy cũng mày mò các kiến thức trên mạng thông qua DeepLearning.AI. Từ đó, Duy có được nền tảng kiến thức khá chắc.
Tại kỳ thực tập doanh nghiệp, Duy đã có những trải nghiệm đầu tiên của “dân IT” khi đi làm chuyên nghiệp: những đêm thức trắng làm dự án và chạy số liệu đáng nhớ, những lúc đọc nghiên cứu mấy ngày trời không tìm ra giải pháp cho bài toán công việc. Tuy gặp không ít thách thức nhưng Duy yêu thích công việc này. “Những gì đang làm hiện tại chính là hình dung của mình về công việc tương lai sau khi đăng ký học chuyên ngành AI tại FPT”, Duy chia sẻ.
Học kỳ thực tập doanh nghiệp của Trường Đại học FPT là khoảng thời gian mà 100% sinh viên của trường sẽ đi thực tập tại doanh nghiệp để trải nghiệm công việc thực tế. Đây là điểm khác biệt, cũng là thế mạnh của sinh viên trường này khi bước chân ra thị trường nhân sự sau tốt nghiệp.
Hoàng Kim Phú – trở thành Kiểm thử xâm nhập tại Công ty Cổ phần Hệ thống Công nghệ ETC
Hoàng Kim Phú, sinh viên chuyên ngành An toàn thông tin sớm làm việc chính thức tại một công ty công nghệ từ khi chưa tốt nghiệp nhờ năng lực thực chiến được rèn luyện ở trường.
Tính tới thời điểm hiện tại, anh chàng đã có 2 năm gắn bó tại công ty Công ty Cổ phần Hệ thống Công nghệ ETC với vị trí Pentest (Kiểm thử xâm nhập), đảm nhiệm việc đánh giá mức độ an toàn của hệ thống IT bằng các cuộc tấn công mô phỏng thực tế, phát hiện ra những điểm yếu tiềm tàng của hệ thống mà tin tặc có thể khai thác và gây thiệt hại.
Vào trường, Phú bắt đầu với việc tham gia thành lập CLB cho các sinh viên đam mê bảo mật. Đây là chiếc nôi đầu tiên để Phú có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và nghiên cứu cùng với bạn cùng trường. Cũng nhờ vậy mà Phú có cơ hội đào sâu chuyên môn, phát triển nhiều kỹ năng quý báu.
Nhóm bạn cùng đam mê An toàn thông tin của Phú tại Trường Đại học FPT cũng liên tục giành được nhiều thành tích cao. Có thể kể tới Phạm Phước có 4 lần được cấp CVE, đạt ‘Hall of fame’ của Domino’s Pizza; giành tiền thưởng từ các cuộc ‘săn’ lỗ hổng bảo mật cho các doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước. Hay Ngô Thiên An được cộng đồng biết tới nhờ khả năng ‘săn’ hơn 200 lỗ hổng bảo mật trong vòng 8 tháng và đưa nam sinh lên Top 10 All time của Patchstack (Estonia), Top 11 All Time của Wordfence (Mỹ) và Top 38 Synack (Mỹ)…