Được lắp một thiết bị cảm biến giá khoảng 200 nghìn đồng, thùng rác bình thường phút chốc biến thành thùng rác thông minh, biết “gọi” người đến thu gom khi thùng đầy. Sản phẩm này được nhóm sinh viên Đại học FPT lập trình, lắp ráp hoàn thiện chỉ trong hơn 17 tiếng và ẵm trọn ngôi vị Quán quân Hackathon Việt Nam 2018.
Với suy nghĩ, một thành phố thông minh là một thành phố sach, nhóm các sinh viên Dương Xuân Hòa, Trịnh Công Minh, Lê Đình Duy, Phan Nguyên Bảo và Nguyễn Mạnh Cường (Trường ĐH FPT thuộc FPT Edu) đã sáng tạo sản phẩm Little Bin – xử lý rác. Hệ thống gồm thùng rác – loại vẫn được sử dụng trong đời sống hàng ngày và một thiết bị cảm biến được lắp trực tiếp vào thùng.
Thiết bị cảm biến này gồm 3 bộ phận chính: thiết bị nhận diện khoảng cách bằng sóng siêu âm, bảng mạch liên kết với mạng Internet để phát tín hiệu lên Cloud và thiết bị định vị GPS. Đây được coi là “trái tim” của Little Bin bởi nhờ thiết bị cảm biến, thùng rác bình thường có thể biến thành thùng rác thông minh với tính năng phát tín hiệu cảnh báo khi lượng rác trong thùng đầy.
“Các tín hiệu này truyền qua mạng wifi về server (máy chủ), được xử lý trước khi chuyển cho người dùng là công ty hoặc cá nhân người thu gom rác thải. Nếu không có wifi, một sim 3G sẽ được lắp trực tiếp vào thiết bị cảm biến để phục vụ việc truyền dữ liệu.” – Xuân Hòa (đại diện nhóm) chia sẻ.
Với một chiếc smartphone, người dùng có thể nhận được tín hiệu về trạng thái đầy hoặc vơi của thùng rác. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu được lưu trữ trên Cloud còn được sử dụng để tính toán lộ trình cho xe chở rác thu gom theo những tuyến đường có nhiều thùng rác đầy nhất, giúp tăng hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí.
Không phải là những người đầu tiên đưa ra ý tưởng thùng rác thông minh nhưng nhóm sinh viên Đại học FPT đã ứng dụng một số công nghệ mới trong quá trình phát triển sản phẩm. “Những sản phẩm tương tự thường yêu cầu người dùng phải kết nối cùng một mạng Internet (3G hoặc wifi). Trong khi, Little Bin cho phép người dùng sử dụng những mạng Internet khác nhau mà vẫn có thể tương tác cùng hệ thống. Đó là do toàn bộ dữ liệu được đưa lên Cloud của Amazon lưu trữ và đợi xử lý” nhóm cho biết. Đặt trong điều kiện sử dụng thực tế, công nghệ này cho phép Little Bin có khả năng ứng dụng và tương thích với nhiều không gian đường phố, nhiều người dùng hơn. Đây có thể coi là một công nghệ mới được nhóm sinh viên sử dụng, sau quá trình nghiên cứu và tham khảo ý kiến từ một số giảng viên công nghệ tại Đại học FPT.
Ý tưởng về thùng rác thông minh được nhóm sinh viên FPTU ấp ủ sau khi chứng kiến thực trạng thu gom và xử lý rác trong đời sống hiện nay còn nhiều bất cập, gây bất tiện cho cả người dân và các đơn vị vệ sinh môi trường. Vừa qua, nhóm đem ý tưởng này đến cuộc thi Hackathon Việt Nam 2018 với quyết tâm biến nó thành sản phẩm thực tế. Theo quy định của cuộc thi, các sinh viên chỉ có 17,5 tiếng để lập trình phần mềm và lắp ráp phần cứng cho một sản phẩm hoàn thiện. Xuân Hòa chia sẻ: “Có nhiều thử thách đến với nhóm trong quá trình thực hiện sản phẩm như phải làm việc không nghỉ, có lúc mắt cay xè vì buồn ngủ, chân tay mỏi rã rời hay vì sự cố không kịp chuẩn bị thùng rác kích thước phù hợp để lắp cảm biến vào…”.
Nhóm chia công việc hợp lý dựa trên thế mạnh mỗi thành viên như Công Minh và Đình Duy lo phần cứng vì đã có kinh nghiệm làm về phần cứng trước đó, Nguyên Bảo phụ trách server, Mạnh Cường tối ưu đường truyền còn Xuân Hòa kết nối các phần với nhau thành sản phẩm hoàn thiện. Chuẩn bị thiết bị phần cứng từ trước, code một vài tính năng cơ bản, còn lại 85% khối lượng lập trình và 100% khối lượng lắp đặt phần cứng được cả nhóm căng sức thực hiện trong 17,5 tiếng tại cuộc thi.
Dù còn những hạn chế như phát triển đầy đủ các tính năng nhóm mong muốn, ví dụ phát giọng nói cảnh báo người vứt rác về tình trạng thùng rác đã đầy nhưng Little Bin vẫn được đánh giá cao ở tốc độ xử lý thông tin, tính ứng dụng và phù hợp với chủ đề Hackathon Việt Nam 2018 đưa ra là “Smart City – Thành phố thông minh”.
Sản phẩm này xuất sắc giành ngôi vị Quán quân của cuộc thi. Hai sinh viên FPTU trong nhóm sẽ tiếp tục “mang chuông đi đánh xứ người” ở giải Hackathon được tổ chức ở Okinawa, Nhật bản vào tháng 12 năm nay. Có lẽ, lần thử sức với các đối thủ quốc tế này sẽ giúp các thành viên trong nhóm có thêm kiến thức và kinh nghiệm để sớm thương mại hóa Little Bin thành công: “Với kích thước nhỏ gọn, dễ lắp đặt và mức giá chỉ khoảng 200 nghìn đồng, nhóm tin tưởng sản phẩm có khả năng ứng dụng cao.” – Xuân Hòa nói.
Theo Dantri