Sinh viên không vui nếu phần mềm này được giảng viên ứng dụng

Tại buổi Bảo vệ đồ án tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật phần mềm ngày 10/5 vừa qua, nhóm sinh viên Đại học FPT đã mách nước cho các giảng viên cách ngăn chặn tình trạng sao chép, gian lận trong sinh viên. Một khi công cụ này được sử dụng, các “Thánh copy” sẽ không còn đất dựng võ.

Với đề tài “Source code Checker” – Một website hỗ trợ giáo viên đánh giá được bài làm của sinh viên thông qua việc so sánh Source code để phát hiện tình trạng sao chép, gian lận, nhóm sinh viên Giáp Thị Hồng Nhung, Nguyễn Hữu Hoàng Tùng, Bùi Thị Minh Ngọc, Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Hữu Hậu đã nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng.

Nguyễn Hữu Hoàng Tùng cho biết: “Trong quá trình tìm hiểu đề tài làm dự án nhóm đã mất rất nhiều thời gian, đau đầu để nghĩ đề tài. Tình cờ trong lúc nói chuyện với giáo viên giảng dạy và được nghe phản ánh tình trạng sinh viên lười, ỷ lại khi copy bài của các bạn khác. Sau đó nhóm đã thực hiện phỏng vấn một số sinh viên về vấn đề này và ai cũng khẳng định đều có ít nhất 1 lần copy bài bạn trong đời. Để tránh thầy cô phát hiện, họ đã phải dùng 1 số tiểu xảo.

 

Thuật ngữ đạo văn, đạo nhạc có lẽ rất gần gũi với nhiều người thì với dân CNTT, đạo code cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Đạo code bắt nguồn từ việc thiếu hệ thống giám sát, do các sinh viên lười, ỷ lại. Đặc biệt trong các trường đào tạo CNTT, việc copy bài diễn ra không hiếm nhưng việc phát hiện lại mất nhiều thời gian và khó. Chính vì thế nhóm sinh viên đã quyết định tìm hiểu, nghiên cứu, hoàn thiện, bảo vệ đề tài  “Source code Checker” nhằm mang tới 1 giải pháp giúp ngăn chặn tình trạng xấu này

Đạo code không chỉ là hành vi chiếm đoạt sở hữu trí tuệ của người khác mà còn vi phạm luật bản quyền. Riêng trong giáo dục nó ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Phần mềm phát hiện copy code không phải là mới, trong đó phải kể đến simicheck; code compare; hệ thống moss. Tuy nhiên Source code Checker được xem là bản tối ưu của nhiều phiên bản đang sử dụng trên thị trường, giúp trải nghiệm của người dùng được cải thiện.

Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ: “Tính năng chính dược xem như Trái tim của hệ thống là phần so sánh. Ở trường ĐH FPT, C++ và Java là 2 ngôn ngữ được dạy và học nhiều nhất. Trong khi học nhiều bạn sẽ làm bài và gửi file cùng 1 lúc cho giáo viên do đó việc hệ thống so sánh nhiều file cùng lúc là tối ưu. Để thuận tiện cho giáo viên theo dõi kết quả, Source code Checker hỗ trợ hiển thị tỉ lệ copy, hiển thị những phần copy của các file. Khi thực hiện so sánh, hệ thống sẽ sinh ra các report. Giáo viên có thể lưu lại ededr quản lý hoặc xuất ra file excel để chia sẻ thông tin luôn.

Một ưu điểm nữa là người dùng không chỉ có thể up file từ máy tính cá nhân mà còn up được từ google driver. Hiện tại Source code Checker chỉ hỗ trợ định dạng file zip”.

Để sử dụng được Source code Checker, người dùng chỉ cần có trình duyệt web kết nối internet. Người dùng có 4 chức năng: login, logout, đăng ký, chỉnh sửa, xem lại hồ sơ cá nhân. Webite có trang hướng dẫn người dùng upload file lên, cách so sánh tốt nhất.

Tại đây, Hội đồng Bảo vệ tốt nghiệp đánh giá: “Về mặt học thuật, phương pháp thực hiện tốt. Bản demo về mặt lý thuyết và thực tiễn đều khả thi có thể áp triển khai được. Thực tế đã có những úng dụng rồi nhưng sản phẩm của các bạn có sự tích hợp của những ứng dụng khác. Tuy nhiên đối với sản phẩm phải dựa vào đặc trưng của dữ liệu để có những cải tiến”.

Anh Vũ Quang Dũng (cựu sinh viên ĐH Bách Khoa) hiện tại đang là nhân viên của 1 công ty phần mềm chia sẻ: “FPTU từ lâu đã có tiếng, Anh giám đốc công ty cũng xuất thân từ Fsoft nên cũng có nhu cầu quan tâm tới tình hình các em học hành như thế nào. Trong đó điểm sáng chính là buổi bảo vệ đồ án. Tới đây mình khá bất ngờ trước kết quả của nhiều nhóm bảo vệ. nhất là dự án website Source code Checker. Mình thấy các bạn có hướng tiếp cận tốt. Ngày xưa lúc đi học thì không làm được 1 dự án hoàn chỉnh như các bạn nên khá ngưỡng mộ”.

 

 

Thầy Phan Trường Lâm hài hước: “Cheat (gian lận) là thực tế của cuộc sống, không có cheat thì chán lắm. Nhất quỷ nhì ma thứ 3 học trò, kiểu gì cũng có cách để cheat” Tuy nhiên thầy Lâm cũng khẳng định: “Cheat là vấn đề nghiêm trọng cần phải loại trừ và kỹ thuật là một trong những giải pháp được lựa chọn. Trong thời gian tới tôi sẽ áp dụng ứng dụng này.

Sau buổi bảo vệ tốt nghiệp, nhiều sinh viên hài hước: “Thế là Cheat hết thời sống sót”

Một khi nếu ứng dụng này được sử dụng thì những “Thánh copy” khó có cửa thoát. Bên cạnh việc phát hiện gian lận, phần mềm cũng góp phần thúc đẩy mọi người tìm hiểu hướng giải quyết thế nào thay vì chăm chăm tới kết quả. Việc copy code cũng là 1 cách để đạt được kế quả nhưng khi thay đổi 1 chút thì các bạn không hiểu được vấn đề để sửa chữa, nâng cấp. Như thế sinh viên sẽ chăm chỉ học hành hơn, tránh ỷ lại, bắt buộc phải học thật.

P.Phương