Nhóm sinh viên K17 chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện thực hiện đồ án tốt nghiệp với dự án hỗ trợ truyền thông giúp doanh nghiệp OCOP 4 sao tiếp cận thị trường hiệu quả.
Kết hợp truyền thông online và offline cho doanh nghiệp OCOP
Theo định hướng của chương trình phát triển kinh tế địa phương, doanh nghiệp OCOP (One Commune One Product) tập trung sản xuất các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương, giúp nâng cao giá trị kinh tế và kết hợp với du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp OCOP vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường chuyên nghiệp. Trong số đó có Ngọc Thành Farm, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dưa lưới chất lượng cao của tỉnh Hậu Giang.
Nhận thấy vấn đề này, trong kỳ Spring 2025 (từ tháng 1 đến tháng 4), nhóm sinh viên K17 chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện gồm Nguyễn Ngọc Mai, Nguyễn An Thy, Ngô Mỹ Anh, Trần Mỹ Tâm và Hồ Hồng Bảo Ngân đã triển khai đồ án tốt nghiệp với tên gọi “Dự án truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp OCOP 4 sao hướng tới du lịch nông nghiệp bền vững: Trường hợp Ngọc Thành Farm – Hậu Giang”. Thông qua đồ án, nhóm trực tiếp hỗ trợ Ngọc Thành Farm xây dựng chiến lược truyền thông, giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, tiếp cận thị trường một cách bài bản và phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Theo chia sẻ của trưởng nhóm Nguyễn Ngọc Mai, bộ kit truyền thông do nhóm thực hiện mang đến giải pháp toàn diện và chuyên nghiệp hơn so với những gì Ngọc Thành Farm từng sử dụng. Trước khi dự án triển khai, doanh nghiệp chưa có hệ thống nhận diện thương hiệu bài bản. Bộ kit mới gồm các hạng mục mascot đại diện, bảng chỉ dẫn, hộp quà, bảng menu (thực đơn), hay một số sản phẩm quà tặng như voucher khuyến mãi, quạt cầm tay, móc khóa, vòng tay… giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách trực quan hơn. Trong đó, mascot Hai Loan là nhân vật đại diện giúp tạo câu chuyện thương hiệu (storytelling) gần gũi, dễ nhớ, đặc biệt thu hút đối tượng gia đình và trẻ nhỏ.
“Điểm khác biệt quan trọng của dự án là tính bền vững và khả năng tiếp tục duy trì sau khi đề tài kết thúc. Bộ kit truyền thông không chỉ phục vụ dự án mà còn có thể được Ngọc Thành Farm sử dụng lâu dài trong các hoạt động kinh doanh và quảng bá. Bên cạnh đó, các kênh truyền thông số được xây dựng trong khuôn khổ dự án cũng có thể tiếp tục được cập nhật và phát triển, trở thành kênh truyền thông chính thức giúp doanh nghiệp duy trì kết nối với khách hàng, thu hút du khách mới và mở rộng nhận diện thương hiệu trong tương lai”, Mai cho biết.
Hướng đến mô hình truyền thông bền vững cho OCOP
Để triển khai thành công dự án trên tinh thần “học thật – làm thật” của Trường Đại học FPT, Mai cùng các bạn phải đối mặt với không ít thách thức. Khi Ngọc Thành Farm bận rộn với hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhất là trong các dịp lễ Tết, nhóm đã chủ động điều chỉnh lịch làm việc linh hoạt phù hợp với doanh nghiệp, sử dụng các phương tiện giao tiếp online như Zalo để trao đổi thông tin thay vì gặp mặt trực tiếp.
Ngoài ra, do Ngọc Thành Farm chưa có bộ phận truyền thông chuyên trách, nhóm đã hỗ trợ thêm nhân lực cho doanh nghiệp để tham gia các sự kiện quảng bá offline, đồng thời tự tạo kênh fanpage phụ, gián tiếp hỗ trợ tăng lượt tiếp cận cho fanpage của doanh nghiệp.
Kết quả, ngày 20/3, nhóm dự án đã tổ chức thành công buổi chuyển giao bộ kit truyền thông thuộc “Dự án truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp OCOP 4 sao hướng tới du lịch nông nghiệp bền vững: Trường hợp Ngọc Thành Farm – Hậu Giang”. Buổi chuyển giao bộ kit không chỉ đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, mà còn thể hiện tính ứng dụng cao của chương trình đào tạo tại Trường Đại học FPT.
Đại diện doanh nghiệp bày tỏ: “Bộ kit truyền thông là một đóng góp ý nghĩa, giúp Ngọc Thành Farm nâng cao hình ảnh thương hiệu và phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Hy vọng trong thời gian tới, doanh nghiệp và nhóm dự án sẽ tiếp tục có cơ hội hợp tác”.
Khép lại giai đoạn 1 với các hoạt động quảng bá offline, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và nội dung truyền thông số, nhóm đang trong quá trình đề xuất kế hoạch hỗ trợ truyền thông tổng thể, giúp Ngọc Thành Farm duy trì và phát triển thương hiệu ngày càng chuyên nghiệp.
Cụ thể, nhóm đề xuất tiếp tục xây dựng nội dung số trên các kênh mạng xã hội, song song với việc tổ chức chợ phiên OCOP ngay tại nông trại, tạo cơ hội kết nối với các doanh nghiệp OCOP khác trong khu vực, qua đó thúc đẩy hoạt động giao lưu và quảng bá sản phẩm địa phương.
Ngoài ra, để nâng cao trải nghiệm cho khách tham quan, nhóm đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ QR code trên hướng dẫn sử dụng kèm theo từng trái dưa, giúp du khách dễ dàng quét mã để xem video về quy trình trồng trọt cũng như các thông tin liên quan đến sản phẩm. Đồng thời, nhóm hướng đến việc xây dựng mạng lưới OCOP kết hợp du lịch bền vững bằng cách hợp tác với cộng đồng du lịch địa phương, đưa Ngọc Thành Farm vào bản đồ du lịch vùng, giúp tăng lượng khách ghé thăm.
“Nếu có cơ hội, nhóm mong muốn nhân rộng mô hình truyền thông này để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp OCOP khác trong tương lai. Việc truyền thông hiệu quả vừa giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu vững chắc, vừa góp phần quảng bá đặc sản địa phương, thúc đẩy du lịch nông nghiệp và nâng cao giá trị nông sản. Nhóm tin rằng với mô hình này, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh OCOP sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn, từ đó phát triển bền vững và đóng góp tích cực cho nền nông nghiệp nước nhà”, đại diện dự án khẳng định.
Bích Hiền