Sinh viên Trường Đại học FPT phát triển ứng dụng AI nhận diện khuôn mặt, nâng tầm trải nghiệm F&B

Trong kỷ nguyên mà trải nghiệm cá nhân hóa trở thành chìa khóa chinh phục khách hàng, 5 sinh viên K17 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm đã phát triển SmartMenu – hệ thống thực đơn thông minh ứng dụng AI nhận diện khuôn mặt.

SmartMenu là đồ án tốt nghiệp của nhóm sinh viên Phạm Ngọc Quyền, Bùi Ngọc Bảo Trân, Nguyễn Trung Dũng, Ngô Dương và Trương Thế Cảnh. Dự án thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học FPT trong việc ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các vấn đề thực tế trong đời sống, cụ thể là lĩnh vực F&B (ngành kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống). 

AI “đọc vị” khuôn mặt, gợi ý gu ẩm thực riêng

Tận dụng sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện khuôn mặt, 5 bạn sinh viên phát triển dự án SmartMenu với mong muốn tái định nghĩa trải nghiệm gọi món trong nhà hàng. Ngay khi khách bước vào khu vực có camera, hệ thống sẽ tự động nhận diện khuôn mặt qua camera và phân loại người dùng. 

Với khách quen, SmartMenu đề xuất thực đơn dựa trên thói quen và sở thích từ những lần ghé thăm trước. Với khách mới, hệ thống phân tích các yếu tố như giới tính, độ tuổi và cảm xúc khuôn mặt để gợi ý những món ăn phù hợp với nhu cầu và tâm trạng hiện tại. 

Không chỉ rút ngắn thời gian chọn món, SmartMenu còn mang đến cảm giác được thấu hiểu và phục vụ theo cách cá nhân hóa, nơi mỗi lần gọi món là một trải nghiệm riêng biệt và tinh tế. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc “chạm đúng nhu cầu” ngay từ lần đầu không chỉ giúp giữ chân khách hàng, mà còn nâng tầm hình ảnh thương hiệu, biến mỗi lần phục vụ thành một cơ hội củng cố lòng uy tín.

Nhóm đưa ra ví dụ về một menu dành cho nam giới.
Nhóm đưa ra ví dụ về một menu dành cho nam giới.

Chia sẻ về ý tưởng này, bạn Bùi Ngọc Bảo Trân cho biết: “Đã bao nhiêu lần chúng ta lạc lối giữa một rừng thực đơn dài dằng dặc, cuối cùng lại chọn món quen thuộc vì không biết chọn gì khác? SmartMenu ra đời để giải quyết chính ‘nỗi đau’ nhỏ nhặt nhưng lặp đi lặp lại ấy. Chúng mình tin rằng một thực đơn thông minh thực sự phải là người bạn đồng hành thấu hiểu vị giác của từng khách hàng”.

Trong mô hình vận hành truyền thống, mỗi lần thay đổi thực đơn là một quy trình phức tạp và tốn kém, từ việc thuê thiết kế, chỉnh sửa nội dung, in ấn mới đến khâu phân phối thủ công cho từng chi nhánh. Tuy nhiên, SmartMenu có khả năng giải quyết bất cập này bằng một nền tảng quản trị thông minh, nơi chủ thương hiệu dễ dàng thiết kế, cập nhật hoặc điều chỉnh thực đơn trực tiếp trên hệ thống. Chỉ với vài thao tác đơn giản, mọi thay đổi được đồng bộ tức thời đến toàn bộ chuỗi cửa hàng, không còn tình trạng chờ đợi in ấn hay lệch pha giữa các chi nhánh.

Vượt qua thử thách nhờ sự hướng dẫn của các giảng viên tận tâm

Với nhóm sinh viên là “cha đẻ” của SmartMenu, việc đưa trí tuệ nhân tạo vào một sản phẩm ứng dụng thực tế là hành trình không hề đơn giản, đặc biệt khi các bạn lần đầu tiếp cận công nghệ nhận diện khuôn mặt trong môi trường thật. Những yếu tố kỹ thuật như điều kiện ánh sáng, góc nhìn của camera hay độ phân giải thiết bị tưởng chừng nhỏ nhặt lại trở thành rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác và hiệu suất của hệ thống.

Tuy nhiên, thay vì né tránh, nhóm lựa chọn cách tiếp cận bài bản là chia nhỏ bài toán, liên tục thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau, kiểm thử trong đa dạng điều kiện và chủ động trau dồi thêm kiến thức ngoài chương trình học. Quá trình này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm, mà còn tôi luyện tư duy kỹ thuật, khả năng phân tích vấn đề và tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên.

Các thành viên dự án SmartMenu.
Các thành viên dự án SmartMenu.

Khi triển khai SmartMenu, nhóm nhận được sự đồng hành của hai giảng viên bộ môn Kỹ thuật phần mềm là thầy Nguyễn Thế Hoàng và thầy Nguyễn Văn Vịnh. Bảo Trân chia sẻ sự đồng hành của hai thầy là điểm tựa lớn nhất giúp nhóm vững tin từng bước thực hiện dự án. 

“Các thầy đã hỗ trợ tụi mình xác định rõ phạm vi dự án, gợi mở hướng triển khai phù hợp và đặc biệt là góp ý sâu sát trong từng giai đoạn thực hiện. Nhóm thường xuyên báo cáo tiến độ qua các buổi làm việc trực tiếp và trực tuyến, đồng thời được các thầy hướng dẫn cách trình bày nội dung, cấu trúc và hoàn thiện tài liệu báo cáo một cách khoa học. Nhờ đó, tụi mình cảm thấy yên tâm khi bước đi trên một hành trình hoàn toàn mới mẻ”, Trân cho biết.

Theo Bảo Trân, trong bối cảnh công nghệ số đang tái định hình nhiều ngành nghề, việc hiểu và phục vụ đúng nhu cầu của từng khách hàng ngay từ lần tương tác đầu tiên sẽ trở thành chuẩn mực thay vì chỉ là lợi thế cạnh tranh.

“Mọi lĩnh vực trong đời sống sẽ dần chuyển mình, nơi AI đóng vai trò trung tâm từ phân tích hành vi khách hàng, tối ưu quy trình phục vụ, đến việc cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ theo thời gian thực. SmartMenu là minh chứng cho xu hướng đó: thay đổi cách các thương hiệu quản lý trải nghiệm khách hàng trong chuỗi cửa hàng của mình một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn”, cô cho biết.

Trân lấy ví dụ tại vùng đất đang phát triển như Quy Nhơn – nơi cô và cả nhóm đang theo học, các mô hình kinh doanh hiện đại đang dần hình thành mạnh mẽ. “SmartMenu có thể trở thành một làn gió mới, giúp các chuỗi cửa hàng ở địa phương nhanh chóng ứng dụng công nghệ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và gia tăng năng lực cạnh tranh một cách bài bản trên bản đồ kinh doanh hiện đại”, cô khẳng định.

Bích Hiền