Sinh viên Trường Đại học FPT sở hữu 4 nghiên cứu về AI công bố tại hội thảo quốc tế và tạp chí Q1

Dày dạn kinh nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nam sinh Trường Đại học FPT liên tiếp gặt hái thành tích ấn tượng tại các hội thảo quốc tế, phản ánh sự đầu tư bài bản của nhà trường trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ đam mê khoa học.

Trương Lợi Vĩ – sinh viên K18 chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo – là một trong những gương mặt nổi bật của Trường Đại học FPT không chỉ bởi thành tích học tập xuất sắc liên tiếp các kỳ, mà còn nhờ những công trình nghiên cứu mang giá trị học thuật cao, được trình bày tại các hội thảo giáo dục quốc tế và xuất hiện trên tạp chí chuyên ngành uy tín.

Dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu khoa học 

Tháng 11/2024, tại Hội nghị quốc tế về Quản lý công nghệ giáo dục 2024 (ICETM) ở Trung Quốc, Vĩ lần đầu tiên được trình bày nghiên cứu khoa học của mình trước một diễn đàn học thuật quốc tế. Đề tài nghiên cứu của cậu mang tên Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của sinh viên trong việc sử dụng AI để nâng cao giáo dục cá nhân hóa”.

Nghiên cứu này không chỉ phân tích cách sinh viên tiếp cận công nghệ, mà còn mang đến góc nhìn giá trị cho các nhà giáo dục, nhà phát triển công nghệ trong việc thiết kế các giải pháp học tập cá nhân hóa dựa trên AI.

Vĩ (bên trái ngoài cùng) tham dự Hội nghị ICETM 2024 tại Trung Quốc.
Vĩ (bên trái ngoài cùng) tham dự Hội nghị ICETM 2024 tại Trung Quốc.

Không dừng lại ở đó, năm 2025, Vĩ tiếp tục thể hiện bản lĩnh khi đảm nhận vai trò mentor (người hướng dẫn) và đồng tác giả của 2 đề tài mới, đó là:  “Đánh giá các công cụ tóm tắt văn bản cho ứng dụng giáo dục: Nghiên cứu về Copilot, ChatGPT và Quillbot” và “Sự trỗi dậy của AI: Ảnh hưởng của AI đối với việc học ngôn ngữ”. Cả hai đề tài đều được trình bày tại Hội nghị quốc tế về Giáo dục và Công nghệ thông tin 2025 (ICEIT) tổ chức hồi tháng 3 ở Trung Quốc. 

Trong đó, đề tài “Sự trỗi dậy của AI: Ảnh hưởng của AI đối với việc học ngôn ngữ” của Vĩ và nhóm sinh viên liên ngành Châu Trần Huỳnh Ngân (K18 Ngôn Ngữ Anh,), Nguyễn Thị Hồng Thương (K18 Kỹ thuật phần mềm) được trao giải “Nghiên cứu xuất sắc”. Nghiên cứu khám phá ra tiềm năng ứng dụng AI trong học tập đồng thời chỉ ra những thách thức mới trong giáo dục hiện đại đối với việc học ngôn ngữ.

Đến đầu tháng 4/2025, Vĩ tiếp tục có bài nghiên cứu được đăng tải trên Computer Applications in Engineering Education: “Các yếu tố quyết định việc ứng dụng công nghệ 3D tích hợp AI trong giáo dục đại học STEM thông qua cách tiếp cận theo mô hình UTAUT2”. Đây là một trong những tạp chí khoa học chất lượng cao nhất thuộc danh mục ISI (hệ thống phân loại các tạp chí khoa học uy tín), được xếp hạng Q1 dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu.

“Mình muốn đưa nhiều công nghệ mới vào nền giáo dục Việt Nam để phục vụ quá trình học tập. Nếu chỉ học trên sách, tài liệu thông thường mà phải hình dung những thí nghiệm, hiện tượng thiên nhiên thì sẽ khó tiếp thu. Việc đưa công nghệ 3D như in, quét, thực tế tăng cường, thực tế ảo hoặc mô hình hóa… kết hợp AI có thể đưa ra các gợi ý thí nghiệm hoặc bài tập thực hành tương tự, giúp sinh viên dễ dàng ghi nhớ hơn”, Vĩ chia sẻ về nguồn cảm hứng dẫn dắt cậu lựa chọn đề tài này.

Vĩ đang theo học K18 chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học FPT.
Vĩ đang theo học K18 chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học FPT.

7 tháng triển khai đề tài, Vĩ đã vượt qua nhiều thách thức, từ việc khảo sát, phân tích dữ liệu do công nghệ 3D trong giáo dục còn khá mới, khó tiếp cận người học có trải nghiệm thực tế, cho đến hai vòng phản biện gắt gao với các chuyên gia quốc tế. 

Hành trình của Vĩ không chỉ khẳng định năng lực cá nhân là minh chứng sống động cho môi trường đào tạo thực tiễn, đề cao nghiên cứu khoa học và sáng tạo tại Trường Đại học FPT.  

Sự tự tin khởi nguồn từ việc “biết mình đang ở đâu”

Trước khi trở thành sinh viên chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Vĩ là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học của trường THPT Thới Lai (Cần Thơ). Từ nhỏ, cậu đã có niềm đam mê mãnh liệt với các phản ứng, công thức hóa học, cách mọi nguyên tử kết nối với nhau. 

Tuy nhiên, khi bước vào đại học và được tiếp cận công nghệ, Vĩ bắt đầu thấy một “phản ứng” khác hấp dẫn không kém, đó là cách AI có thể kết nối tri thức, con người và cá nhân hóa toàn bộ trải nghiệm học tập.

“Mình nhận ra rằng Hóa và AI có vẻ là hai thế giới khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là khám phá và kết nối: Các phân tử hóa học cần được sắp xếp để tạo ra hợp chất, còn dữ liệu và công nghệ cần được ‘phản ứng’ đúng cách để tạo ra tri thức có ý nghĩa”, cậu sinh viên K18 cho hay.

Vĩ (hàng trên, ngoài cùng bên phải) tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi trong trường.
Vĩ (hàng trên, ngoài cùng bên phải) tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi trong trường.

Hành trình “bén duyên” với AI của Vĩ bắt đầu từ khi cậu tìm hiểu SchoolRank – công cụ xếp hạng học tập dành cho học sinh trường THPT trên toàn quốc do Trường Đại học FPT phát triển. Cậu không khỏi tự hào khi biết mình lọt Top10 SchoolRank, thuộc 10% học sinh có học lực tốt nhất cả nước.

“SchoolRank là công cụ hữu ích và thiết thực đối với học sinh, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. SchoolRank giúp mình có cái nhìn khách quan hơn về vị trí học tập của bản thân so với các bạn cùng khối trên toàn quốc. Thay vì chỉ đánh giá qua điểm số riêng lẻ, công cụ này tổng hợp và phân tích nhiều yếu tố để đưa ra một thứ hạng tương đối chính xác. SchoolRank cũng giúp mình giảm bớt lo lắng, áp lực thi cử vì mình biết rõ bản thân đang ở đâu, cần cải thiện điều gì, có cơ hội ra sao”, Vĩ nhận định.

Với thành tích lọt Top10 SchoolRank, chàng trai Cần Thơ đủ điều kiện tham dự kỳ thi học bổng năm 2022 và nhận được học bổng 30% học phí toàn khóa của Trường Đại học FPT. Học bổng không chỉ là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực của cậu trong quãng thời gian học cấp 3, mà còn là bước đệm giúp cậu mở ra nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu và phát triển bản thân tại môi trường đại học.

Bích Hiền