6 sinh viên Trường Đại học FPT sẽ tham gia khóa đào tạo “Thiết kế vi mạch & System on Chip (SoC) cơ bản trên công nghệ SoC-FPGA” do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng Công ty TNHH Giải pháp Acronics tổ chức.
Các sinh viên được nhận học bổng toàn phần đều thuộc khóa 20 chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học FPT, bao gồm Nguyễn Võ Tùng Anh, Nguyễn Quang Minh, Đỗ Ngọc Gia Bảo, Trần Đình Hiếu, Trương Quốc Trung và Lê Quang Dũng. Trước đó, các bạn đã xuất sắc vượt qua vòng sơ loại ý tưởng của cuộc thi “Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh” toàn quốc lần thứ 2 năm 2024 – 2025.
Khoá học “Thiết kế vi mạch & System on Chip (SoC) cơ bản trên công nghệ SoC – FPGA” là một trong những chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Khóa đào tạo sẽ kéo dài 3,5 tháng, bắt đầu từ ngày 6/5/2025, tại cơ sở đào tạo của Công ty TNHH Giải pháp Acronics. Chương trình được xây dựng với mục tiêu trang bị cho học viên nền tảng lý thuyết vững chắc cùng khả năng thực hành chuyên sâu về Thiết kế vi mạch & System on Chip (SoC) cơ bản trên công nghệ SoC-FPGA, qua đó sinh viên có thể phát triển thành các sản phẩm hay giải pháp hoàn chỉnh trên công nghệ SoC-FPGA. Đây là công nghệ lõi được ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại di động, thiết bị y tế, ô tô điện, các hệ thống trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến khác.
Đỗ Ngọc Gia Bảo, một trong 6 sinh viên nhận được học bổng từ khoá đào tạo này, chia sẻ: “Khi biết tin mình nhận được học bổng, em đã vỡ oà trong niềm vui. Đây vừa là phần thưởng quý giá và vừa là cơ hội lớn, một sự khẳng định cho những nỗ lực của em trên con đường chinh phục lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Em tin rằng khoá đào tạo này sẽ trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về công nghệ FPGA, kỹ năng chuyên môn sâu rộng và khả năng tư duy cần thiết để tham gia vào các dự án phức tạp hơn trong tương lai”.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của khu vực, việc phát triển đội ngũ kỹ sư thiết kế vi mạch trình độ cao là yếu tố then chốt để thực hiện hóa mục tiêu chiến lược này. Những sinh viên được lựa chọn tham gia chương trình không chỉ là đại diện cho thế hệ kỹ sư trẻ đầy tiềm năng mà còn là minh chứng cho hiệu quả của mô hình đào tạo tiên phong tại Trường Đại học FPT – nơi kết hợp chặt chẽ giữa học thuật, công nghệ và kết nối doanh nghiệp.
Với nền tảng chuyên môn từ Trường Đại học FPT, sự đồng hành của Tập đoàn FPT và cơ hội đào tạo bài bản từ các tổ chức uy tín như NIC và Công ty Giải pháp Acronics, các sinh viên được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, sẵn sàng bước vào thị trường lao động toàn cầu và đóng góp tích cực vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên công nghệ số.
Tú Oanh