Talkshow “Triển vọng Logistics Việt Nam: Từ Trường học đến Trường đời” nhằm mang đến cho các bạn sinh viên những nhận thức đúng đắn về chuyên ngành Logistics cùng xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Nhóm Le Chariot gồm 7 thành viên Nguyễn Thu Uyên (Trưởng Ban tổ chức), Vũ Văn Anh, Phạm Thị Diệu, Đặng Thị Chinh, Nguyễn Đan Linh, Trần Nhật Minh và Trần Nhật Linh. Nhóm đã chuẩn bị talkshow trong thời gian chưa đầy 1 tháng, bao gồm các khâu từ lên ý tưởng, chuẩn bị nội dung, kết nối diễn giả đến truyền thông và tổ chức sự kiện.
Góp mặt trong buổi Talkshow có sự hiện hiện của Tiến sĩ Nguyễn Duy Hồng – Trưởng môn Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ môn Quản trị kinh doanh, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương Linh – Giảng viên Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu, cựu sinh viên Phạm Đăng Dương – hiện đang giữ vị trí Trưởng nhóm Warehouse mảng hương liệu tại nhà máy Pepsico; cựu sinh viên Lê Thị Hồng Châm – hiện là Trưởng nhóm YCH Singapore tại Việt Nam.
Mở đầu, hai cựu sinh viên Phạm Đăng Dương và Lê Thị Hồng Châm đã chia sẻ về hành trình của mình từ khi còn là sinh viên đến lúc trở thành những leader trong lĩnh vực Logistics. Từ việc làm sao để học tập tốt các môn trên trường và “chinh phục” tấm bằng Giỏi, đến việc tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng với những thế mạnh được đào tạo tại Trường. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng được lắng nghe về những khó khăn và thách thức khi bước chân vào ngành Logistics và cách để đạt được thành công như ngày hôm nay.
Tại phần 2 của talkshow, Tiến sĩ Nguyễn Duy Hồng và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương Linh đã “vén màn” về triển vọng nghề nghiệp và xu hướng của ngành Logistics trong tương lai. Cụ thể, ngành logistics đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhờ vào sự gia tăng của thương mại điện tử, quốc tế hóa, và sự tiến bộ của công nghệ. Những ai theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này sẽ có cơ hội tham gia vào một ngành công nghiệp năng động, đa dạng và đầy thách thức. Theo dự báo, ngành logistics tại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm, tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm mới. Đồng thời, thầy cô cũng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên cần trang bị để có thể cạnh tranh trên thị trường lao động đâỳ khắc nghiệt nêu trên. Bên cạnh chuyên môn được đào tạo bài bản, khả năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin là yếu tố cốt lõi giúp sinh viên ngành này có lợi thế cạnh tranh hơn.
Tham gia talkshow, sinh viên Bùi Thị Bích Nga – Khoá 17, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế chia sẻ: “Talkshow giúp em được kết nối với thầy cô, anh chị và học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích mà trước đây em chưa từng biết đến. Đây là cơ hội để những bạn sinh viên như em được tiếp cận với thực tế nghề nghiệp và mở rộng tư duy của mình”.
Talkshow “Triển vọng Logistics Việt Nam: Từ Trường học đến Trường đời” là một dự án chuyên môn ý nghĩa, giúp các bạn sinh viên được tiếp cận chuyên ngành một cách thực tế, hiểu được xu hướng và sự phát triển của Logistics trên thị trường.
Kết thúc chương trình, bạn Nguyễn Thu Uyên – Khoá 17 Chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế, Trưởng BTC chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui khi talkshow được tổ chức thành công và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Dõi theo chương trình từ đầu đến cuối, chính bản thân em cũng học hỏi được nhiều giá trị từ các vị diễn giả để bồi dưỡng kiến thức cho mình. Đây cũng là động lực để em và nhóm tổ chức thêm nhiều sự kiện chuyên môn nữa trong thời gian tới.”
Phương pháp học Project-based learning được áp dụng hiệu quả tại Trường Đại học FPT đã giúp sinh viên phát triển kỹ năng sáng tạo, làm việc nhóm và quản lý dự án. Thông qua việc thực hiện các dự án thực tế, sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội ứng dụng vào thực tiễn, từ đó nâng cao khả năng tự học và giải quyết vấn đề.
Xuân Nguyễn