Sợi Xanh – hành trình đưa rác thải nylon thành nghệ thuật tái chế

Xuất phát từ môn học Trải nghiệm Khởi nghiệp của Trường Đại học FPT, dự án “Sợi Xanh” không chỉ là một ý tưởng khởi nghiệp mà còn là hành trình lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường thông qua tái chế sáng tạo. 

Khi nylon không còn là rác thải

Dự án Sợi Xanh được thực hiện từ tháng 10/2024, là đứa con tinh thần của 4 sinh viên K17 Trường Đại học FPT với đa dạng chuyên ngành: Nguyễn Như Bình (Truyền thông đa phương tiện), Nguyễn Nhã Nhặn (Digital Marketing), Vũ Kim Thư (Kinh doanh quốc tế) và La Hoàng Khôi (Kỹ thuật phần mềm).

Lấy cảm hứng từ chiếc túi nylon tưởng chừng vô dụng, Sợi Xanh quyết định tái chế chúng thành những bông hoa rực rỡ sắc màu. Ý tưởng này xuất phát từ mong muốn thay đổi góc nhìn của cộng đồng về rác thải nhựa, biến chúng thành những sản phẩm có giá trị thay vì gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. 

Đại diện của dự án chia sẻ, nylon là loại rác thải phổ biến nhưng khó phân hủy, vì vậy việc tận dụng nguồn nguyên liệu này để sáng tạo ra những sản phẩm thủ công vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm, vừa truyền cảm hứng về một lối sống xanh.

Rác thải nylon có thể tái chế trở thành những bông hoa nghệ thuật.
Rác thải nylon có thể tái chế trở thành những bông hoa nghệ thuật.

Được phát triển bởi những người trẻ, Sợi Xanh hướng đến nhóm đối tượng chính là Gen Z – thế hệ tiêu dùng thông minh và dành sự quan tâm lớn đến các vấn đề môi trường. Các thành viên của dự án tin rằng nếu Gen Z cảm thấy tái chế là một hoạt động thú vị, họ sẽ không chỉ tham gia mà còn lan tỏa lối sống này đến cộng đồng theo cách riêng của mình. 

“Trong ngắn hạn, Sợi Xanh mong muốn thay đổi góc nhìn của cộng đồng: Nylon không còn là rác, mà là nguồn nguyên liệu sáng tạo đầy tiềm năng. Về dài hạn, chúng mình kỳ vọng dự án sẽ phát triển thành một hệ sinh thái tái chế sáng tạo, nơi mọi người có thể cùng nhau học hỏi, thử nghiệm và chung tay giảm thiểu rác thải theo cách độc đáo”, đại diện dự án cho hay.

Lan tỏa thông điệp sống xanh từ bông hoa nylon tái chế

Để bắt đầu hành trình “hồi sinh” nguyên liệu vốn bị xem là rác thải, nhóm lựa chọn thu gom từ các gia đình. Tập trung vào các loại túi nylon thường dùng để đựng ly nước, thức ăn nhanh – những vật dụng quen thuộc nhưng thường bị vứt bỏ sau một lần sử dụng, các bạn cẩn thận chọn lọc những chiếc túi còn sạch, mang về rửa kỹ, phơi khô và chuẩn bị cho một vòng đời mới, thân thiện hơn với môi trường.

Từ những chiếc túi tưởng chừng vô giá trị, nhóm đã tỉ mỉ cắt, uốn, tạo hình để từng cánh hoa nylon dần hiện lên sống động dưới bàn tay khéo léo. Mỗi bông hoa của Sợi Xanh là thành quả của sự kiên nhẫn, sáng tạo và tâm huyết, từ khâu xử lý chất liệu cho đến tạo hình thủ công. Ban đầu, không ít người hoài nghi nylon có thể trở thành một sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những bông hoa đầu tiên, họ đã bị thuyết phục.

Nhằm giúp mọi người hiểu hơn về quy trình tái chế và tạo cơ hội trải nghiệm thực tế, Sợi Xanh đã tổ chức workshop “Sắc hoa tái sinh” trong khuôn viên Trường Đại học FPT, thu hút hàng chục bạn trẻ tham dự và hơn 100 bông hoa thủ công được tạo ra từ nylon tái chế. Buổi workshop không đơn thuần là một hoạt động trải nghiệm, mà còn mang đến cho người tham dự cái nhìn mới mẻ về giá trị của những vật liệu bị bỏ quên trong cuộc sống hàng ngày. Qua đó, nhận thức về bảo vệ môi trường được nâng cao một cách tự nhiên, gần gũi và đầy cảm hứng. 

Workshop “Sắc hoa tái sinh” thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ.
Workshop “Sắc hoa tái sinh” thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ.

Chia sẻ về tầm nhìn, các thành viên của Sợi Xanh cho biết đang ấp ủ nhiều kế hoạch như ra mắt bộ sưu tập hoa nylon độc đáo, tìm kiếm thêm nguồn lực để mở rộng quy mô và hợp tác với các tổ chức môi trường hoặc doanh nghiệp xanh. 

“Chúng mình đang cân nhắc việc mở bán sản phẩm để có thể tự duy trì hoạt động, đồng thời tìm kiếm tài trợ từ các quỹ khởi nghiệp bền vững. Nếu có điều kiện, Sợi Xanh sẽ thử nghiệm những ý tưởng mới để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu bỏ đi, mang lại thêm nhiều giá trị cho cộng đồng”, đại diện dự án chia sẻ.

Truyền đi thông điệp “biến rác thải thành nghệ thuật”, Sợi Xanh – một dự án khởi nghiệp từ tái chế – đã thành công trong việc khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo với ý tưởng bất kỳ ai cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường theo cách riêng của mình. Với tâm huyết và tinh thần dám nghĩ dám làm của những người trẻ, Sợi Xanh có thể mang đến những giá trị bền vững cho cộng đồng trên hành trình khởi nghiệp xanh.

Bích Hiền