Nghiên cứu của nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ giành giải Quán quân Tiểu ban Truyền thông đa phương tiện, FPT Edu Research Festival 2024.
Người tiêu dùng hiện nay có những quan điểm khác nhau về việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Với gen Z – thế hệ dễ thích ứng với trào lưu cũng chưa có được thông tin đầy đủ để nhận thức và đưa ra quyết định về hành vi sử dụng loại thực phẩm này. Điều này có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, nhà quản lý và ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm nói chung.
Trước thực trạng đó, nhóm sinh viên ngành Quản trị kinh doanh – Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ gồm Lê Thị Ngọc Trang, Phan Thị Yến Nhi, Lê Trần Bảo Ngọc đã thực hiện công trình gồm 3 đề tài nghiên cứu khoa học về thực phẩm biến đổi gen. Trong đó có đề tài “Nhận thức và sự chấp nhận của thế hệ Z Việt Nam về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thực phẩm: Nghiên cứu tác động của kiến thức, niềm tin và nhận thức đến thái độ và ý định mua hàng của khách hàng đối với thực phẩm biến đổi gen” được trình bày tại Chung kết FPT Edu Research Festival 2024 vừa qua.
Thông qua việc kiểm tra các yếu tố như kiến thức, niềm tin, lợi ích và rủi ro nhận thức của gen Z, nhóm đã tìm hiểu về nhận thức và khả năng chấp nhận sử dụng sản phẩm biến đổi gen của thế hệ này. Việc được gen Z đón nhận loại thực phẩm này rất quan trọng vì đây là đối tượng “khách hàng tiềm năng” trong nền kinh tế thế giới nói chung và ngành sản phẩm dịch vụ nói riêng.
Hiểu được hành vi tiêu dùng của các bạn trẻ có thể giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng mong muốn của họ và tạo nên những chiến lược kinh doanh với cú hích truyền thông mạnh mẽ hơn.
Kết quả cho thấy, việc nâng cao kiến thức, niềm tin và nhận thức cho gen Z về lợi ích của sản phẩm có tác động tích cực đến ý định mua hàng. Thế nhưng, khách hàng lại không có thái độ tiêu cực với khi tiếp cận thông tin về các yếu tố rủi ro của sản phẩm này. Từ đây, các doanh nghiệp có thể định hình các chiến lược tiếp thị phù hợp để giải quyết mối quan tâm của người tiêu dùng, đồng thời nhấn mạnh lợi ích của thực phẩm biến đổi gen để thúc đẩy người tiêu dùng có nhận thức và hành vi phù hợp trong việc sử dụng sản phẩm biến đổi gen.
Nghiên cứu nhấn mạnh việc truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác để người tiêu dùng nhất là gen Z có nhận thức và hành vi sử dụng thực phẩm biến đổi gen phù hợp, góp phần tác động tích cực đến ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nói chung và thực phẩm biến đổi gen nói riêng.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng, thu thập dữ liệu thông qua bảng câu hỏi được xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước đó. Dữ liệu từ mẫu khảo sát gồm 485 cá nhân được phân tích bằng Mô hình phương trình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM).
Tại vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học FPT Edu Research Festival 2024, đề tài nghiên cứu của nhóm đã giành được giải Quán quân của Tiểu ban Truyền thông đa phương tiện. Ban giám khảo chuyên môn tiểu ban đánh giá tốt đề tài này bởi hàm lượng học thuật cao trong nghiên cứu. Nhóm cũng biết cách sử dụng kết quả từ nghiên cứu này để triển khai một dự án truyền thông thực tế có tính ứng dụng cao, nhằm tác động tới nhận thức và hành vi của người tiêu dùng.
Đồng hành cùng các thành viên trong công trình nghiên cứu này, Thạc sĩ Ngô Thị Thuý An (Chủ nhiệm bộ môn Kỹ năng mềm, Trường Đại học FPT phân hiệu Cần Thơ) nhận định các thành viên trong nhóm có năng lực nghiên cứu khoa học tốt. Trước đó, nhóm đã có 2 bài nghiên cứu về đề tài thực phẩm biến đổi gen và đề tài lần này là phần thứ 3 của công trình. Hiện tại, cả 3 đề tài đều đang trong giai đoạn kiểm duyệt chờ xuất bản trên một số tạp chí Q1 thuộc danh mục ISI/ Scopus.
FPT Edu Research Festival là cuộc thi nghiên cứu khoa học thường niên do Tổ chức Giáo dục FPT thực hiện nhằm giúp học sinh sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT được rèn luyện, học hỏi và cọ xát để nâng cao năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn. Đặc biệt, cuộc thi còn mở ra cơ hội học hỏi và kết nối dành cho học sinh, sinh viên trong và ngoài FPT Edu với các chuyên gia trong nước, quốc tế. Năm nay, cuộc thi có chủ đề “Experience: Dare to succeed – Trải nghiệm để thành công) với 52 đội thi gồm hơn 150 thí sinh thi tài ở vòng chung kết theo 5 tiểu ban: CNTT, Kinh tế – Quản trị kinh doanh, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế mỹ thuật số, Ngôn ngữ.
Theo báo giáo dục