Teen học cách giải quyết vấn đề trong “Một ngày làm sinh viên FPT”

Các teen đến từ THPT Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) đã có dịp trải nghiệm môi trường học tập trẻ trung, năng động trong chuyến tham quan Đại học FPT vào cuối tuần qua. Chuyến đi nhằm giúp các bạn tìm hiểu về môi trường đại học lý tưởng để lựa chọn hướng đi đúng đắn cho tương lai.

Tham quan khu giảng đường, khu thể thao, căn teen, ký túc xá, trải nghiệm lớp học tiếng Nhật, tiếng Anh với giáo viên bản xứ, lớp học kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề là nội dung chính của chuyến hành trình.

Tại đây, teen được tham quan khu giảng đường không quá 30 sinh viên được trang bị hệ thống máy chiếu, máy lạnh, sinh viên được nhà trường hỗ trợ trang bị máy tính xách tay, việc học tập và thi cử hoàn toàn trên máy tính.

Bên cạnh việc tích lũy kiến thức, trải nghiệm thực tế thì kỹ năng mềm cũng là một trong những yếu tố được Đại học FPT chú trọng trang bị cho sinh viên. Tham gia lớp học kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề  (một trong số rất nhiều hoạt động mà sinh viên Đại học FPT được học chính thức trong môn học Kỹ năng mềm), teen được hướng dẫn các bước trong quá trình giải quyết vấn đề (problem solving) từ hiểu, xác định vấn đề, phân tích và đưa ra giải pháp phù hợp để giải quyết. Bài toán mà teen phải giải quyết mà giảng viên kỹ năng mềm đưa ra là “Dựa trên chính vấn đề khó khăn, thử thách sát sườn của các bạn khi đứng trước ngưỡng cửa thi đại học như thi cử, chọn trường, chọn ngành của mình để phân tích và tự tìm ra giải pháp cho bản thân theo góc nhìn của chính các bạn”.

Một nhóm bày tỏ quan điểm: “Học sinh hiện nay gặp khó khăn trong việc chọn ngành, nghề học của mình vì phải cân nhắc giữa sở thích của bản thân và nhu cầu lao động của xã hội. Khi chọn được trường mình muốn học nhưng có thể gặp phải những khó khăn khác mà mình chưa thể tự khắc phục được như tài chính hoặc sự đồng thuận của cha mẹ”.

Lớp học kỹ năng giải quyết vấn đề diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã mang lại cho các bạn nhiều trải nghiệm thú vị, tất cả các thành viên trong lớp chưa từng tham gia hoạt động phân tích một vấn đề nào đó mà các bạn từng gặp. Nhiều vấn đề tưởng liên quan đến chính các bạn nhưng teen còn cảm thấy xa lạ như vấn đề thi đại học, trong đó bao gồm những áp lực đến từ vấn đề ôn thi, chọn trường, chọn ngành.

Ngoài lớp học kỹ năng mềm, teen còn có giờ học tiếng Nhật, tiếng Anh cơ bản với giáo viên bản xứ. Việc thành thạo ngoại ngữ cũng là một yếu tố ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng của sinh viên Đại học FPT ngay khi ra trường.

Việc học ngoại ngữ với giáo viên bản địa có có thể gây khó khăn cho các em trong giai đoạn đầu, nhưng nó giúp cho người học phải rèn luyện cách tư duy, đoán nghĩa khi gặp từ mới, qua đó bộ não nhanh chóng làm quen với ngoại ngữ hơn so với cách học ngoại ngữ bằng Tiếng Việt theo kiểu truyền thống.

Teen hòa mình vào các hoạt động thể dục, thể thao như lớp học võ Vovinam. Đây là môn giáo dục thể chất bắt buộc tại Trường với số môn sinh đông nhất Đông Nam Á. Trong năm đầu tiên, tân sinh viên chỉ học tiếng Anh để đạt mức trình độ tương đương trước khi bước vào học kỳ chuyên ngành và học võ Vovinam.

Hào hứng trên sân trượt băng rộng hơn 400 m2, sân băng lớn nhất Hà Nội, nơi phục vụ nhu cầu về thể dục thể thao để rèn luyện thể chất cho sinh viên của trường.

Khép lại một ngày trải nghiệm tại trường đại học, Vũ Thị Lan Anh, học sinh lớp 12A5 hào hứng chia sẻ: “Lần đầu tiên em được trải nghiệm việc phân tích và giải quyết vấn đề theo cách trong lớp học rất thú vị, em học được nhiều thứ để về sau sẽ áp dụng vào cuộc sống khi gặp phải vấn đề nào đó. Em thấy mình cần phải phân tích và hiểu nó thì mới mong giải quyết được giống như bài tập này”. 

Theo VTC