VOV.VN – Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường đại học nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung.
Sau khi kết thúc ngày xác xác nhận nhập học cho đợt xét tuyển ĐH đợt đầu tiên (ngày 7/8), thí sinh trúng tuyển vào các trường phải đến làm thủ tục nhập học theo đúng yêu cầu và thời hạn ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển của trường. Nếu đến chậm từ 15 ngày trở lên kể từ ngày ghi trong giấy triệu tập trúng tuyển mà không có lý do chính đáng sẽ bị coi như bỏ học.
Trường hợp nhập học muộn do bệnh tật, tai nạn cần có giấy xác nhận của bệnh viện cấp quận, huyện trở lên; do thiên tai cần có giấy xác nhận của chính quyền địa phương cấp quận, huyện trở lên để được xem xét vào học muộn hoặc bảo lưu kết quả cho năm học sau. Quá thời hạn trên, thí sinh không đến nhập học coi như từ chối đỗ nguyện vọng 1.
Đối tượng thí sinh được xét tuyển bổ sung
Với các thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1, từ ngày 13/8, các em cần theo dõi kết quả các đợt xét tuyển bổ sung tại các trường ĐH đã đăng ký nguyện vọng.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, mỗi trường ĐH sẽ chủ động công bố kế hoạch xét tuyển bổ sung riêng. Do đó, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển bổ sung vào trường nào cần theo dõi kỹ chỉ tiêu cũng như điểm và thời gian xét tuyển bổ sung của trường đó.
Xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần từ sau ngày 13/8. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau xét tuyển đợt 1 (kể cả số thí sinh được xét tuyển thẳng và số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị ĐH được giao về trường), Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định các nội dung xét tuyển bổ sung.
Các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, lịch xét tuyển bổ sung. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.
Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung. Những thí sinh chưa đăng ký xét tuyển đợt 1 vẫn có thể đăng ký xét tuyển bổ sung. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường, nhiều ngành.
Thí sinh nộp đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung trực tiếp tại trường, qua đường bưu điện hoặc theo phương thức khác do trường quy định. Thí sinh xác nhận nhập học theo quy định của từng trường (trường quy định thời gian thí sinh cần xác nhận nhập học và phương thức xác nhận).
Nhiều trường ĐH sẽ xét tuyển trong đợt bổ sung. (Ảnh minh họa)
Thí sinh không nên chọn bừa ngành học để đỗ ĐH bằng mọi giá
Cho đến nay, có khoảng 150 trường ĐH đang thiếu chỉ tiêu nên sẽ xét tuyển bổ sung. Ngay cả khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, thống kê sơ bộ, nhiều trường ĐH đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng sau đó vẫn có nhiều thí sinh đã trúng tuyển không đăng ký nhập học hoặc lựa chọn con đường du học nước ngoài dẫn đến thiếu chỉ tiêu thì có thể tuyển sinh bổ sung.
Thí sinh lưu ý là đợt xét tuyển bổ sung này là cơ hội cuối cùng để các em trúng tuyển vào các trường ĐH năm 2017. Vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ chọn lựa trường học, ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, năng lực, kết quả điểm thi đã đạt được chứ không phải là vào bất kỳ một ngành nào miễn là đỗ ĐH./.
Theo VOV.
Đại học FPT xét tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu hệ đại học chính quy năm 2017. Trong đợt 2, trường xét tuyển bổ sung tất cả các ngành theo hai hình thức Thi tuyển và Xét tuyển. Điểm xét tuyển bổ sung của trường là 19 điểm (không bao gồm điểm ưu tiên) tổng 3 môn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 xét theo tổ hợp Toán + hai môn thi bất kỳ đối với tất cả các ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT hoặc từ 21 điểm trở lên điểm trung bình 3 môn trong 5 học kỳ liêp tiếp ở THPT theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT. Các thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển mong muốn vào Đại học FPT có thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh của trường vào ngày 13/8/2017.