Dự án thiết kế bao bì “Mật ong Phổng Lái – Thuận Châu” của hai sinh viên Trường Đại học FPT lấy cảm hứng từ mô hình nuôi ong hiện đại, mang tinh thần “bao bì xanh vì Trái Đất xanh”, thể hiện tính tiện dụng và thân thiện môi trường.
Đầu năm 2025, Nguyễn Mỹ Kim (K18) cùng Ngô Chúc Quỳnh (K19) – hai sinh viên chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số tại Trường Đại học FPT – cùng thực hiện dự án thiết kế bao bì sản phẩm “Mật ong Phổng Lái – Thuận Châu” để tham gia Giải thưởng Bao bì Việt Nam 2025.
Ngay từ khi cuộc thi chính thức khởi động vào tháng 11/2024, hai bạn sinh viên đã nhận được sự định hướng và đồng hành tận tâm từ cô Trương Thị Quyên – giảng viên bộ môn Thiết kế mỹ thuật số, Trường Đại học FPT. Kim chia sẻ: “Kể từ lúc chọn nhãn hiệu để thiết kế, tụi mình phải hoàn tất ý tưởng không quá hơn 1 tháng. Vì muốn đột phá hơn so với các sản phẩm mật ong khác, nhóm thay đổi ý tưởng liên tục và trải qua nhiều thiết kế thử nghiệm để lựa chọn kết quả cuối cùng”.
Ban đầu, nhóm chọn thiết kế bao bì theo hình lục giác – tạo hình quen thuộc thường thấy trong các sản phẩm mật ong. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhóm nhận ra hình dáng này chưa thật sự tối ưu về mặt thẩm mỹ và công năng. Từ đó, cả hai quyết định chuyển hướng, cách điệu bao bì thành hình ngôi nhà, lấy cảm hứng từ mô hình nhà gỗ nuôi ong phổ biến ở phương Tây, nơi những chú ong có thể làm tổ và sản xuất mật một cách tự nhiên, thuận tiện cho việc khai thác mà không cần đến các bước thủ công phức tạp.
Cùng với đó, sau khi tìm hiểu quy trình sản xuất mật ong Phổng Lái qua video và tài liệu trực tuyến, nhóm nhận thấy các công đoạn và công cụ khai thác mật nhìn chung không khác biệt nhiều so với những cơ sở sản xuất khác. Chính vì vậy, thay vì đi theo lối mòn với hai tông màu cam – đen quen thuộc thường thấy ở các sản phẩm mật ong, nhóm mong muốn tạo nên một diện mạo bao bì tươi mới, khác biệt và thu hút hơn với những màu trắng, xanh điểm xuyết, vừa giữ được bản sắc sản phẩm, vừa mang lại trải nghiệm thị giác mới mẻ cho người tiêu dùng.
Kim chia sẻ điều khiến nhóm tâm đắc nhất là tính ứng dụng được cân nhắc kỹ lưỡng trong từng chi tiết thiết kế. Cụ thể, chi tiết “cửa sổ” không chỉ góp phần hoàn thiện hình ảnh chiếc hộp như một ngôi nhà, mà còn cho phép người dùng quan sát rõ sản phẩm bên trong mà không cần mở hộp, vừa tiện lợi vừa tăng tính thẩm mỹ.
Đặc biệt, phần mái hộp được thiết kế như một bệ đỡ nhân tạo với lỗ khoét vừa vặn để cổ chai nhô ra ngoài. Nhờ đó, người dùng có thể để nguyên sản phẩm trong hộp mà không phải cất riêng, vừa giúp bảo quản tốt hơn, vừa tiết kiệm không gian khi trưng bày cạnh các sản phẩm khác.
Không dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ và tiện dụng, nhóm còn chú trọng đến khả năng tùy biến của bao bì nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng. Bao bì được thiết kế có thể tách rời phần mái và phần thân thông qua miếng dán gai dạng tròn. Nhờ đó, nếu chỉ muốn sử dụng một hoặc hai chai trong hộp, khách hàng có thể tháo rời và mang theo dễ dàng, không cần vận chuyển toàn bộ sản phẩm.
Tinh thần sáng tạo của Kim và Quỳnh còn được đặt trong khuôn khổ phát triển bền vững – tiêu chí quan trọng của Giải thưởng Bao bì Việt Nam 2025. Thiết kế của nhóm sử dụng hoàn toàn chất liệu giấy có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường. Không chỉ vậy, kết cấu linh hoạt còn cho phép người dùng tái sử dụng, góp phần kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu lượng rác thải không cần thiết.
Để tạo ra một sản phẩm vừa “xanh” vừa sáng tạo, hai nữ sinh chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số đã trải qua hành trình dài nỗ lực. “Trước khi tham gia cuộc thi, cả mình và Quỳnh đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng phần mềm để thiết kế. Cá nhân mình luôn gặp khó khăn khi in ấn, đo tỷ lệ và chọn màu, đặc biệt khi lần đầu phải in một sản phẩm thật để dự thi”, Kim thẳng thắn chia sẻ.
Tuy nhiên, cả hai đã nhận được sự hướng dẫn tận tâm của các giảng viên trong trường, đặc biệt là cô Quyên luôn ở bên cạnh để hỗ trợ nhóm trong suốt quá trình thiết kế, từ giai đoạn lên ý tưởng cho đến khi hoàn thiện sản phẩm.
Với riêng Kim, dự án thiết kế bao bì “Mật ong Phổng Lái – Thuận Châu” không chỉ giúp cô tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn quan trọng, mà còn là bước chạy đà cho đồ án tốt nghiệp vào năm tới, minh chứng cho tinh thần học thật – làm thật tại Trường Đại học FPT.
“Tụi mình kỳ vọng có thể may mắn lọt vào top của cuộc thi lần này. Nhưng quan trọng hơn cả, cả hai đều thấy tự hào vì đã bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, thử thách chính mình, không bỏ cuộc giữa chừng dù trải qua muôn vàn khó khăn. Nếu may mắn thắng giải, tụi mình xin dành tặng chiến thắng cùng lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô và nhà trường đã luôn ủng hộ, đồng hành cùng dự án”, Kim khẳng định.
Bích Hiền