Tôn vinh người phụ nữ qua triển lãm “Vẻ đẹp phụ nữ Việt”

Triển lãm “Vẻ đẹp phụ nữ Việt” là dự án nằm trong môn học SSG do nhóm sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm tổ chức. Sự kiện nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, được tổ chức tại phòng 503L, tòa nhà Alpha, Trường ĐH FPT Hà Nội đã thu hút đông đảo sinh viên, cán bộ, giảng viên tham gia.

dai hoc fpt3
Trường Đại học FPT áp dụng phương pháp học qua dự án (Project Based Learning), giúp sinh viên vận dụng kiến thức môn học vào các dự án thực tế.

Các thành viên của nhóm HKTD gồm sinh viên Lê Trung Kiên, Nguyễn Thị Hằng, Cao Sỹ Huy, Trương Khánh Đông, Đinh Quang Trường và Nguyễn Mạnh Hoàng. Dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Phương – Giảng viên bộ môn SSG104, nhóm đã tạo nên một không gian sống động và đầy ấn tượng cho buổi triễn lãm này.

Áo dài là trang phục truyền thống, thể hiện vẻ đẹp dịu dàng và thanh lịch của người phụ nữ Việt. Tuy nhiên, trong thời kỳ kháng chiến, áo dài không chỉ là một trang phục mà còn trở thành “đồng phục” của nhiều phụ nữ tham gia cách mạng, biểu tượng cho sự kiên cường và lòng yêu nước. Thiết kế đơn giản, chất liệu thô mộc của áo dài phản ánh cuộc sống giản dị và sự chân thật của phụ nữ xưa.

dai hoc fpt2
Thiết kế đơn giản, chất liệu thô mộc của áo dài phản ánh cuộc sống giản dị và sự chân thật của phụ nữ xưa.

Không chỉ là trang phục, bộ áo dài còn khơi gợi ký ức và tri ân những phụ nữ đã hy sinh và cống hiến cho đất nước, nhắc nhở thế hệ sau về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh. Đây chính là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời tri ân sâu sắc đến những người phụ nữ đã đóng góp to lớn cho nền độc lập và tự do của dân tộc.

Trong quá trình thực hiện, nhóm đã tập trung vào việc thu thập và trưng bày các bộ trang phục truyền thống như áo dài từ thời kỳ kháng chiến, cũng như tổ chức các buổi triển lãm nghệ thuật với các tác phẩm được in từ Bảo tàng Albert Kahn và những bức ảnh lịch sử quý giá của nhiếp ảnh gia Léon Busy.

dai hoc fpt1
Trong quá trình thực hiện, nhóm đã tập trung vào việc thu thập và trưng bày các bộ trang phục truyền thống như áo dài từ thời kỳ kháng chiến.

Quá trình thực hiện dự án không thiếu những thử thách. Nhóm đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin lịch sử chính xác và các bộ trang phục có giá trị lịch sử cao. Một thành viên của nhóm chia sẻ: “Việc đi tìm và thuê trang phục khiến nhóm em phải họp liên tục mỗi tối trong vòng 2 tuần, có những bất đồng đã xảy ra. Và rồi tưởng chừng như thất bại nhưng nhờ có trưởng nhóm đã động viên và vực dậy tinh thần, chúng em tiếp tục cố gắng và hoàn thiện dự án một cách thành công ngoài mong đợi”.

Một trong những sản phẩm trưng bày đặc biệt mà nhóm HKTD tự hào là bộ trang phục áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến. Bộ trang phục này không chỉ là một biểu tượng của văn hóa và truyền thống mà còn chứa đựng những câu chuyện đầy cảm xúc về sự kiên cường và lòng yêu nước của người phụ nữ Việt.

dai hoc fpt5
Sự kiện nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Thông qua triển lãm, nhóm HKTD mong muốn truyền tải thông điệp rằng: “Vẻ đẹp của phụ nữ không chỉ được thể hiện qua ngoại hình hay khuôn mặt, mà còn được tôn vinh qua phẩm chất và giá trị bên trong”. Từ những năm tháng khốc liệt qua các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, hình ảnh người phụ nữ Việt không chỉ tỏa sáng bởi nét đẹp ngoại hình mà còn bởi phẩm chất cao quý, sự kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn.

Giảng viên Nguyễn Thị Phương phụ trách môn SSG104 nhận xét: “Các bạn rất tích cực tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra sản phẩm. Quá trình làm việc, nhóm rất gắn kết, chung mục tiêu. Các bạn đã cho thấy được giá trị, ý nghĩa, vẻ đẹp của người phụ nữ qua các thời kỳ với sự trân trọng, yêu thương”.

Phương pháp học qua dự án tại Trường Đại học FPT không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn tạo điều kiện để họ áp dụng vào thực tế, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề và giao tiếp. Những trải nghiệm thực tiễn này giúp sinh viên tự tin hơn khi ra trường, dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc thực tế.

Lộc Nguyễn

 

Bài viết liên quan