Với chủ đề ‘Look at me’, triển lãm trưng bày các bức tranh chì, màu và sản phẩm ứng dụng thực tế của sinh viên khoa Thiết kế đồ họa.
Triển lãm bắt đầu từ ngày 15/4 và kéo dài hơn một tháng trong khuôn viên trường Đại học FPT. Chiêm ngưỡng triển lãm “Look at me” của các bạn sinh viên khoa Thiết kế đồ họa, ông Vương Trọng Đức – Trưởng khoa Thiết kế đồ họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Sinh viên Đại học FPT không bị gò ép và được phát triển theo hướng riêng”.
Một góc triển lãm tác phẩm tranh chân dung. Đúng như tên gọi, “Look at me” được xem là lời chào, thôi thúc mọi người hãy chú ý và dõi theo thành quả của các bạn sinh viên. Việc tổ chức triển lãm một cách nghiêm túc không chỉ là sự kiện đánh dấu thành quả sau chặng đường học tập, mà còn là cơ hội để các bạn sinh viên ý thức tầm quan trọng về công việc mình sẽ làm sau này.
Tuy vậy, quá trình tổ chức cũng là một thử thách đối với các bạn sinh viên, từ lập kế hoạch, tổng hợp tác phẩm, thiết kế layout để trưng bày, phân công treo tranh ảnh và dựng sân khấu… Tất cả được sinh viên thực hiện trong 12 ngày. “Bận là vậy nhưng mình và các bạn đều cảm thấy hạnh phúc vì có thể tự tay chuẩn bị triển lãm”, Nguyễn Văn Trường, sinh viên khóa 10, khoa Thiết kế đồ họa cho biết.
“Thú vị thứ nhất khi học chuyên ngành này là chương trình đào tạo hướng tới digital, môi trường học tập của thoải mái; cơ sở vật chất tốt, lớp học ít người nên giảng viên và sinh viên không còn khoảng cách, tương tác trực tiếp với nhau trong giờ học. Đặc biệt, bọn mình được tự do sáng tạo, không bị giới hạn bởi những khuôn khổ những quy tắc”, Hải, sinh viên của trường Đại học FPT nhận xét.
Sinh viên hào hứng bên những sản phẩm ứng dụng thực tế do mình thiết kế. Cùng con trai đến tham dự triển lãm, nhìn tác phẩm của con hồi lâu, bà Phan Lan Hương – phụ huynh sinh viên Phạm Hồng Thái (lớp GD1001) cho biết đã rất xúc động và cảm thấy tự hào vì con mình đã làm ra những sản phẩm có ý nghĩa sau 2 năm học.
Triển lãm thu hút giảng viên đến từ Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật cùng sự quan tâm của nhiều chuyên gia về mỹ thuật hàng đầu Việt Nam. “Khi chiêm ngưỡng những tác phẩm này, tôi cảm nhận sức trẻ và khát khao phát triển của các bạn. Dường như các bạn không hề bị gò ép mà được phát triển theo những hướng riêng. Phong cách này không hề mới ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam, chúng ta vẫn bị nặng nề về khuôn mẫu, chưa lấy sinh viên làm trọng tâm. Theo tôi, đây là xu hướng đào tạo đúng đắn của Đại học FPT”, ông Vương Trọng Đức nhận định.
Nhiều chuyên gia mỹ thuật có mặt tại buổi triển lãm. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng khoa Thiết kế đồ họa Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng trong môi trường sư phạm, những triển lãm như vậy là rất cần có để kích thích sức sáng tạo và sự say mê của các bạn sinh viên. “Đi một vòng quanh triển lãm, chúng ta có thể thấy các tác phẩm có sự định hình rõ về phong cách thiết kế”, ông Sơn nói.
Không gian lớp học của khoa Thiết kế đồ họa. Tại Đại học FPT, ngành Thiết kế đồ họa được thiết kế bài bản nhằm đem lại cho người học kiến thức và kỹ năng tổng hợp về thiết kế đồ họa, truyền thông và những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp.
Theo Vnexpress