Trong năm 2023, Trường Đại học FPT đã triển khai gần 100 hoạt động trong dự án cộng đồng “Đưa Bộ môn Nhạc cụ Dân tộc đến các trường THPT”, trong đó có 72 buổi đến các trường TH, THCS và THPT; và các buổi biểu diễn cho cộng đồng.
Từ Tháng 3/2022, Trường Đại học FPT bắt đầu thực hiện dự án cộng đồng “Đưa Bộ môn Nhạc cụ dân tộc đến các trường THPT” hưởng ứng theo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TP. HCM” do UBND TP. HCM ban hành. Mục đích của chương trình nhằm đồng hành cùng các trường THPT trong việc triển khai giảng dạy nhạc cụ dân tộc tại trường, góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống của Việt Nam đến với thế hệ trẻ.
Theo đó, Trường Đại học FPT Phân hiệu Tp. HCM có số buổi biểu diễn tính theo campus cao nhất với 46 hoạt động; Trường Đại học FPT phân hiệu Hà Nội: 16 hoạt động; Trường Đại học FPT Phân hiệu Cần Thơ: 8 hoạt động; Trường Đại học FPT Phân hiệu Đà Nẵng: 21 hoạt động; Trường Đại học FPT Phân hiệu Quy Nhơn: 7 hoạt động.
Với các nhiều hình thức triển khai như: Tổ chức giảng dạy Nhạc cụ dân tộc (Nhạc cụ Sáo trúc, Đàn bầu, Đàn tranh hoặc Đàn tỳ bà) miễn phí cho học sinh tại các trường THPT trên địa bàn TP. HCM; Tổ chức các hội thảo, buổi biểu diễn Nhạc cụ dân tộc tại các trường THPT hoặc tại Trường Đại học FPT, giao lưu về Nhạc cụ dân tộc và tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc, tìm hiểu thêm về bộ môn đặc sắc này. Chương trình kéo dài từ 12 – 15 buổi.
Trường Đại học FPT tài trợ 100% nhạc cụ trong thời gian giảng dạy, đồng thời hỗ trợ cơ sở vật chất tại Trường Đại học FPT cho học sinh THPT đến tham quan, học tập Nhạc cụ dân tộc. Đội ngũ giảng dạy là Giảng viên – Nghệ sĩ Bộ môn Nhạc cụ dân tộc thuộc Trường Đại học FPT, nhiệt tâm với công tác giảng dạy Nhạc cụ dân tộc và có trình độ chuyên môn cao.
Bên cạnh đó, giảng viên, sinh viên trường Đại học FPT còn tham gia biểu diễn nhiều chương trình lớn trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh, nét truyền thống của dân tộc.
Dựa vào những nguồn lực về nhân sự và tài nguyên sẵn có, Trường Đại học FPT mong muốn đồng hành với các trường THPT bằng dự án đưa nhạc cụ dân tộc đến với từng trường THPT và cùng nhân rộng giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng học sinh.
Giáo dục âm nhạc dân tộc là góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần, đồng thời giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ngày 18/10/2023, Tổ chức Giáo dục FPT chính thức xác lập kỷ lục Việt Nam cho “MV hoà tấu nhạc cụ truyền thống có số lượng người tham gia biểu diễn nhiều nhất” cho MV Thiên Âm. MV được ghi hình ở 5 thành phố từ Bắc chí Nam với 1350 nhạc công là sinh viên, giảng viên đã truyền tải câu chuyện về lòng tự hào dân tộc qua việc học và chơi nhạc cụ truyền thống của người trẻ.
Từ năm 2014, Trường Đại học FPT là đơn vị tiên phong đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy và được công nhận là một bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo. Hiện tại, sinh viên Trường Đại học FPT sau khi hoàn thành khóa học đã sử dụng thành thạo đa dạng các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam/.