“Khói Chạm” là dự án truyền thông với mục tiêu thay đổi nhận thức và hành động của sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội về vấn nạn hút pod, đồng thời xây dựng môi trường học tập lành mạnh, an toàn.
Dự án thuộc môn học SSG104 – Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, do nhóm “Biệt đội tí hon” lớp MC1907 gồm các thành viên Nguyễn Huyền Trang – Trưởng nhóm, Nguyễn Thị Ngọc Thủy, Chu Thị Mai Anh, Lê Anh Thư, Phạm Anh Thư, Cao Hoàng Hiệp, Nguyễn Tiến Đạt thực hiện. Dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Phương, 7 sinh viên khóa 19 chuyên ngành Quản trị Truyền thông Đa phương tiện đã tạo nên một sự kiện ý nghĩa.
Trong xã hội phát triển ngày nay, thuốc lá điện tử tưởng chừng như một sản phẩm “thời thượng” đã và đang len lỏi vào đời sống của giới trẻ với những nguy cơ tiềm ẩn khôn lường. Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang trở thành một trào lưu, đặc biệt trong lứa tuổi học đường. Dù được quảng cáo là ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử vẫn chứa nicotine và nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là hệ hô hấp và tim mạch.
Nhận thấy điều đó, dự án “Khói Chạm” đã tổ chức talkshow vào ngày 27/6 vừa qua tại Tòa nhà Epsilon nhằm tuyên truyền phòng chống thuốc lá điện tử, đặc biệt là đối với giới trẻ. Buổi talkshow có sự góp mặt của Ts.Bs. Nguyễn Tiến Dũng – Giảng viên khoa Bệnh phổi, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân Y Hà Nội. Bs. Dũng tốt nghiệp tiến sĩ về ung thư phổi tại Đại học Toyama, Nhật Bản và là gương mặt thân quen trong nhiều lớp học của sinh viên ngành Y.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng rất nhanh. Ts.Bs. Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Thuốc lá điện tử với hương vị hấp dẫn có đủ loại tinh dầu đa dạng như: trái cây, bạc hà và thậm chí là ba vị trộn lại với nhau. Những hương vị này làm cho việc hút thuốc lá điện tử trở nên “vui vẻ” hơn và khiến người dùng nghĩ rằng chúng vô hại. Thêm vào đó, thiết kế sản phẩm ấn tượng với vẻ ngoài bắt mắt, hiện đại và phong cách. Những chiếc pod, vape nhỏ gọn, đủ màu sắc và kiểu dáng thời trang khiến giới trẻ muốn trải nghiệm thử. Quảng cáo trên mạng xã hội cũng góp phần làm cho hình ảnh của sản phẩm này trở nên quen thuộc và hấp dẫn hơn. Mặc dù có thể làm giảm căng thẳng ngay tức thì, nhưng hút thuốc lá điện tử không giải quyết được vấn đề mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe”.
Diễn giả cũng nhấn mạnh về tác hại của khói thuốc lá điện tử: “Việc hít phải khói thuốc lá điện tử thụ động có thể gây hại cho đường hô hấp, dẫn đến viêm phế quản mãn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Khói thuốc lá điện tử còn tác động xấu đến tim mạch, làm tăng nhịp tim và huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch và bệnh tim thiếu máu cục bộ”.
Tham dự buổi workshop, bạn Phan Nguyệt Nhi, khóa 19 chuyên ngành Digital Marketing chia sẻ: “Mình có khá nhiều bạn bè xung quanh sử dụng thuốc lá điện tử khiến mình rất khó chịu. Hy vọng các bạn hút thuốc nên hút đúng nơi, đúng chỗ và không gây ảnh hưởng cho mọi người xung quanh”.
Với thông điệp “Theo đuổi ánh sáng cuộc đời”, dự án “Khói Chạm” hy vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá điện tử, khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ, cai thuốc lá điện tử thành công và tạo dựng môi trường sống lành mạnh, không khói thuốc.
Trưởng nhóm Nguyễn Huyền Trang cho biết: “Ban đầu, dự án của chúng em là làm phim ngắn nhưng do gặp trục trặc, nhóm đã chuyển sang làm talkshow trong thời gian gấp gáp. Điều này đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong việc mời diễn giả. May mắn thay, Bs.Ts Nguyễn Tiến Dũng đã nhận lời tham gia và chia sẻ về tác hại của thuốc lá điện tử. Cuối cùng, sự kiện đã diễn ra suôn sẻ và được nhiều sinh viên hưởng ứng”.
Trường Đại học FPT áp dụng phương pháp học qua dự án (Project Based Learning không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn tạo điều kiện để họ áp dụng vào thực tế, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề và giao tiếp. Những trải nghiệm thực tiễn này giúp sinh viên tự tin hơn khi ra trường, dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc thực tế.
Lộc Nguyễn