Từ số vốn ít ỏi – 1 triệu đồng, chàng sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại Học FPT – Nguyễn Việt Hùng khiến nhiều người thán phục trước doanh thu do dự án start-up COLORME của mình mang lại.
Không chỉ gây ấn tượng khi bước vào trường Đại học FPT với suất học bổng chuyên ngành Khoa học máy tính giá trị 140%, Nguyễn Việt Hùng, anh chàng sinh viên K9, còn khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định khởi nghiệp khi mới 19 tuổi (năm 2 sinh viên) với số vốn trong tay chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng và suy nghĩ “mình cũng không có gì để mất”.
- Đạt giải Quốc gia Môn Tin năm 2012 và 2013
- Giải Ba Quốc Gia Intel ISEF 2012
- Dành học bổng 140% Trường Đại Học FPT
- Đại sứ công nghệ của Tập đoàn Microsoft
- Founder & CEO Trường học thiết kế ColorMe
Không có gì để mất
Trước khi quyết tâm theo đuổi Đại học FPT, anh chàng đã có 5 năm liên tiếp học vẽ để theo đuổi ngành Kiến trúc. Nhưng về sau này, khi nhận thấy có nhiều vấn đề trong giáo dục có thể giải quyết bằng Công nghệ thông tin và thấy được tầm quan trọng của nó, Hùng đã đổi hướng sang học Khoa học máy tính từ năm lớp 10.
Khi Hùng mới chỉ là anh chàng sinh viên năm 2 Đại học FPT. Bản thân anh nhận thấy các bạn sinh viên ấp ủ rất nhiều đam mê và nhiệt huyết, có nhu cầu khá cao về việc học các kĩ năng liên quan đến công cụ thiết kế. Anh chàng bắt đầu nảy sinh ra ý tưởng mở một khóa học trong thời gian ngắn, chi phí hợp lí để sinh viên được học những điều cốt lõi và về sau họ có thể ứng dụng vào công việc. Hơn nữa, 5 năm liên tiếp học Mỹ thuật giúp anh có sự tự tin nhất định với lĩnh vực này, vừa lúc thị trường đang có nhu cầu cao, Hùng đã làm “liều”, mở lớp học thử đầu tiên, và kết quả rất khả quan. Thế là dự án Start up có tên COLORME – một dự án “Giáo dục tự chọn” về thiết kế đồ họa lớn nhất Hà Nội được ra đời vào năm 2015.
Sau thành công của khóa đầu tiên, Hùng tiếp tục mở khóa tiếp theo. Tuy nhiên, điều khiến anh bất ngờ nhất là chỉ trong một tuần mở đơn, đã có hơn 100 người đăng ký. Hùng nhận ra rằng thay vì mở một lớp học, anh có thể thành lập cả một trung tâm.
Đáng nói khi ấy trong tay cậu chỉ có 1 triệu đồng. Giai đoạn đầu, anh chàng tìm cách đi thuê phòng học có sẵn trả theo giờ, in ấn tờ rơi, sticker dán ở nhà vệ sinh của các trường Đại học để Marketing. “Mình hiểu việc gọi vốn sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển và mở rộng startup, nhưng gọi vốn không phải là cách duy nhất để phát triển. Mình lựa chọn phương thức tự xoay sở và tự xoay vòng vốn. Thời gian đầu khi kinh phí còn hạn hẹp, mình thuê và mượn tất cả những gì có thể. Vì đặc điểm là loại sản phẩm trí tuệ, không có nhiều chi phí sản xuất nên tốc độ xoay vòng vốn của COLORME rất nhanh, tính theo tháng. Không mất thời gian quá lâu, chỉ sau một vài tháng, COLORME đã có thể tự vận hành trơn tru trên vòng vốn của mình.”
Đến khi số lượng học viên càng ngày càng tăng, những công cụ như Google Sheet hay Google Docs sẽ không còn hiệu quả nữa. “May mắn là hồi đó mình đã được tiếp cận với cách quản lý số của Đại Học FPT, nên mình và các cộng sự của mình đã tự xây ra những hệ thống, công cụ quản lý, giúp mình vừa học vừa quản lý hiệu quả hơn.” – Hùng chia sẻ.
Sau 1 năm triển khai, dự án COLORME đã lọt top 5 đội xuất sắc nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai vào năm 2016. Sau 4 năm hoạt động, đến nay, COLOR ME đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo có lượng học viên ổn định và quy mô tại Hà Nội. Mỗi tháng COLORME có khoảng 800 học viên trên toàn quốc, có 70 nhân sự ở cả 2 miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng), Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Có 5 chi nhánh trên toàn quốc và 12 môn học. Sau gần 4 năm thành lập, COLORME đã phục vụ được hơn 25 nghìn học viên. Thế là với suy nghĩ “mình cũng không có gì để mất” khi nói về thất bại, bản thân cũng là người “dám nghĩ dám làm”, Nguyễn Việt Hùng đã làm cho COLORME phủ sóng toàn quốc.
Điều gì khiến COLORME phủ sóng rộng rãi?
Khác với hệ thống giáo dục khuôn phép hiện nay là điểm danh bằng cách gọi tên sẽ mất nhiều thời gian và hoạt động quản lý, kiểm soát. Thay vào đó, để đơn giản hóa quy trình, COLORME sử dụng QRcode – một ứng dụng thông minh trên điện thoại, trợ giảng chỉ cần đi quét thẻ một vòng là biết ai vắng mặt.
Bên cạnh đó, với phần mềm quản lý học viên, dù đang ở đâu, Hùng cũng có thể biết được mọi chuyện đang diễn ra tại trung tâm, số học viên mới mỗi ngày hay những ai vừa đóng học phí. Hàng tuần anh cũng nhận được báo cáo tài chính để cân đối thu chi.
Ngoài ra, COLORME còn có hệ thống email tự động chuyển câu hỏi đến cho giảng viên và đặc biệt là mạng xã hội riêng để học viên trao đổi, xem bài thiết kế của nhau.
Đặc biệt, hiểu rõ tâm lí của học sinh, sinh viên nên mức giá học phí vô cùng cạnh tranh và hợp lí, học viên có thể linh động thời gian học và có chế độ bảo hành trọn đời – khi học xong một khóa có thể học lại bao lần cũng được.
Với niềm tin từ những người trẻ có thể truyền đạt kiến thức cho nhau, nguồn giảng viên của COLORME đều là những giảng viên trẻ, từ 1995 – 1998, nhiệt huyết cao, muốn giúp đỡ những người trẻ khác, và có đam mê về giáo dục, chuyên môn phải thật vững vàng.
Có thể nói, việc ứng dụng kiến thức trên lớp vào thực hành và sự ham học hỏi, tìm tòi của nhà Founder và CEO trẻ, COLORME đã trở thành trường học thiết kế được nhiều bạn trẻ lựa chọn. 80% là học sinh, sinh viên, 20% còn lại là những người đã đi làm và cần bổ sung những kiến thức cần thiết cho công việc của họ.
Mình không nghĩ là điều này có thể xảy ra ở những ngôi trường Đại học khác
Chuyện chàng trai khởi nghiệp từ khi 19 tuổi đã hoàn toàn giấu bố mẹ cho đến khi báo chí đăng bài và xuất hiện nhiều trên sóng truyền hình, gia đình mới hay biết “gây bão” một thời trong cộng đồng sinh viên, nhất là sinh viên Đại học FPT về sự “máu”, tinh thần kinh doanh cũng như suy ngĩ sắc bén của chàng trai trẻ. Hùng không muốn thông báo với bố mẹ khi mọi thứ chưa rõ ràng, chỉ đến khi đạt được thành quả nhất định để bố mẹ không phải lo lắng.
Anh cũng cho biết có được thành công hôm nay, cũng góp phần từ những người thầy, người cô tại Đại học FPT. Họ đã đem tới những kiến thức, nhiều điều hay để người anh chàng CEO trẻ này ứng dụng vào công việc. Chưa kể, họ là những thầy cô rất giỏi, không chỉ giỏi về chuyên môn, họ đã và đang có những mảng kinh doanh riêng, và anh chàng luôn cảm thấy rất may mắn được theo học.
Cho đến nay, quyết định lựa chọn Đại học FPT theo Hùng là hoàn toàn đúng đắn, một quãng thời gian Đại học tuyệt vời. Mặc dù khi Start up gặp nhiều khó khăn giữa việc cân bằng thời gian học và làm, và phải trả giá đắt cho việc đó bằng sức khỏe. Nhưng những điều ĐH FPT mang lại, thực sự là nguồn động lực vô cùng to lớn. Thầy giáo là những người luôn ủng hộ và tin tưởng vào cậu, đã có buổi dành nguyên 1 tiết để chia sẻ, nói chuyện với cả lớp về vấn đề khởi nghiệp để các bạn cùng hỗ trợ giải quyết. “Mình không nghĩ là điều này có thể xảy ra ở những ngôi trường Đại học khác.” – Hùng chia sẻ.
Và bài học rút ra sau 4 năm khởi nghiệp của Hùng là chuẩn bị kĩ về sức khỏe, tinh thần, kiến thức, ý tưởng; học cách cân bằng thời gian, chấp nhận đánh đổi và kiên trì, kiên trì, kiên trì. “Đã lựa chọn khởi nghiệp, bạn chỉ được phép lớn và lớn hơn nữa.” – Hùng bày tỏ quan điểm về vấn đề khởi nghiệp.
Chia sẻ về tương lai, Hùng tập trung phát triển cho COLORME xem nó sẽ còn đi xa tới đâu, và về lâu dài, sẽ còn mở tất cả những khóa học giúp sinh viên có nhiều kĩ năng hơn trong công việc. Steve Jobs từng nói với Steve Woz để theo ông khởi nghiệp: “Dù có thất bại, ít nhất một lần trong đời chúng ta phải mở ra một công ty riêng”. Câu nói ấy đã ám ảnh chàng doanh nhân trẻ trong suốt 8 năm qua, và là động lực để anh tiếp tục mọi thứ. Chưa hài lòng với những thành tích của bản thân, “vượt lên chính mình” là điều Hùng luôn cố gắng hướng tới.
Trang Bê