Tạp chí IEEE Access và IIHMSP/FITAT vừa đăng 3 bài báo khoa học của các chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) thuộc FPT Software. Thành quả này góp phần quảng bá và nâng cao thương hiệu của công ty khi tham gia thầu các dự án nghiên cứu hay dự án sử dụng AI trong nước và quốc tế.
Ba công trình nghiên cứu của các chuyên gia AI đến từ FHN.DCS được đăng tải trên tạp chí/hội nghị quốc tế gồm: “Improving skin-disease classification based on customized loss function combined with balanced mini-batch logic and real-time image augmentation” (tạm dịch: Nâng cao hiệu quả phân loại bệnh về da dựa vào tối ưu hàm mất mát kết hợp với lựa chọn dữ liệu cân bằng và nhân bản dữ liệu thời gian thực trong mỗi bước huấn luyện), được đăng trên tạp chí IEEE Access.
“A new feature selection and classification approach for optimizing breast cancer subtyping based on gene expression” (tạm dịch: Một phương pháp giảm chiều dữ liệu và phân loại mới để tối ưu bài toán tiên lượng loại ung thư vú dựa trên dữ liệu biểu hiện gen), được đăng trên hội nghị IIHMSP/FITAT 2020, thuộc danh mục Scopus.
“Evaluating the Deep Convolutional Neural Network for Thyroid Nodule Detection on Vietnamese Ultrasound Dataset” (tạm dịch: Đánh giá hiệu quả của học sâu cho bài toán phát hiện khối u tuyến giáp trên dữ liệu ảnh siêu âm của người Việt Nam), được đăng trên hội nghị IIHMSP/FITAT 2020, thuộc danh mục Scopus.
Trên thế giới có hai nhóm phân loại uy tín được cộng đồng khoa học công nhận trên trên thế giới. Phân loại theo Viện thông tin khoa học Mỹ (Institute for Scientific Information, thường gọi là ISI) và theo Scopus (Hà Lan).
Trong đó, riêng công trình “Improving skin-disease classification based on customized loss function combined with balanced mini-batch logic and real-time image augmentation” đăng trên IEEE Access, một tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục SCIE, Scopus, nhóm Q1 có chỉ số IF (Impact Factor – chỉ số ảnh hưởng) cao. Nhóm Q1 là nhóm cao nhất và uy tín nhất trong bảng đánh giá chất lượng của tạp chí chuyên ngành.
Chuyên gia AI quốc tế Nguyễn Xuân Phong – Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila (Canada) cho rằng, kết quả này chứng tỏ FPT Software đã bắt đầu có công trình, môi trường nghiên cứu khoa học chuyên sâu, tạo điều kiện cho sự đổi mới, sáng tạo phát triển.
Chia sẻ về mục tiêu của việc gửi bài báo khoa học cho tạp chí chuyên ngành quốc tế, anh Phạm Trí Công, Trưởng nhóm nghiên cứu của FHN.DCS, chia sẻ: “Các nghiên cứu nhóm đang thực hiện hướng tới mục tiêu vừa tạo ra sản phẩm vừa khẳng định trình độ nghiên cứu mang tầm quốc tế, từ đó quảng bá hình ảnh FPT Software và chứng minh năng lực công ty trên trường quốc tế. Do đó, các nghiên cứu của nhóm đã định hướng là ra các kết quả để đăng các tạp chí uy tín trên thế giới”.
Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng AI và Deep Learning (học sâu) cho các bài toán y tế. Cụ thể là các bài toán chẩn đoán sớm ung thư trên dữ liệu của người Việt. Cùng với việc từng bước xây dựng ứng dụng để áp dụng trong thực tế, nhóm cũng tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu, đề xuất giải thuật mới, và sau đó là phân tích kết quả để đăng ở các hội nghị, tạp chí uy tín trên thế giới. Điều này là định hướng của nhóm ngay từ buổi đầu thành lập.
Anh Trần Công Thành, thành viên quản lý DCS, khẳng định sự hỗ trợ từ Chuyên gia AI quốc tế Nguyễn Xuân Phong và AI Lab là nguồn động lực lớn thúc đẩy các thành viên nghiên cứu khoa học. Hiện nay, với định hướng hỗ trợ và đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong FPT Software, AI Lab đã và đang hỗ trợ việc lên ý tưởng, xây dựng đề cương để lấy hỗ trợ cho nghiên cứu; Hỗ trợ tìm kiếm mentor, kết nối cho việc nghiên cứu; Thưởng nóng bằng tiền mặt cho các tác giả bài báo khoa học; Tư vấn, hướng dẫn nộp bài báo khoa học; Sponsor chi phí cho việc xuất bản khoa học và chi phí cho các chuyến công tác chia sẻ công trình khoa học.
Chuyên gia AI quốc tế Nguyễn Xuân Phong kỳ vọng “những bài báo được đăng tải trong hội thảo và tạp chí hàng đầu trong tương lai sẽ trở nên như “cơm bữa” tại FPT Software”.
Theo Chungta.vn