Tôi là sinh viên năm hai Đại học FPT và sống xa nhà. Dù vậy, cuộc sống của tôi vẫn luôn đầy đủ do được gia đình chu cấp. Vào một ngày đẹp trời, nghe thông tin về chương trình ‘48h chuyển động’ do nhà trường tổ chức, qua lời kể của tụi bạn thì được biết, đây là một chương trình trải nghiệm thực tế và thú vị.
Tôi quyết định đăng ký và tham gia phỏng vấn theo yêu cầu của chương trình. Mấy ngày sau, tôi nhận được email báo đỗ và thông tin chuẩn bị cho chuyến trải nghiệm tại Đà Lạt. Trước hôm đi, tôi cẩn thận viết ra danh sách các vật dụng cần thiết và quần áo chuẩn bị cho chuyến khám phá mới mẻ ở phía trước.
Cao Trung Hiếu trong thử thách thứ 2 của chương trình – Thử làm phục vụ tại một quán kem bơ.
Trên xe, chúng tôi làm quen với nhau qua những mẩu chuyện ngắn và trao đổi về chuyến đi kỳ trước. Tôi bắt đầu hơi sợ vì tính chất ‘sống còn’ của chương trình. Nhưng cảm xúc đó nhanh chóng thoáng qua vì tôi tin rằng với sự năng động và nhiệt huyết của tuổi trẻ, người khác làm được thì tôi nhất định làm được.
Một lúc sau , chúng tôi nhận được thông báo của BTC là sẽ tịch thu tất cả điện thoại và tiền bạc, chỉ được giữ tối đa 30.000 đồng/người. Mỗi team chỉ được phép giữ lại một chiếc điện thoại duy nhất (không sim) để giữ liên lạc với BTC thông qua email, Zalo hoặc facebook.
Đến Đà Lạt chúng tôi được ở trong một giáo xứ, vì đó là nơi thanh tịnh nên sự yên lặng và giữ gìn vệ sinh chung được BTC nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần.
BTC phát cho mỗi nhóm một phong bì chứa nhiệm vụ ‘sống còn’. Với 400.000 đồng trong phong bì, các nhóm hãy làm gì đó để có lợi nhuận nhiều nhất và checking bốn địa điểm. Sau khi tra bản đồ trên và qua tìm hiểu từ người dân địa phương thì được biết, nếu muốn checking cả bốn địa điểm thì phải đi hết một vòng hồ Xuân Hương – địa danh ai cũng biết khi đến thăm Đà Lạt. Sau khi nhận ‘đề thi’, chúng tôi bắt đầu bàn chiến thuật, cuốc bộ qua bốn địa điểm trước rồi sau đó sẽ buôn bán ở chợ.
Tinh thần của nhóm bắt đầu chùng xuống khi vượt qua được một phần ba quãng đường. Cả nhóm đã họp lại có hay không việc sử dụng taxi để kết thúc bốn địa điểm, vừa dành nhiều thời gian cho kinh doanh nhưng suy nghĩ đó nhanh chóng bị gạt qua, cả nhóm tiếp tục tuân thủ đúng luật đề ra.
Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện để xua tan cái mệt. Rất may, tiết trời ở thành phố mộng mơ ưu đãi nên cái mệt, cái đói, áp lực thời gian, nỗi sợ hãi… đã giảm đi rất nhiều.
Hoang mang ập đến khi nghe tin từ một thành viên trong BTC cho biết, phần nhiều các nhóm gần vượt qua thử thách và hoàn thành việc kinh doanh. Đến đây, nhóm chúng tôi một lần nữa hợp lực để đưa ra quyết định mua gì dễ bán và có thu nhập cao.
Nhờ một người dân tư vấn, chúng tôi chọn mặt hàng đặc sản của Đà Lạt trước và lên ý tưởng sẽ bán để từ thiện nên đi tìm một cái hộp rỗng để bỏ tiền để mời chào khách du lịch và người dân dạo trên bờ hồ. Chúng tôi mua mỗi túi kẹo mứt dâu, me với giá 7.000 đồng và bán lại với giá 15.000. Việc kinh doanh bắt đầu suôn sẻ khi trong nhóm có một anh khá hoạt ngôn. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những khách hàng từ chối mua do lo sợ gặp những trường hợp lừa đảo nhan nhản trên báo chí hay mạng xã hội. Khi biết hoạt động của chúng tôi làm từ thiện, nhiều cô chú ủng hộ rất nhiêt tình. Có cô mua sáu túi một lúc, có cô bỏ thẳng tiền vào hộp mà không lấy kẹo. Kết thúc nhiệm vụ thứ nhất thành công với lợi nhuận thu được là 32 túi kẹo được bán ra.
Cao Trung Hiếu, sinh viên khóa 10, thứ 3, từ phải qua.
Sang thử thách thứ hai, với 200.000 tiền ăn trưa và sinh hoạt, chúng tôi tiếp tục tìm việc làm để trải nghiệm. Vì mệt do cuốc bộ nhiều và chạy ngoài nắng, nhóm tôi dùng 200.000 đi ăn trưa ở quán cơm cách đó khoảng 1,3km (tất nhiên là đi bộ). Sau khi mặc cả, năn nỉ, ỉ ôi, nhóm được bác chủ tiệm cơm đồng ý bán phần cơm ít hơn với giá 20.000 mỗi suất so với giá 35.000 niêm yết.
Sau khi được nạp năng lượng, nhóm tách làm hai nhóm nhỏ, một nhóm tìm việc làm và nhóm kia bán nốt phần kẹo còn dư hồi sáng. Tôi cùng ba bạn khác xin được việc làm ở quán kem bơ, một đặc sản nổi tiếng ở Đà Lạt, quán rất đông khách. Trong hai giờ làm việc, nhiệm vụ của chúng tôi là mời khách vào, dọn dẹp, chạy bàn, bưng đồ ăn và kể cả dẫn xe cho khách. Tuy mệt nhưng rất vui. Đến 15h30, nhóm xin phép anh chị chủ quán về tập trung theo giờ quy định của BTC, biết chương trình dùng tiền để từ thiện, nhóm được trả thù lao 400,000 đồng. Quay về nơi tập trung tròn đúng 4h chiều, vừa mệt vừa đói nhưng tôi cảm thấy thật thú vị khi được làm những công việc mình chưa bao giờ trải nghiệm trong đời và nhận ra được giá trị của đồng tiền vô cùng quý giá và phải khó khăn mới có được.
Gần cuối hành trình, cả đoàn tiếp tục di chuyển đến một trai trẻ mồ côi để tặng quà cũng như tổ chức trò chơi cho các em. Nhìn thấy những nụ cười trong sáng, hồn nhiên của các em, tôi tự thấy bản thân mình thật may mắn và hạnh phúc. Tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa khi được ông trời ưu đãi có đầy đủ mọi thứ.
Trung Hiếu