Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 886.000 thí sinh (TS) đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trong số này có hơn 653.000 TS đăng ký lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Về lựa chọn bài thi tổ hợp, có hơn 468.000 TS đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học xã hội (chiếm 52,83%). Gần 302.000 TS đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (34,07%). Có hơn 27.000 TS đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27-6 với 3 bài độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp gồm khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, việc thi THPT còn nhằm một mục tiêu rất quan trọng là cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông ở các địa phương. Nếu chỉ dựa vào kết quả thi THPT quốc gia thì tỉ lệ tốt nghiệp của Sơn La, Hà Giang mấy năm qua không quá 20%, cần phải có động thái của địa phương và của trung ương để hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tại các địa phương này. Nên khi không thi thì mất động lực dạy và học, khi bệnh thành tích tại địa phương vẫn còn, khi chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương còn quá khác biệt, nhiều địa phương là vùng trũng giáo dục thì vẫn phải có một kỳ thi tốt nghiệp mang tính quốc gia.
Cũng theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, khi vẫn còn những trường ĐH sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển ĐH, khi tỉ lệ tốt nghiệp gần 98%, tức tốt nghiệp THPT không quá khó thì với TS và phụ huynh, với địa phương, kỳ thi THPT quốc gia mang tầm quan trọng của một kỳ thi ĐH. Để tránh xung đột lợi ích, không thể để cho địa phương chủ trì việc chấm thi. Việc chấm thi cần do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, tổ chức chấm thi tập trung dựa trên dữ liệu bài thi được quét chuyển về bộ ngay khi thi xong.
Với Luật Giáo dục hiện nay, vẫn có thể áp dụng cơ chế đặc cách công nhận tốt nghiệp cho một tỉ lệ TS nhất định, chỉ tổ chức thi cho số TS còn lại. Đề nghị cho các địa phương xét đặc cách xét tốt nghiệp cho 30% TS khá giỏi tính từ trên xuống tại địa phương, còn 70% vẫn thi THPT quốc gia. Khi đã làm xong phần giảm nhẹ kỳ thi thì buộc các trường ĐH phải tăng cường tự chủ tuyển sinh, vì 30% số TS khá giỏi không có điểm thi THPT quốc gia. Đây là một cú hích tăng tính vận động của các trường ĐH.
Còn theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh – Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, phương án tốt nghiệp THPT sau này nên giao về địa phương. Công tác xét tuyển sinh vào ĐH do các trường ĐH tự chủ. Hiện tại, xu hướng chọn lựa phương án đánh giá năng lực đang được các trường hướng đến. Các trường chưa đủ sức tự tổ chức sẽ liên kết với các trường có đủ khả năng để tổ chức. Một số ý kiến cho rằng nên quay về 3 chung nhưng thực tế, với những cách đánh giá khác nhau của các trường trong việc tuyển sinh thì nên để các trường tự chủ trong khâu này.
Theo Người lao động