Đầu năm 2014, khi cả thế giới sôi sục vì cái tên Nguyễn Hà Đông, bố mẹ hỏi tôi học CNTT thì có biết làm ứng dụng di động không. Khi ấy tôi còn chẳng biết lập trình di động là gì.
Tôi là một người trẻ vừa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm – Đại học FPT nhưng đã có hơn hai năm gắn bó với lập trình di động. Hiện tôi là lập trình viên tại FPT Technology Solutions.
Bằng nỗ lực và đam mê của mình, tôi đã có thành công bước đầu như tham gia cuộc thi lập trình S.M.A.C Challenge 2015 và giành ngôi vị Á quân, là thành viên tích cực trong đội phát triển ứng dụng quản lý hệ thống giao thông TP HCM, tự thiết kế thành công một số ứng dụng phục vụ cộng đồng…
Đầu năm 2014, cả thế giới sôi sục vì cái tên Nguyễn Hà Đông và trò chơi Flappy Bird. Khi ấy tôi đang là sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm. Có lần bố mẹ xem tin tức về anh Đông rồi quay sang hỏi tôi học CNTT thì có biết làm ứng dụng trên di động không. Lúc đó tôi còn chẳng biết lập trình di động là gì, liền nhận được ngay cái “trề môi” từ cả nhà. Chính từ lúc ấy, tôi quyết tâm tìm hiểu, rồi yêu thích, đam mê và gắn bó với nghề cho đến nay.
Năm 2015, với sản phẩm mang tên “Dẫn đường” (Street Router), tôi và nhóm bạn cùng trường giành ngôi vị Á quân tại cuộc thi Viết ứng dụng tương tác thông minh điều khiển bằng giọng nói (S.M.A.C Challenge 2015). Giải thưởng đã giúp tôi tự tin hơn với niềm đam mê của mình và được nhiều người biết đến.
Street Router là ứng dụng dẫn đường dành cho người đi xe máy và xe buýt. Ứng dụng gồm các chức năng tiện ích như: tìm kiếm đường đi bằng xe buýt từ 2 đến 4 điểm, hỗ trợ thời gian khởi hành, khoảng cách đi bộ, số lần chuyển tuyến; tìm kiếm đường đi bằng xe máy từ 2 điểm đến 4 điểm, hướng dẫn đường khi tham gia giao thông, hỗ trợ bản đồ offline giúp khi tham gia giao thông không cần 3G vẫn có thể theo dõi đường đi, hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói. Phần mềm này đã được đánh giá cao bởi các chuyên gia công nghệ và ban giám khảo của cuộc thi.
Sau khi ra trường, tôi đầu quân về công ty FPT Technology Solutions và hiện tham gia phát triển ứng dụng giao thông ở TP HCM. Đây là ứng dụng giúp quản lý hệ thống giao thông, gồm hai phần là website và ứng dụng trên điện thoại, giúp nhà quản lý biết được tình hình giao thông trên địa bàn thành phố một cách tức thời để xử lý và khắc phục nhanh chóng. Ngoài ra, ứng dụng sẽ tự động bắt lỗi vi phạm của người dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như giúp người dân biết được thông tin cần thiết để có thể lưu thông an toàn và thuận tiện.
Bắt đầu bén duyên với lập trình di động từ năm 2014, tôi cho rằng đây là một nghề khó, bởi công nghệ thay đổi hàng ngày và bản thân lập trình viên phải nắm bắt được các thay đổi liên tục ấy và nâng cấp để có thể đưa sản phẩm tốt nhất đến người dùng.
Đặc biệt người làm nghề luôn phải có sự nhạy cảm, tinh tế và thẩm mỹ cao trong sáng tạo. Họ luôn phải đặt ra những bài toán về từng chi tiết nhỏ của ứng dụng sao cho phù hợp nhất với người dùng như đặt ở vị trí này có hợp lý hay không, có đẹp hay không; màu này có vừa mắt người nhìn không, ra nắng có bị chói không; tổng thể thiết kế có dễ dùng, dễ hiểu hay không, phù hợp với mọi người không…
Ảnh hưởng từ sản phẩm thời sinh viên, tôi có hứng thú đặc biệt với những ứng dụng về giao thông công cộng. Công việc bận rộn, thường xuyên phải thức đêm để hoàn thành các sản phẩm demo trước khi gặp đối tác, nhưng khi những thành quả của mình được cấp trên, đồng nghiệp công nhận và đặc biệt là mang lại lợi ích cho cộng đồng, tôi vẫn cảm thấy tự hào và càng đam mê hơn với nghề.
Một khi bạn đã dám theo đuổi đam mê, mọi hành động, mọi quyết định trong cuộc sống của bạn đều hướng về một mục đích duy nhất. Nhờ đó, bạn sẽ nhận ra nhiều cơ hội xung quanh mình hơn và cố gắng hơn để nắm bắt được chúng. Trong tương lai, tôi hy vọng tâm huyết của bản thân và kiến thức mình tiếp thu được sẽ giúp mình hoàn thành tốt dự án hiện tại, cũng như có thêm nhiều sản phẩm khẳng định được trí tuệ của thế hệ trẻ, đóng góp được nhiều hơn nữa cho xã hội.
Theo Vnexpress