Hơn 3 tuần gắn bó với Xuân Hoà, bên cạnh những người đồng đội đáng yêu và các thầy cô chủ nhiệm luôn hết lòng vì sinh viên, tôi có cơ hội được gặp những người thầy đặc biệt. Đó là những người thầy tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội 2.
Chúng tôi may mắn hơn những sinh viên khoá trước vì được ở hai khu – Trung tâm và Cơ điện. Điều kiện vật chất tốt hơn, phòng ở tiện nghi hơn rất nhiều. Nhớ buổi đầu tiên bước xuống chuyến xe từ Hoà Lạc lên Xuân Hoà, trong khi tôi còn đang loay hoay chưa kịp nhìn xem đây là đâu thì tiếng loa vang lên, tất cả sinh viên tay đang xách vali, vai đang đeo balo đều phải tìm cho mình một chỗ đứng, hàng lối thẳng tắp. Giọng thầy vang và rất nghiêm, khiến chúng tôi ai cũng sợ. Ấn tượng của tôi về người thầy đầu tiên là vậy đó, một người khoác trên mình bộ quân phục, cầm mic và gương mặt nghiêm nghị.
Thầy Sơn – Phó Đại đội trưởng Đại đội 1, là người quản lý chúng tôi hơn một tháng trên Xuân Hoà – khu vực Trung tâm. Những ngày sau, chỉ cần nghe tiếng thầy gọi tên bạn nào đó xuống phòng chỉ huy, hay gọi loa thông báo: “Cho các bạn 5 phút ăn mặc đúng tác phong xuống sân tập trung” là chúng tôi không ai bảo ai, run bần bật. Rồi những buổi kiểm tra nội vụ theo tôn chỉ “một người vi phạm, cả phòng chịu” và “một phòng vi phạm, cả đại đội sẽ xuống tập trung”. Thời gian đầu chúng tôi cảm thấy hơi bất mãn và luôn tự hỏi: “Sao thầy nghiêm quá vậy?”.
Thầy đưa chúng tôi vào cái khuôn khổ giờ giấc mà trước đó tôi và các đồng đội nghĩ, chẳng bao giờ mình có thể làm được. Chăn màn vuông vắn, quần áo gọn gàng, balo sắp đặt đúng cách, giày dép đặt đúng chỗ, phòng ở vệ sinh sạch không bám bụi… Sáng báo thức 5 giờ tập thể dục, thầy đi từng phòng kiểm tra, bạn nào ngủ cố thêm mấy phút là trưa đó phòng đó khổ vì hình phạt của thầy. Những buổi sáng đi học tôi luôn trong tâm trạng thấp thỏm lo lắng, sợ thầy đi kiểm tra nội vụ phòng, chẳng may vi phạm thì ngày hôm đó sống sao. Thầy rất nghiêm khắc trong việc đưa ra hình phạt với sinh viên và tuyệt nhiên “miễn xin xỏ năn nỉ”. Thầy thẳng tay dạy cho chúng tôi nhớ và chẳng có cơ hội tái phạm nữa.
Nhưng đằng sau cánh cửa phòng chỉ huy, khi tay không cầm mic và mặc thường phục, thì thầy lại là người cha, người chú, xem chúng tôi như con cháu trong gia đình. Nhớ hôm đó tôi trực gác sáng, thầy ngồi lại hỏi thăm và chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống, một chút về gia đình thầy. Thầy bảo: “Sau đừng lấy chồng làm quân đội như thầy, vất vả mà khổ lắm. Không có thời gian dành cho gia đình. Thời gian nhiều thầy dành cho sinh viên hết rồi.” Thầy đánh đổi thời gian của gia đình dành cho chúng tôi mà chúng tôi luôn phụ lòng thầy, luôn để thầy nhắc nhở những việc nhỏ nhặt nhất. Giá mà chúng tôi để ý, cẩn thận hơn không để thầy phiền lòng, thầy sẽ có thêm thời gian cho gia đình thầy.
Những sự kiện của sinh viên FPT, thầy luôn hoà mình vào không khí đó, tham gia cùng chúng tôi. Ở buổi giao lưu với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Xuân Hòa, trong vai trò MC, thầy đã khiến cho chúng tôi thay đổi ấn tượng về thầy, thầy vui tính và hài hước. Thầy cười nhiều làm chúng tôi quên luôn lần đầu gặp thầy là như thế nào.
Thầy Hà là Đại đội trưởng Đại đôi 1 – phụ trách các sinh viên Đại học FPT Khu cơ điện.
Nhắc đến những người thầy ở Xuân Hòa, sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến thầy Hà – Đại đội trưởng Đại đội 1, người quản lý sinh viên bên Cơ điện. Thầy Hà cũng giống thầy Sơn vậy: vô cùng nghiêm khắc. Nhưng mỗi khi có dịp tham gia các hoạt động cùng sinh viên, thầy luôn hết mình cùng chúng tôi. Đêm Trung thu, thầy không quên gọi loa thông báo :“Còn 5 phút nữa đến giờ đi ngủ, các em quẩy lên đi.” Đó là cách thầy dạy chúng tôi, học hết mình, chơi cũng nhiệt tình. Trong buổi học đường lối chính trị, thầy thường chia sẻ cho chúng tôi về những trải nghiệm của chính bản thân, về thời chiến tranh loạn lạc, về những câu chuyện vui thời lính.
Và chúng tôi đã dần trưởng thành như thế qua những bài học các thầy dạy, qua những hình phạt giữa trưa nắng hay đêm muộn….
Chúng em cảm ơn các thầy
Cảm ơn “kỳ nghỉ” Xuân Hoà đáng nhớ
Cảm ơn những đứa bạn cùng phòng
Kỷ niệm này sẽ chẳng bao giờ phai.
Hà Đặng