Vũ Hải Ninh, cựu sinh viên khóa 2 ngành Kỹ thuật phần mềm – Đại học FPT đã chia sẻ những câu chuyện trong hành trình khởi nghiệp của mình, từ một chàng trai tay trắng…tới một kỹ sư phần mềm với những dự án khởi nghiệp táo bạo
Dám ước mơ, dám chấp nhận thất bại
Như nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp, chàng sinh viên Vũ Hải Ninh lựa chọn sự an toàn là trở thành kỹ sư phần mềm cho một công ty của Úc đặt tại Việt Nam. Công việc phù hợp với chuyên môn được học và mức thu nhập ổn định, song vẫn có điều gì đó khiến Hải Ninh cảm thấy “có lỗi” với những ước mơ còn dang dở của mình. Vốn ấp ủ dự định khởi nghiệp từ lâu và mong muốn có thể đem những sản phẩm do chính mình làm ra đến với nhiều người, một năm sau, Hải Ninh quyết định xin nghỉ việc, làm lại từ đầu.
Từ hai bàn tay trắng, chàng kỹ sư trẻ chấp nhận làm lại để xây dựng nên thương hiệu của riêng mình. Những mặt hàng của Ninh hồi đó là dịch vụ IT, phần mềm và thậm chí là… “bán quần áo”. Ý tưởng thì có nhiều, sự đầu tư cũng đáng kể nhưng kế hoạch đầu tiên của Hải Ninh vẫn thất bại. Bởi lẽ thị trường tại Việt Nam dành cho những mặt hàng này vào thời điểm đó còn rất hạn chế, cộng thêm bản thân Ninh chưa có kinh nghiệm và môi trường để học hỏi, cọ xát. Và thất bại đầu tiên đã khiến Hải Ninh nhận ra quá trình khởi nghiệp không phải là con đường trải toàn hoa hồng, mà là một chặng đường đầy gian nan thử thách.
Làm lại ở quê hương của Nokia
Sau khi thất bại, đã có lúc nản chí và thử chuyển hướng sang những công việc khác, nhưng Hải Ninh nhận ra “nếu cái gì không phải là sở trường hay điểm mạnh của mình thì rất khó để có thể làm tốt ”. Năm 2013, Hải Ninh đến Phần Lan học International Bussiness và làm việc tại một công ty phần mềm chuyên về marketing để học hỏi thêm những kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đồng thời không nguôi ý định “phục thù” dự án khởi nghiệp thất bại.
Nhờ quá trình được đào tạo bài bản để trở thành một kỹ sư phần mềm ở Việt Nam, lại thêm sự tìm tòi và học hỏi nghiêm túc, con đường khởi nghiệp dần trở nên sáng sủa hơn với anh bạn này. Dự án gần đây nhất của Ninh là thiết kế ứng dụng survey Svipk dành cho các khách hàng ở Phần Lan. Đây là một trong những quốc gia phát triển mạnh trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Tuy nhiên không chỉ là bởi rào cản về ngôn ngữ, với 5 triệu dân, việc đưa sản phẩm ra thị trường tại Phần Lan cũng có rất nhiều hạn chế. Để giải quyết điểm khó này, Hải Ninh đã hợp tác với người bản địa để phát triển sản phẩm, đồng thời tham gia các hội thảo để mở rộng những mối quan hệ hợp tác của mình.
Mang sản phẩm tới thung lũng Silicon để tiếp thị
Hai năm trước, Ninh “bắt tay” với CEO của một công ty ở Mỹ để xây dựng nên mạng xã hội Riffiti (http://riffiti.com). Với điểm khác biệt là trao đổi trò chuyện qua video, Riffiti ra đời với mong muốn làm tăng khả năng tương tác, tăng tính tin cậy và trách nhiệm giữa con người với nhau trên mạng xã hội. Sau 8 tháng, hiện nay Riffiti có có khoảng 2000 User đang sử dụng truy cập hàng ngày và khoảng hơn 4000 video được đăng tải.
Mặc dù đã gặt hái được một số thành công nhưng Hải Ninh vẫn khiêm tốn tự nhận mình vẫn chưa làm được gì nhiều. “Nếu tự nhận có lẽ mình chỉ 3/10 trên thang điểm thành công mà thôi”- Hải Ninh hóm hỉnh.Vừa qua, Ninh cũng đã có chuyến đi tới Silicon Valley để giới thiệu ứng dụng Svipk với Parc- một trong những công ty tiên phong của Xerok đi đầu về nền tảng công nghệ và ứng dụng. Sản phẩm đã được chính Parc sử dụng trong seminar mới nhất gần đây.
Bên cạnh đó, Hải Ninh cũng đã có cuộc gặp gỡ với lứa anh chị đi trước- những người đang làm việc và thành công tại Google. Sau chuyến đi tới Thung lũng Silicon, chàng cựu sinh viên ĐH FPT chia sẻ đã được học hỏi thêm rất nhiều điều trong kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm bán hàng và ấp ủ thêm nhiều dự án mới.
Mong muốn xây dựng cộng đồng khởi nghiệp cho các bạn trẻ Việt Nam
Đánh giá về cơ hội khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ Việt Nam, Ninh cho rằng: “Cơ hội hiện nay là rất lớn. Bởi tại Việt Nam đang có rất nhiều chính sách, tổ chức hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực IT. Nếu có sự kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước thì cơ hội đem sản phẩm đến với mọi người càng cao hơn nữa.”
Theo Hải Ninh, start up chỉ thực sự thành công khi không chỉ hoàn thiện được những mục tiêu trước mắt, mà về lâu dài sản phẩm của mình còn phải đem lại giá trị cho xã hội. Với suy nghĩ đó, Hải Ninh ấp ủ xây dựng được một cộng đồng khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ Việt Nam- nơi các bạn có thể chia sẻ trao đổi những kinh nghiệm start-up và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Đây sẽ là mục tiêu lâu dài và khó khăn. Tuy nhiên với sự đam mê, kiên trì, tinh thần không ngừng học hỏi và một đội vững mạnh, Hải Ninh tin tưởng giấc mơ đó sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Chia sẻ về những dự định sắp tới, Hải Ninh cho biết :“Mình sẽ tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng, phát triển mạng lưới users, mở rộng vùng ngôn ngữ và xây dựng các chiến lược để mang Riffiti đến gần hơn nữa với mọi người”.
Theo SVVN
Năm 2014, cùng với hai người bạn của mình, nhóm của Ninh đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tốc độ tại Phần Lan, với ý tưởng “Survey in Pocket”- một ứng dụng web giúp tạo các survey đẹp và hiện đại trên điện thoại thông minh.