Cựu sinh viên FPT đón Tết nơi xứ người

Tết Nguyên đán là dịp để mọi người, mọi gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau đón một mùa xuân mới; trao cho nhau những lời cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc. Thế nhưng mùa xuân năm nay rất nhiều cựu sinh viên Đại học FPT sắp sửa đón Tết online và mừng năm mới ở xứ người.

Nguyễn Thành Đạt – cựu sinh viên khóa I, ngành Kỹ thuật phần mềm, hiện đang theo học chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị hệ thống thông tin tại trường Đại học Tổng hợp Massachusetts là một trong số đó. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai đầu quân cho FPT Software Đà Nẵng ở vị trí Team Leader của Bu 38 – FSU 17. Đầu năm 2013, Đạt sang Mỹ học thạc sỹ và đến tết này anh đón cái tết thứ ba xa quê nhà. Đạt chia sẻ: “Tết âm lịch trùng với thời điểm bắt đầu học kỳ mới ở Mỹ nên không thể về ăn Tết được”. Hội Sinh viên Việt Nam tại Mỹ hàng năm cũng có tổ chức chương trình đón Tết với những món ăn truyền thống, các trò chơi dân gian v.v… nhưng cũng không thể khỏa lấp được nỗi buồn, nỗi nhớ nhà khi không được đoàn tụ cùng gia đình trong những phút giây chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. “Cứ đến đêm 30 là mình phải “ăn tết” với gia đình qua Skype, xem Táo quân một mình. Nhiều lúc chỉ muốn có cánh cửa thần kỳ của Doreamon để ngay lập tức về nhà với gia đình và người yêu” – Đạt tâm sự.

Vũ Hải Ninh – cựu sinh viên khóa II, ngành kỹ thuật phần mềm hiện đang làm Thạc sỹ chuyên ngành International Business tại Phần Lan cũng có “thâm niên” 3 năm ăn tết xứ người. Ninh cho biết: “Năm đầu tiên cũng cảm giác nhớ nhà, đặc biệt là các món ăn truyền thống. Ở Phần Lan người ta không đón tết âm lịch. Việc học và việc làm cuốn mình vào guồng quay nên cũng dần quen đi”. Cựu Cóc vàng này cũng đang bắt đầu khởi nghiệp bằng những dự án start-up với người bạn học từ thời Đại học FPT.

Đang là kỹ sư cầu nối (BrSE) onsite cho một dự án với khách hàng Ricoh IT Solution tại Nhật Bản, cựu sinh viên khóa I ngành Kỹ thuật phần mềm Nguyễn Đức Sơn cho biết: “Tết thì không được nghỉ, vẫn phải đi làm bình thường. Nhưng buổi tối hay cuối tuần, các anh em onsite cùng tụ tập lại liên hoan đón năm mới. Người nhà có gửi bánh chưng, giò sang nên mọi người vẫn cảm nhận được đầy đủ hương vị của Tết Việt”. Đến ngày mùng một, dù bận đến mấy, Sơn vẫn tranh thủ gọi điện, về chúc Tết bố mẹ.“Những lúc đó, nhiều khi có cả họ hàng đến nhà chơi nhìn qua video call cảm thấy nhớ nhà vô cùng”. Khi được hỏi về kế hoạch tết năm nay, Sơn chia sẻ: “Năm nay công việc khá bận rộn, đội offshore ở nhà lại nghỉ tết nên nhiều khả năng mọi người cũng không thể tổ chức đón giao thừa được”.

Với Trịnh Trung Anh, một cựu sinh viên khóa II khác, thì Tết năm nay khá đặc biệt vì anh sẽ cùng mừng năm mới bên cạnh “bà xã” ở New Zealand . Trung Anh dí dỏm chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, mình đi onsite tại Đức và đón năm mới ở đây. Lúc đó cũng không thấy buồn lắm vì được trải nghiệm Tết ở một nơi hoàn toàn mới nhưng năm nay lại có cảm giác nhớ nhà nhiều hơn vì vợ mình nhớ nhà làm mình cũng nhớ theo.”

Tham gia chương trình trao đổi ở nước ngoài, sinh viên Đại học FPT đã tự tạo thêm cơ hội cho bản thân mình được bước đến một miền đất mới,
Ai đã từng xa nhà vào dịp Tết mới có thể hiểu được nỗi lòng của những người con Việt Nam xa quê mỗi độ xuân về. Vào dịp này cũng đang có rất nhiều các cựu sinh viên Đại học FPT đang học tập và làm việc tại nước ngoài chung niềm tâm sự đó. Tuy nhiên, các bạn đều cho biết nhờ các mạng xã hội như Facebook, Skyke, Hangout … mà khoảng cách như được rút ngắn lại, nỗi nhớ nhà cũng nhờ đó vơi đi.

Theo thống kê của Đại học FPT, hiện nay có 15% sinh viên Đại học FPT đã và đang làm việc hoặc học tập ở nước ngoài. Với chuyên môn tốt, kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ nổi bật; sinh viên Đại học FPT sẵn sàng làm việc ở và hội nhập bất kỳ đâu trên thế giới. Trong tương lai, hy vọng sẽ có thêm nhiều thế hệ sinh viên FPT sẵn sàng đón Tết từ khắp nơi trên quả địa cầu như thế này để trí tuệ Việt được theo chân các bạn ngày một bay xa.