Nguồn nhân lực chất lương cao, nhất là sinh viên năm 3, 4 hoặc mới tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng tốt đang được nhiều doanh nghiệp săn đón.
Trường ĐH FPT vừa tổ chức “Ngày hội việc làm – FPT Career Fair 2023” kết nối trực tuyến tại 3 cơ sở: TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP HCM. Sự kiện thu hút khoảng 10.000 SV trực tiếp tham gia và hàng chục ngàn SV tham gia trực tuyến. Hơn 70 DN có mặt tại ngày hội mang đến hàng ngàn cơ hội việc làm trong những lĩnh vực như: công nghệ, viễn thông, tài chính, ngân hàng, du lịch, khách sạn… Ngoài được trải nghiệm những hoạt động hữu ích như trao đổi với các chuyên gia về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các DN trong từng lĩnh vực ngành nghề, tại ngày hội SV còn gặp gỡ các cựu SV thành đạt trong công việc, được tư vấn định hướng cách làm hồ sơ, kỹ năng phỏng vấn…
Chủ động đào tạo nguồn nhân lực
Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), hiện nhu cầu của doanh nghiệp (DN) tuyển dụng nhân sự đã qua đào tạo chiếm 86,92%, trong đó trình độ ĐH trở lên chiếm 20,17%; CĐ 18,91%; trung cấp 27,42% và sơ cấp 20,42%. Để giải bài toán nhân sự chất lượng cao, nhiều DN đã nhắm vào nguồn lao động trẻ là sinh viên (SV) năm 3, 4 hoặc vừa tốt nghiệp tại các trường ĐH, CĐ.
Săn đón ứng viên tiềm năng
Để mở rộng kinh doanh, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện đang cần tuyển 200 kỹ sư, cử nhân không yêu cầu kinh nghiệm, tốt nghiệp các chuyên ngành (kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật dầu khí).
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC, cho biết ngoài kiến thức chuyên ngành, ứng viên chỉ cần có chứng chỉ TOEIC (550 trở lên), thành thạo vi tính văn phòng là có thể ứng tuyển. Nếu trúng tuyển, ngoài thu nhập từ 13-15 triệu đồng/tháng (chưa tính phụ cấp), người lao động còn có cơ hội phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn ở nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệu, Trưởng Phòng tuyển dụng Công ty TNHH Kuehne + Nagel Việt Nam (quận 1, TP HCM) – đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và các giải pháp liên quan đến chuỗi cung ứng, cho hay công ty thường xuyên thiếu nhân sự ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Để ổn định nhân sự, hằng năm công ty tuyển từ 30-40 thực tập sinh để bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và dự trữ nguồn nhân lực kế thừa. Sau khi vượt qua 2 vòng phỏng vấn, SV sẽ làm việc toàn thời gian trong vòng 3 tháng đến 1 năm, có hỗ trợ phụ cấp tùy từng vị trí công việc. “Thời gian đầu, SV sẽ được giao những công việc đơn giản, khi thành thạo sẽ đảm trách nhiệm vụ phức tạp hơn. SV thể hiện tốt trong quá trình thực tập sẽ được giữ lại làm việc” – bà Diệu nói.
Tăng cường hợp tác nhà trường – doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện có lực lượng lao động dồi dào với trên 3/4 dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia thị trường lao động, song chất lượng nguồn nhân lực không cao.
TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc FALMI, đánh giá với sự thay đổi không ngừng của nền kinh tế cũng như của thị trường lao động, việc các DN chưa tìm được nhân sự đáp ứng nhu cầu trong khi nhiều lao động khó tìm kiếm việc làm là tình trạng dễ xảy ra. Trong đó, có sự chênh lệch về kỳ vọng giữa NLĐ và DN; NLĐ thiếu kỹ năng, kinh nghiệm; môi trường và phúc lợi của DN không phù hợp với NLĐ; nhu cầu đăng tuyển chưa rộng rãi; DN yêu cầu quá cao hoặc quy trình tuyển dụng quá dài… chính là những lý do dẫn đến việc không đồng đều giữa cung – cầu lao động.
“Hiện nhiều DN trong tình trạng thiếu lao động có trình độ và kỹ năng, nhưng tại nhiều nơi NLĐ có trình độ cao phải làm việc trong lĩnh vực không đúng chuyên môn. Đây là một sự lãng phí chất xám của thị trường lao động” – TS Vân nói.
Hiện tại, FPT đang có quan hệ hợp tác với hơn 400 doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, mang đến nhiều cơ hội tham quan doanh nghiệp, thực tập và làm việc ngay khi còn ngồi trên giảng đường với vô vàn cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Tại Trường ĐH FPT, 100% SV được tham gia thực tập tại các DN trước khi ra trường để không bỡ ngỡ khi đi làm.
Theo Người Lao Động