Thiết kế vi mạch bán dẫn

Tổng quan:

Thiết kế Vi mạch Bán dẫn là ngành học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để phục vụ cho ngành công nghiệp công nghệ cao (hi-tech industry). Vi mạch Bán dẫn, hay còn gọi là IC (Integrated Circuit), là thành phần cơ bản và không thể thiếu trong hầu hết các thiết bị điện tử hiện nay, từ điện thoại di động, máy tính, ô tô cho đến các thiết bị công nghiệp và y tế.

Vi mạch Bán dẫn được xem là “trái tim” của các thiết bị điện tử bởi nó quyết định đến hiệu năng, khả năng tiết kiệm năng lượng và các tính năng vượt trội của sản phẩm. Nhờ có các tiến bộ trong công nghệ thiết kế vi mạch, các thiết bị điện tử ngày càng trở nên nhỏ gọn, nhanh hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện đại.

Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là trụ cột của nền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, ngành lại đang gặp phải sự thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành Thiết kế vi mạch đang cần khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư Thiết kế vi mạch cần thêm 12.000 – 15.000 kỹ sư.

Triển vọng nghề nghiệp:

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế vi mạch tại trường Đại học FPT có thể lựa chọn cho mình những công việc như:

  • Kỹ sư thiết kế kiến trúc mạch (mạch số, tương tự, hỗn hợp, etc.)
  • Kỹ sư phân tích, đánh giá thiết kế;
  • Chuyên viên mô phỏng, kiểm chứng thiết kế sử dụng công cụ chuyên dụng;
  • Kỹ sư xây dựng tài liệu đặc tả (spec), tư vấn phát triển quy trình thiết kế;
  • Tiếp tục các chương trình học tập sau đại học;
  • Khởi nghiệp.

Đào tạo khác biệt:

01 Kế thừa thế mạnh công nghệ từ Tập đoàn FPT

Chuyên ngành Thiết kế Vi mạch Bán dẫn là một chương trình đào tạo tiên tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường công nghệ hiện đại. Chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng thực hành chuyên sâu, nhằm chuẩn bị cho sinh viên những năng lực cần thiết để trở thành những kỹ sư vi mạch hàng đầu.

Trường Đại học FPT xây dựng mô hình đưa sinh viên Vi mạch Bán dẫn ra nước ngoài làm việc bằng cách phối hợp nguồn lực có sẵn của Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT và các công ty thuộc Tập đoàn FPT tại hơn 30 quốc gia. Thông qua các dự án hợp tác trong Tập đoàn FPT và các công ty công nghệ lớn, sinh viên có cơ hội tiếp cận và làm việc với những công nghệ mới nhất trong ngành thiết kế vi mạch. Từ đó, sinh viên có thể học hỏi, tích lũy và sớm có năng lực đóng góp cho sự phát triển toàn diện của ngành.

Sinh viên sẽ được học tập và thực hành trong các phòng thí nghiệm tiên tiến, được trang bị đầy đủ các công cụ và thiết bị thiết kế vi mạch hiện đại nhất.

02 Phát triển toàn diện

Với giáo trình chuẩn quốc tế và môi trường học tập chú trọng phát triển cá nhân, đa dạng cơ hội trải nghiệm quốc tế và chương trình đào tạo trong doanh nghiệp, Trường Đại học FPT cung cấp cho sinh viên chuyên ngành Thiết kế Vi mạch Bán dẫn kiến thức toàn diện và kỹ năng cần thiết để thành công trong thế giới công nghệ ngày nay.

Đồng thời, sinh viên được rèn luyện kỹ năng mềm và ngoại ngữ thông qua hàng trăm hoạt động học thuật, văn – thể – mỹ hàng năm, các môn học kỹ năng mềm trong chương trình chính khóa và thành thạo sử dụng hai ngoại ngữ trong học tập và phát triển công việc.

03 Học cùng chuyên gia và doanh nghiệp đồng hành

Đội ngũ giảng viên không chỉ là những nhà khoa học, kỹ sư có trình độ cao mà còn có kinh nghiệm thực tiễn dày dặn trong ngành. Ngoài ra, Trường Đại học FPT lên kế hoạch hợp tác với nhiều trường đại học tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để thiết kế chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo. Đây là hai trong bốn thị trường dẫn đầu về chip và bán dẫn toàn cầu, gồm: Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đồng thời, Trường Đại học FPT kết hợp với các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp Vi mạch bán dẫn để cung cấp nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ từ ngắn hạn 6 tháng, hai năm đến các chương trình đào tạo nâng cao, văn bằng hai, cao đẳng, đại học, sau đại học.

Chương trình đào tạo:

Chương trình học gồm 9 học kỳ, mỗi năm 3 học kỳ.

HỌC KỲ NĂNG LỰC ĐẦU RA
Nền tảng Sinh viên thông thạo kỹ năng đọc hiểu giáo trình Tiếng Anh. Đồng thời, được rèn luyện thể chất, phát triển cá nhân toàn diện, có kỹ năng học tập hiệu quả bậc đại học.
Học kỳ 1 Kiến thức cơ bản về nguyên lý thiết bị bán dẫn, cơ sở lập trình, toán học ứng dụng trong kỹ thuật, kiến trúc và tổ chức máy tính.
Học kỳ 2 Mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn thông qua các môn học về kỹ thuật mạch, hệ điều hành, mạng máy tính. Đây là giai đoạn quan trọng giúp sinh viên nắm vững các khái niệm cơ bản và ứng dụng thực tiễn, phát triển toàn diện về cả chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn bị tốt cho các kỳ học kế tiếp.
Học kỳ 3 Sinh viên được học những môn học chuyên sâu, tập trung vào kỹ thuật số, lập trình vi điều khiển và cấu trúc dữ liệu. Ngoài ra, sinh viên sẽ bắt đầu học tiếng Trung cơ bản, giúp mở rộng khả năng giao tiếp và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Học kỳ 4 Tập trung vào các môn học chuyên sâu và thực hành, giúp sinh viên phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Các môn học trong kỳ này bao gồm Lập trình FPGA, Dự án thiết kế mạch, Kỹ thuật đo lường và điều khiển,…. Sinh viên tiếp tục học tiếng Trung cơ bản, nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và mở rộng khả năng giao tiếp.
Học kỳ 5 Sinh viên sẽ được giới thiệu về quy trình thiết kế vi mạch, nắm bắt kiến thức về hệ điều hành Linux và phần mềm mã nguồn mở. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ học các kỹ thuật xử lý tín hiệu số và tìm hiểu về nguyên lý, công nghệ truyền thông số và không dây. Cuối cùng, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về phương pháp và quy trình phát triển phần mềm.
Học kỳ 6 Sinh viên được đào tạo qua dự án thực tế trong nước và quốc tế tại FPT Software hoặc các công ty phần mềm trong và ngoài nước là đối tác của Đại học FPT đồng thời được trang bị kiến thức, kỹ năng về Quản trị dự án.
Học kỳ 7 Cung cấp những kiến thức chuyên sâu liên quan đến quy trình thiết kế và phân tích các mạch tích hợp số, các nguyên lý và kỹ thuật thiết kế mạch tích hợp tương tự, kiến thức về mô phỏng và kiểm tra các mạch tích hợp,… Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp và Kỹ năng viết học thuật, cho phép sinh viên trình bày và báo cáo nghiên cứu một cách chuyên nghiệp.
Học kỳ 8 Sinh viên tập trung vào việc hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn. Ở học kỳ này, sinh viên sẽ học Tối ưu hóa và tổng hợp IC, Thiết kế mạch tích hợp tín hiệu hỗn hợp và thực hiện Dự án thiết kế IC từ ý tưởng đến hoàn thành. Ngoài ra, các môn Triết học Mác-Lênin và Kinh tế chính trị Mác-Lênin sẽ giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc về triết học và kinh tế chính trị.
Học kỳ 9 Là học kỳ cuối cùng, sinh viên tập trung vào việc hoàn thành đồ án tốt nghiệp và học các môn lý luận chính trị. Với Đồ án tốt nghiệp, sinh viên cần áp dụng toàn bộ kiến thức và kỹ năng đã học vào một dự án thực tế. Học kỳ này đánh dấu sự kết thúc chương trình học, chuẩn bị cho sinh viên bước vào con đường sự nghiệp và đóng góp cho xã hội.