Giảng viên nhạc cụ dân tộc của Trường Đại học FPT mang tiếng đàn Bầu ra thế giới 

Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc dân tộc, thầy Nguyễn Hoàng Linh, giảng viên Nhạc cụ dân tộc tại Trường Đại học FPT đã mang tiếng đàn bầu đến gần hơn với sinh viên và góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam với quốc tế. 

 Người thầy tận tâm với âm nhạc truyền thống

Thầy Nguyễn Hoàng Linh, giảng viên nhạc cụ dân tộc tại Trường Đại học FPT được biết đến là một người thầy có niềm đam mê lớn lao với âm nhạc truyền thống và nỗ lực không ngừng để đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với sinh viên và cộng đồng. Thầy thường xuyên kết hợp âm thanh đặc trưng của đàn Bầu cùng các bài hát thịnh hành để tạo nên những bản nhạc vừa gần gũi, vừa mới mẻ. Thầy chia sẻ: “Mục tiêu của tôi là giúp các bạn trẻ cảm nhận được sự gần gũi của âm nhạc truyền thống, để họ hiểu rằng âm nhạc dân tộc không phải là cái gì quá xa lạ mà chính là một phần trong cuộc sống thường ngày. Sự hào hứng, niềm vui và sự đam mê mà các em thể hiện trong mỗi giờ học chính là động lực lớn nhất để tôi không ngừng tìm kiếm những phương thức sáng tạo hơn trong việc truyền tải âm nhạc”. 

Giảng viên nhạc cụ dân tộc của Trường Đại học FPT mang tiếng đàn Bầu ra thế giới
Thầy Linh (áo xanh) và cô Kim Yến trong chuyến lưu diễn tại UAE.

Đối với thầy Linh, đàn Bầu không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần, mà là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thầy coi đàn Bầu như một cầu nối giữa các thế hệ, nối liền quá khứ với hiện tại và là sợi dây gắn kết Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hơn 20 năm trong nghề, thầy Linh vẫn luôn duy trì một niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc dân tộc, không ngừng tìm kiếm những cơ hội để đưa tiếng đàn Bầu vươn xa ra thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh âm nhạc dân tộc Việt Nam trên thế giới.

Hành trình mang tiếng đàn Bầu ra thế giới

Tháng 10/2024, thầy Hoàng Linh và cô Kim Yến (giảng viên Nhạc cụ dân tộc, Trường Đại học FPT) được Đại sứ quán Việt Nam tại UAE mời biểu diễn tại một sự kiện trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới các Vương quốc Ả Rập thống nhất. Đây là một trong những buổi trình diễn mà thầy Linh cảm thấy tự hào nhất khi truyền tải được âm nhạc truyền thống Việt Nam ra với thế giới.

Thầy Linh và cô Kim Yến đã trình diễn những tiết mục dân ca nổi tiếng như Bèo dạt mây trôiTrống cơm, đồng thời hòa tấu nhạc phẩm Hello Việt Nam với sự kết hợp của bốn nhạc cụ truyền thống: đàn bầu, đàn tranh, đàn T’rưng và đàn tứ. huyến công tác này yêu cầu thầy Linh cùng cô Yến phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc lựa chọn bài hát, trang phục đến bố cục màn trình diễn. Buổi biểu diễn đã nhận được sự hửng ứng nồng nhiệt từ các kiều bào Việt Nam và khách quốc tế. Thầy Linh chia sẻ thêm: “Các kiều bào Việt Nam khi nghe những giai điệu dân tộc vang lên tại UAE đã rất xúc động, còn các vị khách quốc tế thì bất ngờ và thích thú trước sự độc đáo của các nhạc cụ Việt Nam. Chúng tôi cũng đã có dịp chia sẻ về các loại nhạc cụ này và cách sử dụng chúng”. 

Giảng viên nhạc cụ dân tộc của Trường Đại học FPT mang tiếng đàn Bầu ra thế giới
Thầy Linh hướng dẫn học sinh chơi đàn Bầu trong dự án “Đưa nhạc cụ dân tộc đến các trường THPT” năm 2024.

Chuyến đi này đã để lại trong lòng thầy Linh những kỷ niệm khó quên. Thầy bày tỏ: “Khi đứng trên sân khấu sự kiện, tôi rất xúc động và tự hào. Xúc động vì vinh dự được đại diện biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc tại sự kiện quốc tế, trước toàn thể đại biểu và người dân nước bạn. Tự hào vì mình là người Việt Nam, vì nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam”. 

Thầy Linh tin rằng âm nhạc dân tộc sẽ luôn là chiếc cầu nối giữa các thế hệ và giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Thầy luôn mang trong tim lời nhắn nhủ: “Quanh năm trải nghiệm vươn xa, Tết để trở về nhà”, và với thầy, cây đàn Bầu là “ngôi nhà” mà thầy sẽ gắn bó để tiếp tục lan tỏa âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

Mỹ Linh