Đó là chia sẻ của một người cha với con trai của mình khi cậu gặp khó khăn được kể lại trong ngày Lễ tốt nghiệp. Những chia sẻ của ông khiến nhiều người không khỏi xúc động khi được nghe lại hành trình 4 năm dài đồng hành cùng con ở Trường Đại học FPT.
Bài phát biểu đầy xúc động của ông Bùi Ngọc Khanh, phụ huynh Bùi Ngọc Viễn – cựu sinh viên Trường Đại học FPT hiện đang công tác tại Công ty Asto system (Nhật Bản).
Đầu tiên, xin cho tôi gửi lời chào trân trọng đến BGH Nhà trường, quý giảng viên và toàn thể các em tân khoa. Hôm nay, tôi cảm thấy rất vinh dự khi có mặt ở đây, trong buổi lễ tốt nghiệp đầy trang trọng này. Đồng thời, là một người cha, tôi vô cùng tự hào khi được đứng bên cạnh con trai mình trong thời khắc quan trọng của một đời người.
Hôm nay, tôi chỉ muốn được chia sẻ với tất cả mọi người một câu truyện của chính bản thân mình. Câu chuyện về những bất ngờ. Câu chuyện bắt đầu cách đây 4 năm. Khi ấy, tôi nhận được tin báo con mình đã đậu vào một trường Đại học công lập danh tiếng, chuyên ngành CNTT với một số điểm khá cao. Vậy là cùng với Đại học FPT, con trai tôi đã đậu đến 2 trường đại học.
Như bao người cha khác, với tôi đó là một niềm tự hào vô cùng to lớn. Thế nhưng, niềm vui ấy không được bao lâu thì tôi lại gặp phải một vấn đề đau đầu. Những tưởng rằng, hiển nhiên Viễn sẽ vào trường đại học công lập với danh tiếng lâu năm. Nhưng thật không thể ngờ, Viễn nằng nặc đòi theo học Đại học FPT, một ngôi trường trẻ, chỉ vừa mới xuất hiện. Hãy thử tưởng tượng, khi ấy, trong đầu tôi là một bảng so sánh với rất nhiều tiêu chí: danh tiếng, uy tín, sự lâu đời, học phí… Và lúc đó với tôi, trường đại học công lập kia chiếm ưu thế hơn hẳn. Đem tất cả mọi thứ lên bàn cân và phân tích cho con trai thấy, Viễn chỉ trả lời: “Con muốn học Đại học FPT. Con tin là FPT sẽ mang đến một môi trường mới”. Sau bao nhiêu đêm tranh luận, đôi khi là cãi vã, một người nông dân như tôi đành tin tưởng vào lựa chọn của con trai mình.
Sau khi đóng học phí cho học kì đầu tiên, tôi mãi băn khoăn vì không thấy con mình xin tiền mua sách. Tôi hỏi thì Viễn bảo rằng: con không cần mua sách, toàn bộ sách là trường cho mượn. Tôi chột dạ hỏi lại: “Sách photo hả con?”. Viễn nói: “Trường cho con mượn sách gốc, toàn bộ giáo trình chúng con học là đồ nhập hết, mọi thứ đều bằng tiếng Anh”. “Thế giáo trình bằng tiếng Anh thì con có học được không?”. Viễn trả lời: “Cũng may là giáo viên còn giảng bằng tiếng Việt ba ạ”.
Sau này tôi mới nhận ra rằng, con trai tôi tra cứu hầu hết mọi thứ trên mạng bằng tiếng Anh, hoàn toàn ngược lại với thằng con trai thứ 2. Bản thân Viễn cũng đôi lần kể với tôi như thế này: “Ba ạ, buồn cười không chịu được, mấy bạn con học CNTT ở trường khác toàn tra Google bằng tiếng Việt, tra cứu như thế thì bao giờ mới ra”.
Sau đó khoảng 2 năm, con trai thứ 2 của tôi cũng bước vào đại học. Một lần, trong bữa cơm gia đình, thằng em tức tối kể rằng, sau kỳ thi học kỳ, nó bị nhập nhầm điểm, liên hệ với Phòng Đào tạo để được giúp đỡ, nó chỉ nhận được những lời nói đầy thái độ, thiếu trách nhiệm mà cuối cùng vẫn đành phải học lại một môn. Thằng anh cảm thấy tức thay cho thằng em cao giọng nói rằng: “Ở trường anh, có chuyện gì trục trặc thì chỉ việc viết mail. Quá đáng lắm thì ngồi nói chuyện trực tiếp với Trưởng phòng Đào tạo”. Vậy mới thấy rằng, môi trường ở FPT quả thật dân chủ.
Thời gian trôi qua, rồi cũng đến khi Viễn đi thực tập dù chương trình học vẫn chưa kết thúc. Suốt 8 tháng thực tập con tôi gầy đi rất nhiều. Viễn thường đi làm đến gần 9 giờ tối mới về đến nhà. Hỏi thăm thì Viễn chỉ bảo: “Con ghét ông sếp của con, mọi sự cố gắng của con ông ấy chẳng coi ra gì cả”. Tôi đáp lại: “Vậy là tốt rồi đấy con ạ, còn hơn người ta thực tập rót nước bưng trà”. Nói vậy, nhưng trong bụng tôi thầm nghĩ, con trai mình giờ cũng đã hiểu được khó khăn của môi trường thực tiễn.
Thấm thoát, 4 năm Đại học cũng gần kết thúc. Để ra trường, Viễn và các bạn phải làm một đồ án tốt nghiệp trong vòng 4 tháng. Ngay từ đầu, tôi thấy sự không thoải mái của Viễn vì Nhà trường không cho phép tự chọn thành viên nhóm, mà tất cả phải theo sắp xếp của Nhà trường. Viễn phải làm việc với những sinh viên mà trước đây chưa hề làm việc chung. Suốt thời gian thực hiện đồ án, tôi thấy con gặp nhiều xích mích với các thành viên trong nhóm. Càng về cuối, tần suất của những cuộc tranh luận càng tăng. Có lần Viễn nói với tôi rằng: “Con không muốn làm đồ án nữa, đâu phải nhất thiết có bằng đại học thì mới có việc làm”. Tôi chỉ trả lời: “Ba không cho phép con trai ba bỏ cuộc giữa chừng”. Viễn không nói gì, nhưng dường như sau đó, con trai tôi đã tìm được cách làm việc hài hòa hơn với nhóm để có được một kết quả cao trong buổi bảo vệ đồ án. Chắc chắn rằng, đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp vừa rồi, con trai tôi và các bạn của nó đã trưởng thành hơn rất nhiều trong công tác làm việc đội nhóm.
Vậy là 4 năm học tập của con trai tôi ở Trường Đại học FPT đã kết thúc. Với tất cả những tiến bộ, trưởng thành mà con tôi đạt được, tôi vô cùng biết ơn quý thầy cô giảng viên và Nhà trường.
Xin chân thành cám ơn!