Bảng xếp hạng SchoolRank cho học sinh biết thứ hạng về học bạ và điểm thi THPT

SchoolRank là một bảng xếp hạng độc lập, cho học sinh biết mình xếp thứ bao nhiêu về học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc.

SchoolRank là công cụ do Trường ĐH FPT phát triển. Đây là công cụ tra cứu xếp hạng học tập đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam. Công cụ được phát triển dựa trên phương pháp luận ATAR của Úc áp dụng cho học sinh phổ thông Việt Nam.

Trường ĐH FPT dùng công cụ này đặt ngưỡng chất lượng nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào năm 2020. Tuy nhiên, mọi học sinh đều có thể sử dụng bảng xếp hạng này miễn phí để tự đánh giá năng lực.

SchoolRank xếp hạng học bạ và xếp hạng kết quả thi THPT dựa trên nguồn số liệu quốc gia về học bạ và kết quả thi THPT. Sử dụng bảng xếp hạng này, thí sinh sẽ biết được mình đứng thứ bao nhiêu toàn quốc về học bạ hay điểm thi THPT.

Trước khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể nhập điểm tổng kết 9 môn học cơ bản trong chương trình học tập của lớp 11 và lớp 12 (học kỳ 1). Điểm số của mỗi cá nhân sẽ được tham chiếu dựa trên phổ điểm của học sinh THPT toàn quốc, được thống kê và dự báo trên cơ sở số liệu 5 năm từ năm 2015 tới năm 2019.

Sau khi có điểm thi THPT quốc gia, học sinh cần nhập điểm 6 môn thi. Bảng xếp hạng sẽ dựa trên điểm số thi của tất cả các thí sinh.

TS Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT Hà Nội, cho hay: “SchoolRank đánh giá học sinh toàn diện chứ không chỉ tập trung vào điểm trung bình cộng, học lực khá giỏi. Phương pháp luận của SchoolRank chú trọng đánh giá người học có định hướng. Ví dụ những em có điểm trung bình là 8.0, trong đó điểm toán là 9, các điểm còn lại có thể thấp hơn thì vẫn được đánh giá cao. Bởi vì SchoolRank hiểu em này có thiên hướng môn tự nhiên và phù hợp với ngành nào”.

SchoolRank cũng tính đến sự chênh lệch về điểm học bạ giữa các địa phương. Năm nay SchoolRank đã có số liệu để tinh chỉnh hệ số chênh lệch giữa các địa phương, dao động từ 0,85 đến 1,13.

“Chúng tôi phải tính tới chuyện chất lượng học bạ của các địa phương không đồng đều. Có nơi học lực học sinh thấp, thầy cô thương trò có nâng điểm. Nên điểm 8 của một học sinh ở tỉnh A có thể không thể bằng điểm 8 của một học sinh học ở địa phương có chất lượng giáo dục tốt hơn”, TS Lê Trường Tùng nói.

TS Lê Đông Phương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Việt Nam (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – Bộ Giáo dục và đào tạo), đánh giá về cách làm bảng xếp hạng SchoolRank: “FPT sử dụng big data là công cụ để chọn cái gì đáng tin cậy, trên nền đó đưa ra quyết định. Đây là cách làm khoa học, có căn cứ và có độ tin cậy”.

Theo TTO