Sinh viên trường F phát triển phần mềm chống “ăn cắp chất xám” trong học đường

Nhìn nhận việc đạo văn và ăn cắp ý tưởng trong nghiên cứu khoa học là một vấn đề lớn, nhóm SV đến từ ĐH FPT Hà Nội đã tự tay phát triển phần mềm phát hiện đạo văn và nhận được sự chú ý trong kỳ bảo vệ đồ án diễn ra vào ngày 06/05 vừa qua.

Nhóm SV gồm Lê Anh Đức, Nguyễn Thế Trường Giang, Trần Quốc Thịnh, Nguyễn Đức Kiên và Lê Trung Kiên (chuyên ngành Information System – ĐH FPT Hà Nội) đã cùng nhau phát triển một Web Application mang tên “Plagiarism Checking System” (“Hệ thống kiểm tra đạo văn”) nhằm phát hiện những trường hợp sao chép các thuật ngữ/ công trình nghiên cứu dưới dạng trích dẫn không ghi nguồn hoặc ăn cắp ý tưởng nghiên cứu và tái cấu trúc lại câu từ.

Nhóm SV được chú ý với sản phẩm chống lại tiêu cực trong học đường

Nhóm chia sẻ: “Hiện tại trên thế giới đã có rất nhiều phần mềm giúp phát hiện việc đạo văn, tuy nhiên chi phí để các trường ĐH mua và sử dụng các phần mềm này một cách công nghiệp là rất cao, có thể lên đến 6 con số 0. Hơn nữa, các phần mềm này có thể kiểm tra được việc đạo văn từ các tài liệu nước ngoài, đặc biệt là tài liệu tiếng Anh, nhưng sẽ hạn chế đối với tài liệu tiếng Việt và gần như vô hiệu đối với việc SV trong cùng một trường ăn cắp ý tưởng và đạo văn của nhau. Vậy nên, bọn mình đã đi đến ý tưởng phát triển một phần mềm phát hiện đạo văn gần gũi hơn, thân thiện hơn với môi  trường ĐH ở Việt Nam để giải quyết vấn đề này”.

Trên thế giới đã có nhiều phần mềm kiểm tra đạo văn, tuy nhiên nhóm SV tin rằng đồ án của mình sẽ mang đến một giải pháp thiết thực cho môi trường học đường ở Việt Nam

Nhờ có sự kết hợp với các ứng dụng quản lý lớp học Google API, mà cụ thể là Google Classroom và Google Drive, “Hệ thống kiểm tra đạo văn” của nhóm SV ĐH FPT Hà Nội được đánh giá là theo sát giải quyết được vấn đề đạo văn giữa các SV cùng trường, giúp các giáo viên, giảng viên các trường ĐH tiết kiệm được thời gian và công sức trong việc phát hiện các trường hợp “ăn cắp chất xám” trong lớp, trong trường.

Nhóm SV cho biết, ứng dụng của nhóm tập trung giải quyết vấn nạn đạo văn trong một trường Đại học thay vì “cạnh tranh” tính năng với các phần mềm phát hiện đạo văn khác

Tuy còn nhiều hạn chế trong việc xử lý các đầu vào phức tạp nhưng đồ án “Hệ thống kiểm tra đạo văn” của nhóm SV ĐH FPT Hà Nội đã được ghi nhận nhờ tinh thần chống lại tiêu cực trong học đường. Nhóm SV cho biết, trong thời gian tới, nhóm sẽ cải thiện phần source code và bổ sung các tính năng, công nghệ mới, để sản phẩm trở nên hoàn thiện hơn, sát với nhu cầu thực tế của các thầy cô giáo hơn, và mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm vào sử dụng rộng rãi trong trường ĐH FPT nói riêng và các trường ĐH khác tại Việt Nam nói chung.

Từ ngày 04 – 07/5/2021, sinh viên Đại học FPT Hà Nội sẽ bắt đầu tham gia Kỳ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp học kỳ Spring 2021 tại Hòa Lạc. Đợt bảo vệ có sự góp mặt của gần 300 sinh viên và 74 đề tài khóa luận thuộc 8 ngành/chuyên ngành Khoa học máy tính, Thiết kế đồ họa, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Nhật, An toàn thông tin, Tài chính ngân hàng; Tài chính doanh nghiệp, Kỹ thuật phần mềm, Marketing; Bizplan.

Theo FPT Edu