Vòng 1 cuộc thi FPT Edu Biz Talent 2020 đang dần bước vào giai đoạn nước rút. Vậy các đội thi sẽ cần lưu ý những gì để có thể khiến ý tưởng của mình trở nên nổi bật và gây ấn tượng với Ban giám khảo? Hãy cùng xem ngay những bí kíp được Top 10 của FPT Edu Biz Talent 2018 chia sẻ dưới đây.
Shufu (FPTU TP. HCM)
Đánh giá đề thi của FPT Edu Biz Talent năm nay tương đối khó nhưng lại là cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo, những sự đột phá mạnh mẽ, cô bạn Đoàn Kim Loan đến từ đội Shufu của FPTU TP.HCM khẳng định việc tìm đồng đội là yếu tố quan trọng nhất: “Để xây dựng một ý tưởng kinh doanh tốt, các bạn cần một team ăn ý với những thế mạnh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, không nhất thiết tất cả các thành viên đều phải học Kinh tế.”
Kim Loan nhớ lại, việc xây dựng ý tưởng và video dự thi của nhóm mình năm ngoái diễn ra khá dễ dàng vì chỉ cần áp dụng các kiến thức đã học và rèn luyện trên trường vào ý tưởng khởi nghiệp của nhóm là đủ. “Cái này chắc phải cảm ơn các thầy cô giảng viên đã cho mình thực hành rất nhiều nên tụi mình nắm khá chắc kiến thức.” – Kim Loan chia sẻ.
Ngoài ra, cô bạn cũng không quên gửi lời chúc tới các đội thi năm nay sẽ có những ý tưởng bứt phá để được cùng nhau hội ngộ tại campus Hòa Lạc xinh đẹp và có những trải nghiệm tuyệt vời cùng FPT Edu Biz Talent 2020.
Go Fun (Cao đẳng quốc tế BTEC)
Với ý tưởng về một nền tảng du lịch giúp người dùng có thể lên lịch trình cụ thể cho chuyến đi, kết nối với các hướng dẫn viên địa phương, Go Fun, đến từ Cao đẳng quốc tế BTEC, là một trong những cái tên đáng gờm của FPT Edu Biz Talent năm 2018. Chia sẻ về bí kíp đưa ý tưởng vượt qua vòng loại, trưởng nhóm Đỗ Hồng Sơn cho biết: “Theo kinh nghiệm của mình, ý tưởng của các bạn phải thực sự giải quyết một vấn đề nào đó cho khách hàng. Bởi lẽ nhiều đề án nghe có vẻ hay, nhưng thật ra lại không thiết thực, không tạo ra được nguồn lợi nhuận trên thực tế.”
Theo Sơn, trước khi bắt tay vào làm, các bạn sinh viên nên đặt mình vào vị trí của khách hàng và tự đặt ra câu hỏi: “Liệu mình sẽ trả tiền cho sản phẩm/dịch vụ đó hay không?”. “Đừng bán thứ mà người ta không cần.” Sơn đúc kết.
Ngoài ra, Hồng Sơn cũng chia sẻ kinh nghiệm khi dựng video tham gia dự thi FPT Edu Biz Talent rằng không cần quá tập trung vào việc phải tạo ra một video với nhiều hiệu ứng bắt mắt, kỹ thuật quay dựng chuyên nghiệp: “Hình thức giản dị một chút cũng không sao vì nội dung của đề án và cách trình bày mới là thứ Ban giám khảo đánh giá cao nhất.” chàng sinh viên BTEC cho hay.
3A1L (FPT Skillking)
Gây ấn tượng mạnh mẽ với Ban giám khảo FPT Edu Biz Talent 2018 bằng ý tưởng dịch vụ Telesales thuê ngoài cho doanh nghiệp E-Telesales độc đáo, không bất ngờ khi nhóm 3A1L đến từ FPT Skillking đã xuất sắc lọt top 10 cuộc thi. Kim Anh – một thành viên của nhóm chia sẻ: “Chúng mình “bén duyên” với ý tưởng này khi làm đồ án cuối kỳ 2 tại trường FPT Skillking. Đươc sự dẫn dắt của giảng viên hướng dẫn, chúng mình may mắn lọt top 10 của cuộc thi FPT Edu Biz Talent 2018.
Kim Anh chia sẻ, khi xây dựng ý tưởng, nhóm gặp khó khăn lớn nhất là lên kế hoạch chốt sale sao cho phù hợp với các ngành nghề của doanh nghiệp. Kế hoạch phải hiệu quả nhất, đảm bảo mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và không đơn thuần là sale theo kịch bản rập khuôn.
“Tên dự án của chúng mình là E-Telesales, E trong từ emotion (cảm xúc), E-Telesales mang lại dịch vụ sale bằng cảm xúc, nhiệt tình hỗ trợ khách hàng của doanh nghiệp. Đây chính là điểm khác biệt của chính mình so với các đối thủ trên thị trường và là mấu chốt để chúng mình lọt vào Top 10 năm đó. Thế nên, kinh nghiệm của chúng mình chỉ đơn giản là tạo ra sự khác biệt. “Khác biệt hay bị đào thải” – Kim Anh cho biết.
Kim Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm đến các thí sinh FPT Edu Biz Talent 2020 rằng kế hoạch kinh doanh cần ngắn gọn, súc tích vì không ai muốn đọc một bản kế hoạch kinh doanh dài dòng, lan man. “Nếu bạn đủ hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh của mình và đam mê với nó, việc viết ra một kế hoạch kinh doanh sẽ không khó khăn như bạn tưởng.” nữ sinh này nói thêm.
SKYLAB (ĐH Greenwich (Việt Nam)
SKYLAB là một trong những cái tên ấn tượng nhất tại FPT Edu Biz Talent 2018. Với ý tưởng kinh doanh về Co-working space, SKYLAB đã xuất sắc ghi danh vào Top 10 cuộc thi. Chia sẻ về kinh nghiệm “chinh chiến”, trưởng nhóm Nguyễn Quốc Bảo cho biết: “Mình có một lợi thế là đã tham gia khá nhiều cuộc thi của FPT Edu nên cũng không quá lạ lẫm với format chương trình. Điều khó khăn nhất của chúng mình là làm sao giúp ý tưởng sát sao với thực tế nhất có thể. Vậy nên, mình nghĩ các bạn thí sinh năm nay nên nghiên cứu, tìm hiểu thị trường kỹ càng, không đưa ý tưởng một cách chung chung. Nếu chưa tìm được ý tưởng thì các bạn có thể chú ý đến các lĩnh vực như Thương mại điện tử, Y tế,…
“Ngoài ra, kinh nghiệm xương máu của mình chính là cần có tinh thần học hỏi, cầu tiến. Hãy luôn lắng nghe mentors và đồng đội. Hãy “tận dụng” tối đa mentors của các bạn vì không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội được các chuyên gia đồng hành và giúp đỡ như thế đâu. Và đặc biệt là đừng bao giờ “gánh team”. Tham gia một cuộc thi như FPT Edu Biz Talent thì tinh thần team-work rất quan trọng.” Quốc Bảo chia sẻ.
SKYLAB gây ấn tượng với việc thực hiện video dự thi chỉ trong vòng vỏn vẹn 2 ngày bao gồm cả việc lên kịch bản, quay, dựng. Chia sẻ về điều này, Quốc Bảo cho biết: “Theo mình các bạn nên thực hiện video dưới 5 phút vì không ai muốn xem một video quá dài. Chưa kể nói càng nhiều, càng dễ lộ ra nhiều khuyết điểm. 30 giây đầu tiên là cơ hội để các bạn gây ấn tượng với Ban giám khảo nên hãy mở đầu bằng số liệu, những nghiên cứu cụ thể chứng minh tiềm năng của ý tưởng. Đừng chỉ nói thao thao bất tuyệt về ý tưởng mà hãy dùng con số để chứng minh.”
Đúng là để “vượt ải” vòng 1 của FPT Edu Biz Talent 2020 các đội thi cũng cần chuẩn bị và đầu tư rất nhiều công sức. Với những bí kíp từ các đội thi xuất sắc của FPT Edu Biz Talent mùa đầu, hy vọng bạn sẽ có thêm cảm hứng để xây dựng những ý tưởng kinh doanh thú vị. Vì tuổi trẻ là không chờ đợi. Hẹn gặp lại các bạn tại FPT Edu Biz Talent 2020 nhé!
Theo FPT Edu