Nhiều HS lớp 12 coi các group luyện thi như “lớp học tại nhà” nơi dễ dàng trao đổi những băn khoăn xung quanh việc ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi THPT 2020. Tuy vậy, HS cũng nên lựa chọn group có độ tin cậy cao để việc ôn tập có hiệu quả.
Để phòng tránh lây lan Covid-19, ngay sau nghỉ Tết học sinh cả nước đã chuyển đổi hình thức sang học trực tuyến. Trong đó, học sinh lớp 12 có lẽ là những người “ngồi trên đống lửa” hơn cả khi kỳ thi THPT 2020 đang đến gần, việc học kiến thức mới, ôn tập kiến thức cũ cần được gấp rút tiến hành. Mỗi bạn chọn một cách riêng để tiếp cận các bài giảng hiệu quả qua máy tính kết nối Internet, truyền hình hoặc tài liệu tham khảo. Điểm yếu của các hình thức này có lẽ là ít có sự tương tác giữa người học với bạn bè, thầy cô hoặc những người có kinh nghiệm về kỳ thi THPT.
Tận dụng ưu thế kết nối, tương tác và sự phổ biến của mạng xã hội, nhiều hội nhóm (group) luyện thi THPT đã ra đời với mục đích tạo ra “lớp học ảo” nơi thí sinh có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm ôn tập, thi cử với bạn bè, thầy cô. Các group này nhanh chóng được lớp 12 đang học trực tuyến tại nhà hào hứng tham gia. Mỹ Loan (Hà Đông, Hà Nội) tham gia nhiều nhóm ôn thi trên mạng xã hội: Ôn thi các môn KHTN, ôn thi các môn KHXH, ôn tiếng Anh, ôn vào trường ĐH ngành Ngôn ngữ Nhật, ĐH FPT – là ngành và trường mà Loan thích.
Một bài viết chia sẻ mẫu đề trong group “Săn học bổng ĐH FPT 2020” được khá nhiều tương tác
Cô bạn thường chia sẻ các bài tập khó lên group và nhờ “comment” cách giải hoặc hỏi kinh nghiệm như “Mọi năm thi Lịch sử hay ra câu hỏi vào phần nào nhỉ?”… Theo Loan, các group này đông thành viên nên câu hỏi của cô bạn thường có người vào comment ngay. “Mỗi người một ý, một cách giải khác nhau nên mình có nhiều sự tham khảo, lựa chọn cách giải hay và dễ hiểu. Nếu chưa hiểu, mình hỏi lại, các bạn trong group cũng tận tình hướng dẫn, dễ hơn việc tự đọc hoặc tự nghiên cứu, có thắc mắc cũng không biết hỏi ai.” Loan nói.
Cùng như Loan, Hồng Dương (quận 3, TP. HCM) cũng là thành viên tích cực của vài nhóm ôn thi trên Facebook. Dương chia sẻ lần đầu biết đến các nhóm này qua một người bạn. “Sau đó, mình cứ được Facebook tự giới thiệu các nhóm tương tự. Bạn bè mình lại add mình vào thêm các nhóm khác, riết rồi không nhớ đang ở trong bao nhiêu nhóm nữa.” Dương nói.
Dương thích nhất group “săn học bổng ĐH FPT”. “Năm nay, mình có nguyện vọng vào ĐH FPT, ngành Kỹ thuật phần mềm. Trường đẹp mê li, học tiếng Anh, tiếng Nhật lại có nhiều hoạt động sinh viên. Tìm hiểu thêm, mình mới biết trường còn có nhiều suất học bổng từ 50 – 100% nhưng phải thi mới được.” Dương cho biết. Cậu gia nhập group, mong muốn được chia sẻ về cấu trúc đề, một số đề mẫu để “luyện” tại nhà và hỏi han kinh nghiệm của các anh chị sinh viên từng giành học bổng cao.
Nam sinh cho biết: “Mình có thể biết được cấu trúc đề, căn thời gian làm đề hết bao lâu, còn hổng kiến thức chỗ nào để ôn tập thêm. Sau đó, group cũng đăng đáp án để mình tự chấm điểm. Nói chuyện với các anh chị sinh viên ĐH FPT trong group còn giúp mình hiểu thêm về trường, về ngành Kỹ thuật phần mềm để khẳng định mình hợp với nó hay không. Cách này vừa gặp được người thật việc thật lại rất tiện lợi.”
Ôn thi qua các group là một cách tiện lợi, hữu ích trong giai đoạn hiện nay nhưng thí sinh cần lưu ý lựa chọn các group tin cậy
Cả Loan và Dương đều chia sẻ, học là một phần, quan trọng hơn, khi vào các group này, các bạn có cơ hội trò chuyện, chia sẻ đôi khi là cả kết bạn với những người bạn đang cùng chung tâm trạng “lo lắng khi kỳ thi THPT sắp tới”. Điều đó giúp các sĩ tử phần nào giải toả căng thẳng, có thêm động lực tự học và ôn tập trong điều kiện đặc biệt như mùa thi năm nay. “Anh chị sinh viên ĐH FPT bảo, không chỉ phát học bổng, trường còn phát gấu nữa cơ làm mình cười quá trời. Các anh chị vui tính ghê nhưng nghe câu đó mình cũng có thêm chút động lực.” Dương nói.
Tuy ôn tập qua các group trên mạng xã hội khá thú vị và hữu ích nhưng các sĩ tử cũng cần lựa chọn group tin cậy. Không thiếu các group lôi kéo thành viên bằng các tài liệu hay ban đầu nhưng sau đó “lộ mặt” là các nhóm chuyên quảng cáo, bán hàng, liên tục spam các nội dung không liên quan đến thi cử thậm chí cả những nội dung “đen” để câu view, câu like kiếm lời. Sa đà vào các group đó, thí sinh không những không thu được kiến thức mà còn nhiều khả năng bị lôi kéo vào những thông tin xấu trên mạng xã hội. Một số group khác, chưa đến mức spam thông tin nhưng đưa thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến kiến thức và tâm lý sĩ tử.
“Một lần, mình giải bài tập theo cách trên group luyện thi, nhưng khi gửi đến thầy, thầy nhận xét cách này không khoa học. Sau đó, thầy đã hướng dẫn mình cách giải khác để đảm bảo “ăn” điểm tối đa”, Dương chia sẻ kinh nghiệm. Theo Dương, các thành viên trong group luyện thi phần lớn là sĩ tử lớp 12 hoặc một vài anh chị đại học năm 1, năm 2 có kinh nghiệm ôn tập nhưng không phải ai cũng có kiến thức sâu và chắc. “Học ôn trên group cũng tốt nhưng mình vẫn nên đối chiếu lại với sách hoặc nếu được thì hỏi thầy cô giáo cho chính xác.” Dương nói thêm.
Sự phát triển mạnh mẽ của các group ôn thi trên mạng xã hội thời gian gần đây cho thấy nhu cầu học tập, tương tác của thí sinh là rất lớn. Không thể phủ nhận mặt tích cực của các hội nhóm này, tới kiến thức và tâm lý học sinh lớp 12 trong điều kiện học trực tuyến. Tuy nhiên, giống như tất cả các thông tin trên mạng, sĩ tử cần sáng suốt lựa chọn những group uy tín, thông tin chính xác hoặc có sự kiểm tra lại trước khi tin dùng.
Theo Dân Trí