Nghiên cứu về nạn bắt nạt học đường Nhật đồng thời cũng là hiện tượng có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, hai sinh viên ngành Ngôn Ngữ Nhật – Đại học FPT thuộc Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) cảnh tỉnh: “Trường học chưa chắc là nơi an toàn nhất”.
Những năm trở lại đây, thông tin về những vụ thầy cô giáo bạo hành học sinh, bạn bè trong trường lớp bắt nạt lẫn nhau liên tiếp được báo chí, truyền thông phanh phui, khiến dư luận xã hội bức xúc. Tuy nhiên, để hiểu sâu về vấn nạn này tại Việt Nam, cần có sự nghiên cứu và đối sánh với một số quốc gia trong khu vực, điển hình là Nhật Bản – đất nước đối mặt với vấn nạn này hàng chục năm nay.
Nạn bắt nạt đã trở nên khá phổ biến ở các trường học Nhật Bản. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật Bản, có tới 40% số trường học đã ghi nhận các vụ bắt nạt. Đây là con số không thể tưởng tượng được khi các bậc phụ huynh đều tin tưởng: Trường học là nơi an toàn nhất, lành mạnh nhất dành cho sự phát triển của con em mình.
Tại Nhật Bản, những nạn nhân của nạn bắt nạt học đường thường là những học sinh bị cô lập. Khi các em bị tách biệt khỏi các bạn xung quanh, các em mất phương hướng và không còn cảm thấy mình thuộc về một phần xã hội, tập thể nào nữa. Kinh khủng hơn, có những học sinh không còn cảm thấy mình được đối xử như một con người.
Nói về vấn đề này, thầy Fukuda (Giảng viên tiếng Nhật, Đại học FPT) cho hay: “Xã hội Nhật Bản là xã hội đi theo số đông. Vì vậy, khi một người bị tách biệt khỏi đám đông, người đó rất khó được chấp nhận. Những hành động xấu như cô lập, bắt nạt xảy ra trong trường học một phần cũng xuất phát từ đặc điểm này. Ở Nhật, vấn nạn bắt nạt diễn biến âm ỉ dưới những hình thức khác nhau, có những trường hợp phức tạp đến mức các thầy cô và bạn bè của người bị bắt nạt cũng không hề nhận ra”.
Theo nghiên cứu của nhóm sinh viên, cả học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 đều chịu những tổn thương về tâm lý khi bị bắt nạt ở mức độ nặng hay nhẹ.
Tại Việt Nam, hàng loạt vụ bạo hành thể chất, tinh thần học sinh tại các cơ sở giáo dục trên cả nước đã xảy ra trong năm 2018. Thực chất, những năm trước đó, nạn bắt nạt vẫn luôn tồn tại. Tuy nhiên, chỉ đến khi những đoạn video, hình ảnh, về nạn bắt nạt được lan truyền nhanh chóng theo sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều người mới thực sự chú ý đến. Câu chuyện về học sinh lớp 5 tại Bình Dương phải cắt khúc ruột hoại tử vì nuốt 9 viên bi sắt hay đoạn băng nữ sinh phổ thông đánh bạn tàn bạo “như phim võ lâm” đã thực sự khiến cư dân mạng đau xót và bức xúc.
Có thể thấy, vấn nạn này đang xảy ra ở đủ các độ tuổi, không kể hoàn cảnh và vị trí địa lý. Theo nghiên cứu trong khoá luận tốt nghiệp của nhóm sinh viên Đại học FPT, những học sinh bị bắt nạt tại Nhật Bản đa phần là học sinh tiểu học. Thế nhưng tại Việt Nam thì ngược lại, nạn bắt nạt xảy ra phổ biến hơn ở lứa tuổi học sinh phổ thông.
Những hành vi bắt nạt diễn ra dưới hình thức gây gổ, đánh nhau hặc khó phát giác hơn như dọa dẫm, trấn lột, tẩy chay hay hạ nhục, nói xấu, “bắt nạt trên mạng”… Đây đều là những hành vi mà nhiều người vẫn nghĩ “là chuyện bình thường ở tuổi học trò”. Thế nhưng, khi không có sự quan tâm thích đáng, các nạn nhân áo trắng sẽ rất dễ rơi vào những tổn thương tâm lý khó hàn gắn.
Dù chỉ là khoá luận nghiên cứu cấp sinh viên, nhưng đề tài “Nạn bắt nạt trong trường học ở Nhật Bản” của hai sinh viên FPT Edu đã khiến nhiều người phải suy ngẫm về việc thờ ơ với nạn bắt nạt học đường hay vô tình bao che cho nó. Rất khó để các bậc phụ huynh, giáo viên và nhà trường có thể đưa ra biện pháp ứng phó cụ thể cho tất cả các trường hợp. Tuy nhiên, sự phối hợp để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bắt nạt nói riêng, cũng như các vấn nạn tiềm ẩn trong học đường Việt Nam nói chung là hết sức cần thiết.
Theo Vietnamnet