Đào tạo bằng tiếng Anh và mô hình “bánh kẹp” là hai quyết định then chốt tạo nên một FPT tiên phong trong giáo dục đào tạo ngày nay.
Thành lập từ 2006, Đại học FPT là trường đại học tư nhân đầu tiên tại Việt Nam sinh ra trong lòng doanh nghiệp. Đến nay, Đại học FPT vẫn luôn nhất quán với sứ mệnh được đặt ra ngay từ những ngày đầu, đó là đổi mới giáo dục và “cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu cho đông đảo người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước”.
TS. Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, đã có những chia sẻ với VnExpress về con đường làm giáo dục tiên phong đầy chông gai nhưng cũng gặt hái được không ít “trái ngọt” của tập đoàn.
Cảm hứng tiên phong đến từ xuất khẩu phần mềm
– Là một trong những người đặt nền móng cho Đại học FPT, ông có thể cho biết cảm hứng nào đã đưa một tập đoàn công nghệ mở rộng sang giáo dục?
– Dấu mốc đặt viên gạch đầu tiên cho sự thành lập của Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) là vào năm 1999. Khi đó, tương lai của tập đoàn được đưa ra bàn thảo với hướng đi mới là phải xuất khẩu phần mềm ra thế giới. Để làm được điều này, FPT cần phải có những lập trình viên, kỹ sư CNTT chất lượng, vì vậy, việc phát triển giáo dục là nhu cầu bắt buộc.
Năm 1999, chúng tôi đào tạo nghề CNTT theo giáo trình APTECH Ấn Độ. Bước đi này là hiện tượng đột phá trong giới công nghệ cũng như xã hội Việt Nam lúc đó.
Đến 2006, bắt đầu bước chân vào lĩnh vực đào tạo đại học. Ngay từ ngày đầu anh Trương Gia Bình đã mong muốn xây dựng Đại học FPT trở thành một tên tuổi lớn trong ngành giáo dục Việt Nam. Bởi vậy, mục tiêu xuyên suốt trong các hoạt động phát triển của FPT Edu gói gọn ở hai điểm lớn.
Một là phải đào tạo để học sinh, sinh viên tham gia được cuộc chơi toàn cầu.
Hai là trong cuộc chơi đó FPT Edu không chỉ đóng góp nguồn sinh viên chất lượng, mà còn cần giải quyết bài toán đào tạo cho số đông người học.
Lúc đầu khi anh Bình đặt ra chỉ tiêu đào tạo 50.000 sinh viên, chúng tôi đều nghĩ đây là một con số rất lớn rồi, nhưng sau này xem lại mới nhận thấy để trở thành một siêu đại học (Mega University) thì phải có ít nhất là 100.000 sinh viên. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 có 150.000 sinh viên, trong đó sinh viên nước ngoài chiếm 15%.
– Bây giờ nhìn lại, ông cho rằng những quyết định then chốt nào đã làm nên thương hiệu Đại học FPT ngày hôm nay?
– Quyết định mang tính chất then chốt đầu tiên là mô hình sử dụng tiếng Anh trong giáo dục. Sinh viên vào trường bắt buộc phải học một năm tiếng Anh, sau đó toàn bộ quá trình học đều sử dụng tiếng Anh. Điều này giúp sinh viên FPT tự tin hơn, hòa nhập nhanh trong môi trường làm việc quốc tế, có thể nắm bắt cơ hội sang công tác nước ngoài một cách dễ dàng.
Quyết định thứ hai đó là áp dụng mô hình “bánh kẹp”, gắn liền việc đào tạo với doanh nghiệp. Ở Đại học FPT có 9 học kỳ, trong đó 5 học kỳ ban đầu tập trung cung cấp kiến thức, sau đó các sinh viên sẽ có 1 kỳ đi thực tập tại doanh nghiệp như một nhân viên thực thụ, cảm nhận được toàn bộ trải nghiệm và có trách nhiệm từ việc hoàn thành công việc đúng hạn (ontime delivery), áp lực của các loại báo cáo… Cuối cùng, sinh viên quay về trường học nốt 3 học kỳ còn lại. Lúc này việc học sẽ thực sự hiệu quả bởi sinh viên đã hiểu ngành công nghiệp cần gì cũng như biết được những điểm bản thân còn thiếu sót, từ đó tạo động lực, động cơ học tốt hơn.
Cũng phải nói thêm rằng, lợi thế này có được nhờ việc chúng tôi là trường học trong doanh nghiệp. FPT Edu và FPT Software lúc nào cũng song hành với nhau. FPT Software sẽ là môi trường thuận lợi để các bạn sinh viên làm việc và trải nghiệm.
Đây là yếu tố khác biệt mà ở Việt Nam hiếm trường đại học nào có.
Môi trường khởi nghiệp và quốc tế hóa
– Đại học FPT trang bị cho sinh viên những gì trước hàng loạt sự thay đổi mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại?
– Mỗi sinh viên của trường luôn được học tập và hoạt động trong môi trường rất cởi mở, trẻ trung, sáng tạo và cạnh tranh. Bầu khí quyển trong trường Đại học FPT mà chúng tôi tạo ra giống với môi trường của doanh nghiệp, nơi kết hợp được yếu tố giảng đường và thương trường cùng một lúc.
Chúng tôi “cho ra lò” những lứa thế hệ học trò có tinh thần khởi nghiệp cao một cách tự nhiên mà không cần khiên cưỡng chạy theo phong trào.
Cá nhân tôi cho rằng điều kiện sân chơi lớn thì mới có “tướng lớn”. Trong khả năng có thể, các trường học nên là nơi khơi gợi tố chất, chuẩn bị sẵn sàng cho người học và lý tưởng nhất là tạo nên “những trận đánh giả” đề rèn luyện sinh viên.
Trong trường FPT, chúng tôi có các môn học công nghệ, đào tạo các kỹ năng cần thiết, kỹ năng mềm và môn khởi nghiệp, tinh thần làm việc nhóm. Ngoài ra, chúng tôi có riêng một phòng gọi là PDP (Personality Development Program) – Phụ trách các chương trình phát triển cá nhân. Tất cả những yếu tố trên tổng hợp lại khiến sinh viên được sống trong môi trường giáo dục khởi nghiệp một cách tự nhiên.
– Ông có thể chia sẻ về tinh thần quốc tế hóa trong giáo dục được FPT thực hiện như thế nào?
– “Quốc tế hóa” là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự thành công của một trường đại học trong các bảng xếp hạng giáo dục uy tín quốc tế. Điểm số của mảng này được chấm dựa trên số lượng giảng viên, sinh viên nước ngoài đang công tác và học tập tại trường, và các hợp tác với những trường đại học có uy tín để viết các bài báo quốc tế…
Thực hiện quốc tế hóa rất khó khăn với nhiều trường đại học Việt Nam một phần vì chúng ta không có thương hiệu quốc gia mạnh. Ví dụ, những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… có thương hiệu mạnh nên những trường đại học của họ được hưởng lợi không nhỏ từ danh tiếng quốc gia.
Tuy vậy, đây lại là điều mà Đại học FPT đang làm khá ổn và tự hào là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhất hiện nay. Hiện chúng tôi có giảng viên đến từ hơn 10 quốc gia như Anh, Mỹ, New Zealand, Philippines… Đối với người học, Đại học FPT không chỉ gửi sinh viên đi nước ngoài, mà thu hút sinh viên quốc tế.
Nhiều sinh viên nước ngoài đến Đại học FPT học tập thực sự, không phải để trao đổi ngắn hạn, cũng như chỉ để lấy bằng “Tiếng Việt”, mà là lấy bằng về Công nghệ Thông tin, Quản trị Kinh doanh… Còn số lượng sinh viên quốc tế sang trao đổi ngắn hạn, dài hạn năm 2017 đạt khoảng 500.
Kiên định con đường hiện đại hóa giáo dục
– Theo quan điểm của ông, Đại học FPT đã có những đóng góp gì cho nền giáo dục Việt Nam?
– Trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, sinh viên của hệ thống trường công chiếm khoảng 86%, trường tư chỉ chiếm 14%, và FPT chỉ chiếm một vị trí rất nhỏ trong 14% đó. Tuy vậy, trong suốt những năm qua, trong lĩnh vực giáo dục, Đại học FPT đảm bảo được tinh thần tiên phong mà tập đoàn hướng tới.
Năm 2006, chúng tôi là trường đại học đầu tiên tuyển sinh bằng các đề tự luận mở và tư duy logic. Vài năm sau đó, chúng ta mới thấy các dạng đề thi như thế này trong các đề thi chính thức của Việt Nam.
FPT cũng chú trọng đến việc tìm kiếm và phát hiện tố chất đặc biệt từ người học. Chúng tôi kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy logic, tư duy ngôn ngữ. Các bài thi không có đáp án tuyệt đối về đúng sai, mà thí sinh cần lập luận để bảo vệ ý kiến của mình, thuyết phục hội đồng chấm thi.
Ngoài ra, ngay năm đầu tiên xây dựng trường, chúng tôi không có phòng lab tập trung bởi cả trường chính là một phòng lab lớn. Mỗi sinh viên khi nhập học đều được trang bị một máy tính cá nhân. Toàn bộ hoạt động học tập, thi cử của sinh viên FPT đều diễn ra trên máy tính. Cách đây 12 năm, đây là một cuộc cách mạng trong tư duy dạy và học bởi laptop chưa nhiều và sẵn như bây giờ, wifi công cộng cũng không phổ biến.
Điều này dẫn đến hàng loạt các thách thức trong đào tạo, quản lý, chống gian lận thi cử. Nhưng chúng tôi đã giải bài toán này và duy trì hệ thống dạy học thi cử công nghệ cho đến tận hôm nay.
Trong FPT Edu, ngay từ cấp một các em đã được tăng cường các hoạt động ngoại khóa, thể chất để có tinh thần vui vẻ, ham học, muốn đến trường. Bên cạnh đó là việc chú trọng đào tạo ngoại ngữ và STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ Thuật – Toán học) để tăng khả năng sáng tạo, mày mò công nghệ, tự làm ra các sản phẩm lập trình và khoa học.
Theo VNE