Hồi tưởng lại thời điểm 10 năm trước, khi Ban dự án ĐH FPT xin phép mở trường tư thục từ doanh nghiệp và đòi được thí điểm tự chủ, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ: “Mùa thu năm ấy, ĐH FPT là một điểm chạm của rất nhiều khát vọng, đam mê”.
Lãnh đạo trường Đại học FPT tri ân cố GS. Nguyễn Văn Đạo, PGS. Trần Thị Kim Chi – vợ cố GS thay mặt nhận nghi lễ.
Ngày 10/9/2016, tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, ĐH FPT tổ chức lễ tri ân nhân dịp 10 năm thành lập. Với chủ đề “Tháng 9 – Mùa thu năm ấy”, sự kiện là nơi để ĐH FPT gặp lại và tri ân những người bạn lớn – các lãnh đạo, chuyên gia các ngành khoa học, công nghệ và giáo dục đã hết lòng ủng hộ và đồng hành cùng trường trong chặng đường xin mở trường đại học tư thục từ doanh nghiệp và đấu tranh xin thí điểm tự chủ.
Tại lễ tri ân, hai sáng lập viên của ĐH FPT thời kỳ đầu là TS.Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT đầu tiên của trường và TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng đầu tiên của trường đã cùng các vị khách mời ôn lại những kỷ niệm của thời kỳ đầu nhiều khó khăn thách thức, từ khi FPT có ý tưởng mở rộng phát triển sang lĩnh vực giáo dục vào năm 2003 cho đến giai đoạn Ban dự án thành lập trường ĐH FPT triển khai xây dựng các đề án tiền khả thi để nộp các cơ quan chức năng (tháng 12/2004), dù khi đó Luật Giáo dục của Việt Nam chưa có cơ chế cho phép thành lập trường đại học tư và lại càng chưa có cơ chế để một trường đại học do doanh nghiệp thành lập được ra đời.
TS.Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Đại học FPT (ngoài cùng bên trái) và TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học FPT (bên phải) cùng GS. Hoàng Tụy ôn lại những kỷ niệm trong giai đoạn FPT xin cấp phép thành lập trường đại học tư thục và thí điểm tự chủ.
Sự ra đời của Luật Giáo dục sửa đổi 2005 với thay đổi lớn – cho phép thành lập trường đại học tư thục tại Việt Nam đã như tiếp thêm sức mạnh để nhóm dự án do TS. Trương Gia Bình làm “tư lệnh” và TS.Lê Trường Tùng là thành viên thường trực nỗ lực đẩy nhanh quá trình xin cấp phép thành lập trường đại học tư thục từ doanh nghiệp và đấu tranh để được thí điểm tự chủ.
Đầu năm 2006, sau hơn 2 tháng Luật Giáo dục 2005 có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương thành lập ĐH FPT tại Hà Nội. Sáu tháng sau, vào ngày 8/9/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208 cho phép chính thức thành lập ĐH FPT – trường đại học tư thục đầu tiên do doanh nghiệp thành lập. Giữa tháng 11/2006, với Quyết định số 6767 của Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho ĐH FPT đào tạo ngành Kỹ thuật Phần mềm và công văn của Bộ này cấp cho trường 500 chỉ tiêu tuyển sinh trong số thí sinh đạt điểm sàn trở lên, hành trình đấu tranh đòi được thí điểm tự chủ của ĐH FPT đã đi đến hồi kết. Theo chia sẻ của TS. Lê Trường Tùng, cuối giờ chiều ngày 15/11/2006, các báo đã đồng loạt đưa tin ĐH FPT được tự chủ; đồng thời sự kiện ĐH FPT đòi tự chủ đã được nhiều tổ chức chọn là sự kiện tiêu biểu của năm 2006.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT đầu tiên của Đại học FPT chia sẻ về những dấu mốc khởi đầu của hành trình 10 năm phát triển Đại học FPT.
Tại lễ tri ân ngày 10/9, TS.Trương Gia Bình đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc và bày tỏ lòng biết ơn chân thành với các bậc tiền bối, những ân nhân của ông và trường Đại học FPT như: GS Hoàng Tụy, cố GS Nguyễn Văn Đạo và vợ ông – PGS. Trần Thị Kim Chi, GS Hồ Ngọc Đại, GS Hồ Sỹ Thoảng… “Mùa thu năm ấy, Đại học FPT là một điểm chạm của rất nhiều khát vọng, đam mê. Nếu mùa thu năm ấy là mốc thì có lẽ chúng ta phải lùi lại nhiều năm trước. Phải nói rằng một cách nào đó, các vị tiền bối đều là những người ân nhân của chúng tôi, không phải chỉ vào mùa thu năm 2006 (thời điểm Đại học FPT được Chủ tịch Trương Gia Bình: “Đại học FPT là điểm chạm của khát vọng, đam mê”thành lập – PV) mà từ mùa thu của nhiều năm trước”, ông Bình nói.
Khẳng định bản thân mình đã có cơ hội được học tại một trong những trường tốt nhất trên thế giới, ông Bình cũng cho rằng, mùa thu năm 2006 còn là một “điểm chạm” giữa những sáng lập viên ĐH FPT và các nhà quản lý, chuyên gia để cùng hiểu là Việt Nam rất cần những thanh niên có khát vọng về khoa học, công nghệ và có năng lực để tự học, tự phát triển, tự giải quyết các vấn để của mình. Ông Bình cho biết: “Tuy nhiên, khi đó chúng tôi cũng nhận thấy đang thiếu thốn trường để những thanh niên Việt Nam có khát vọng, có năng lực này phát triển. Chúng tôi đặt ra các câu hỏi Tại sao mình phải ra nước ngoài mới học tập được? Tại sao không phải là người nước ngoài đến Việt Nam học tập? Và chúng tôi thể hiện mong muốn đó trong khuôn khổ trường ĐH FPT”.
Cũng theo chia sẻ của ông Bình, cố GS Nguyễn Văn Đạo chính là người tiên phong ủng hộ, phát biểu hết sức mạnh mẽ, động viên để người FPT có lòng quyết tâm thực hiện việc xin mở trường đại học tư thục: “Giai đoạn đó, anh Đạo đã trực tiếp viết một loạt bài báo bày tỏ quan điểm đại học Việt Nam phải được tiên tiến như tất cả các trường đại học trên thế giới, phải có quyền tự chủ để được dạy theo cách tốt nhất mà trường đại học nghĩ rằng cần phải như vậy”.
Vị Chủ tịch HĐQT đầu tiên của ĐH FPT cũng “bật mí”, công văn của ĐH FPT gửi Bộ GD&ĐT xin được thí điểm tự chủ rất ngắn, chỉ vài dòng, với 3 nội dung trường xin tự chủ gồm: tự chủ về tuyển sinh; tự chủ về chương trình đào tạo; và tự chủ về phương pháp giáo dục.
Chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng và Hiệu trưởng Đại học FPT Đàm Quang Minh cắt bánh kỷ niệm 10 năm thành lập trường.
Trong các bài viết ôn lại những dấu mốc, những kỷ niệm khó phai trong chặng đường xin cấp phép thành lập trường đại học tư thục và thí điểm tự chủ được TS. Lê Trường Tùng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân đúng dịp ĐH FPT tròn 10 tuổi, ông vẫn nhớ mãi những lời dặn dò, nhắn nhủ trường của GS Nguyễn Văn Đạo: “GS Nguyễn Văn Đạo nhắn gửi ĐH FPT không thể là trường đại học thứ 41, tức là không phải thành lập để trở thành trường đại học làng nhàng xếp vào danh sách nối dài của 40 trường đang có”; “ĐH FPT cần có mô hình tín dụng sinh viên hợp lý để với sinh viên sau khi tốt nghiệp thì 5 năm trả hết nợ, 10 năm mua được ô tô và 15 năm mua được nhà”…
Đến nay, sau 10 năm thành lập, từ con số gần 300 sinh viên tuyển được trong kỳ tuyển sinh đầu tiên diễn ra vào cuối năm 2006 đến nay tổng số sinh viên đã và đang theo học tại ĐH FPT lên tới hơn 12.000 người. Đặc biệt, qua 10 năm, ĐH FPT từ vai trò tiên phong đổi mới giáo dục đại học trong nước đã bước sang vai trò trường đại học đi đầu trong phong trào quốc tế hoá. Năm 2012, ĐH FPT trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được tổ chức xếp hạng đại học uy tín của thế giới – QS đánh giá 3 sao, trong đó 2 tiêu chí đào tạo và việc làm của trường được tổ chức QS xếp hạng 5 sao. Theo thống kê, tính đến nay, ĐH FPT đã có khoảng 4.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường, với tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 98% và mức lương bình quân khoảng 8,3 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá cao những kết quả ĐH FPT đạt được, PGS Trần Thị Kim Chi, vợ cố GS Nguyễn Văn Đạo chia sẻ: “Điều mà tôi thấy thấm thía là uy tín của một trường đại học chính là tỷ lệ sinh viên có việc làm cao sau khi ra trường. Tỷ lệ 98% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của ĐH FPT là một con số rất đáng mừng. Chúc ĐH FPT sẽ trở thành trường Havard của Việt Nam”. của ĐH FPT là 1 con số rất đáng mừng. Tôi chúc Đại học FPT sẽ trở thành trường Havard của Việt Nam. Còn GS.Hồ Ngọc Đại bày tỏ mong muốn, sự kỳ vọng ĐH FPT làm được việc đổi mới căn bản giáo dục, xứng đáng là thế hệ mới làm giáo dục.
Cùng ngày 10/9/2016, để kỷ niệm 10 năm thành lập, trong khuôn viên ĐH FPT tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, ĐH FPT cắt băng khánh thành Bảo tàng Truyền thống và công trình bức tường gạch khắc tên 1.000 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Với Bảo tàng Truyền thống, các hình ảnh và những công văn, giấy phép, hiện vật của suốt 10 năm xây dựng và phát triển ĐH FPT đều được trưng bày để tái hiện lại chặng đường phát triển của ngôi trường tư thục đầu tiên do doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam. Công trình vinh danh 1.000 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ĐH FPT đã được kỳ công thực hiện gắn 1.000 viên gạch khắc tên và mã số sinh viên của 1.000 “trái ngọt” đầu tiên. Cả hai công trình đều mang dấu ấn của một thời kỳ Việt Nam nỗ lực đổi mới giáo dục đại học, cả về chính sách từ phía Chính phủ và về tư duy “dám” theo học bằng phương thức mới của phụ huynh và sinh viên.
Theo ICT News