Với sinh viên Đại học FPT, đồ án tốt nghiệp không chỉ để “đóng quyển”, “lưu thư viện” mà còn là bàn đạp để các bạn có thể bắt đầu sự nghiệp.
200 triệu đồng là tổng số vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau dành cho dự án Izee Media Streaming – giải pháp xem video online tính hợp nhiều tính năng trong một của 5 sinh viên Đại học FPT. Điều thú vị là dự án này vốn là một đồ án tốt nghiệp. Cụ thể, Izee Media Streaming sẽ cung cấp những tính năng để người dùng có thể xem video trên mọi thiết bị. Đồng thời, sản phẩm cũng áp dụng công nghệ Cloud Storage để đảm bảo video luôn được tải bằng tốc độ nhanh nhất với hệ thống máy chủ ở cả 3 miền trong các trung tâm dữ liệu Việt Nam.
Với giải pháp tích hợp này, người dùng có thể hoàn toàn yên tâm về độ bảo mật thông tin bởi tất cả dữ liệu khách hàng sẽ được sao lưu bằng công nghệ lưu trữ điện toán đám mây do các đối tác hàng đầu của MemeCloud mang lại. Ngoài ra, Izee cũng được tích hợp những giải pháp truyền thông quảng cáo nhằm phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của người dùng.
Chính bởi những ưu điểm trên, ngay sau khi “ra lò”, sản phẩm đã được nhiều doanh nghiệp đặt hàng và được Cục Thương mại điện tử cho phép sử dụng tại Ngày hội mua sắm tại TP. Hồ Chí Minh. Tổ chức giáo dục Topica – một tổ chức giáo dục trực tuyến uy tín mong muốn ứng dụng sản phẩm để kết nối hình ảnh giữa giáo viên và học sinh trong lớp học online. Bên cạnh đó, trưởng nhóm đồng thời là CEO của Izee – Phan Khánh Tùng cũng có buổi gặp gỡ với Tổng phụ trách của Google Adsense tại Châu Á – Thái Bình Dương trong hội thảo của Netlink để trao đổi về kế hoạch đầu tư cho sản phẩm.
Không đình đám như Izee nhưng đồ án tốt nghiệp mang tên “Phần mềm chấm thi tự động” của nhóm 5 sinh viên Đại học FPT gồm Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Dương Minh, Hoàng Trung Đức và Phạm Minh Hiếu cũng đã nhận được khen thưởng từ trường ĐH FPT nhờ tính hữu dụng và có thể sử dụng luôn trong công việc của trường.
Cụ thể, đồ án của nhóm đã giúp trường tăng hiệu quả và năng suất trong việc chấm bài thi bằng một phần mềm chấm thi tự động với tốc độ 5 giây/bài. Sau khi chấm thi xong, kết quả sẽ được xuất ra file excel. Các lỗi sai trên bài thi cũng được ghi chi tiết trên file. Dựa trên file này, phòng Khảo thí ĐH FPT có thể nhanh chóng thông báo kết quả đến từng sinh viên.
Trưởng nhóm Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ: “Mục tiêu ban đầu của nhóm là phải tạo ra công cụ có độ chính xác và tin cậy ở mức tuyệt đối bởi điểm số sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của sinh viên nên không thể thiếu chính xác và minh bạch. Độ chính xác của phần mềm đạt 100% và đã được các thầy cô đánh giá sau khi cho chạy thử.”
Tính thực tế, khả năng thương mại hóa cao chính là bí quyết để sinh viên Đại học FPT có thể “ra giá” cho những đồ án tốt nghiệp của mình. Có không ít đồ án được doanh nghiệp săn đón ngay sau khi bảo vệ hay trở thành ý tưởng khởi nghiệp của các bạn sinh viên.
Điển hình là sản phẩm máy pha chế đồ uống Barista do nhóm sinh viên Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Lê Thu Hiền, Cao Hoàng Anh, Phùng Tiến Đạt nghiên cứu và phát triển. Máy gồm hai phần chính là phần cứng (máy pha chế) và ứng dụng điều khiển chạy trên hệ điều hành Android. Hai hệ thống kết nối với nhau qua Bluetooth, cho phép người dùng gửi đi yêu cầu pha một loại đồ uống tự chọn hoặc theo công thức có sẵn. “Bạn có thể tùy chọn pha một ly cocktail theo 10 công thức có sẵn trong ứng dụng hoặc sáng tạo loại đồ uống của riêng mình bằng cách hòa trộn tỷ lệ nguyên liệu khác nhau. Thông qua bộ vi xử lý, yêu cầu của người dùng được gửi tới phần cứng”, Thái Dương, thành viên nhóm đồ án cho biết. Sau khi bảo vệ xong, nhóm đã ngay lập tức nhận được lời đề nghị mua sản phẩm từ 1 giảng viên của trường.
Thành công từ những đồ án tốt nghiệp của sinh viên là một điểm nhấn đáng chú ý trong phương pháp đào tạo của ĐH FPT – ngôi trường luôn đề cao tính ứng dụng của tri thức, gắn nội dung giảng dạy với nhu cầu thực tiễn từ thị trường.
Theo Dantri