Kỳ thi học bổng Đại học FPT có dạng đề thi mở, đòi hỏi khả năng tính toán và tư duy logic cao của thí sinh tham gia dự thi. Chính vì thế, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, bạn cần nắm vững từng dạng đề có trong nội dung thi và luyện tập kỹ năng, tips giải quyết từng dạng đề.
Nắm vững dạng đề “trắc nghiệm”
Cụ thể, các bạn cần nắm vững 3 dạng Toán tư duy trong đề thi:
– Dạng 1 – Các bài tính toán & IQ: Các câu hỏi trong dạng tính toán logic và IQ thường liên quan đến các dạng như tìm quy luật, tìm số tiếp theo trong dãy, tìm số khác biệt, chọn hình khác biệt, điền ký tự vào ô trống… Đây là những bài tập thường được sử dụng trong các chương trình đào tạo tư duy khi các bạn còn nhỏ hay trong bài kiểm tra IQ và các cuộc thi trí tuệ.
– Dạng 2 – Câu hỏi có 2 điều kiện: Phần tiếp theo của đề thi trong kỳ thi học bổng là các câu hỏi có 2 dữ kiện. Trong dạng toán này, người ta đưa ra một câu hỏi và hai dữ kiện. Học sinh cần phải xác định xem câu hỏi có thể được trả lời bằng một trong hai dữ kiện, cả hai dữ kiện để trả lời hoặc câu hỏi không thể được trả lời như đề.
– Dạng 3 – Câu hỏi nhóm: Sẽ có một đề bài tình huống, trong đó bao gồm một nhóm các câu hỏi nhỏ từ 3 – 5 câu. Thí sinh sẽ phải đọc thật kỹ những điều kiện đã cho trong đề bài chính để trả lời các câu hỏi nhỏ ở dưới.
Những mẹo làm bài hiệu quả
Đề thi thông thường bao gồm 90 câu. Thời gian làm bài là 120 phút. Thí sinh sẽ làm bài vào tờ phiếu trắc nghiệm cho bài thi Toán tư duy
Khi làm bài nhớ chú trọng thời gian, câu nào khó, đánh dấu, bỏ đó, tí nữa quay lại…. random. Thời gian 120 phút tưởng dài, nhưng phải làm 90 câu, trong 10 ~ 15 tờ giấy thì có lúc làm bạn phát hoảng đấy. Làm thì tốt nhất, làm đến đâu, tô đến đấy, đừng đánh dấu vào đề kẻo đến cuối giờ lại không kịp tô, các giám thị FPT ác lắm, khắt khe từng giây một cơ.
Tùy theo các bạn cảm nhận mà làm phần dễ trước, phần khó sau. Khi mình làm, mình thấy tốc độ làm bài của mình cao nhất khi làm thứ tự Dạng 1 -> Dạng 3 -> Dạng 2.
Gặp các câu khó quá, tất nhiên không được bỏ mà phải sử dụng kĩ năng random như đã nói ở trên. Nhưng trước khi sử dụng kĩ năng này bạn phải khoanh vùng đáp án, đừng dùng linh cảm đáp án đúng mà dựa trên cơ sở của bài toán. Ví dụ đề ra là tính phép tính ((23487+ 23475 – 4324) – 4 ) X 20 thì đừng dại chọn các đáp án là số lẻ, các đáp án không có tận cùng là 0. Sau khi khoanh vùng, chỉ còn 2 hoặc 3 đáp án thì giờ đây việc random sẽ có cơ hội cao hơn. Cách random thì chăc mình không cần phải chia sẻ nhỉ, quay bút, đếm giờ, oản tù tì 2 tay thì cứ sử dụng thoải mái, cái chính là phải nhanh.
Trên đây là một số chia sẻ của anh Vũ Công Thành – sinh viên Khóa 7 Đại học FPT. Chúc các bạn sẽ chuẩn bị thật tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới nhé!
Đừng quên theo dõi Website và Fanpage của trường để cập nhật tin tức mới nhất về SBD, Phòng thi và những thông tin liên quan cho kỳ thi sắp tới nhé.