Hội ngộ tại talkshow “đậm chất FPT” cùng bạn bè, anh chị cán bộ từng gắn bó suốt thời sinh viên, các cựu sinh viên ĐH FPT có dịp “ôn cố tri tân”, cùng chia sẻ về chuyện cuộc sống, công việc và những dự định đang ấp ủ hiện thực hóa ở xứ sở mặt trời mọc.
FED Talk “Người ơi người ở hay về” với chủ đề “Nên ở Nhật Bản hay về Việt Nam” được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 10/9 vừa qua. Chương trình là dịp đặc biệt để hơn 60 cựu sinh viên ĐH FPT hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản, trong đó có những gương mặt đại diện tham gia talkshow với vai trò khách mời như anh Nguyễn Thế Vũ (Giám đốc phát triển tại VTI Japan), anh Trần Đức Trí Quang (Cloud Consultant FPT Japan – FPT Software), anh Tạ Đức Tùng (Giáo sư trợ lý khoa Creative Infomatics, ĐH Tokyo) và anh Phạm Đình Hoàng Anh (Front Software Engineer, FJP) hội ngộ.
Cùng với các cán bộ gắn bó với sinh viên ĐH FPT từ những lứa đầu tiên như chị Phạm Tuyết Hạnh Hà (Trưởng Ban CTHĐ FPT Edu), chị Nguyễn Hà Thành (Trưởng phòng IC – PDP, ĐH FPT campus Hà Nội), chị Vũ Phương Thảo (Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và Cựu SV, ĐH FPT campus Hà Nội), các cựu sinh viên ĐH FPT tại xứ sở mặt trời mọc đã có cơ hội “ôn cố tri tân” với nhiều câu chuyện cảm xúc.
Hành trình đến với cuộc sống, công việc tại Nhật Bản được các cựu sinh viên ĐH FPT chia sẻ, thường đến từ việc tham gia các hoạt động thực tập, học kỳ trao đổi. Văn hóa truyền thống hòa quyện cùng những tiến bộ công nghệ, môi trường, con người, cơ hội phát triển kỹ năng chuyên môn hoặc học tập ở bậc học cao là những điều khiến các cựu sinh viên ĐH FPT muốn ở lại để trải nghiệm cuộc sống tại Nhật Bản.
Trên hành trình đó, các cựu sinh viên ĐH FPT như Thế Vũ, Trí Quang hay Đức Tùng chọn cho mình nhiều lối rẽ khác nhau: người chuyên tâm học tập lên các bậc học cao hơn, làm công tác nghiên cứu, giảng dạy; người phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong các chuyên ngành công nghệ thông tin, kinh tế… Nhưng, dù theo đuổi lĩnh vực nào, các cựu sinh viên ĐH FPT đều có những khó khăn, thuận lợi riêng và không ít người từng băn khoăn: “ở hay về”.
Tại talkshow, bằng những trải nghiệm thực tế của mình, các cựu sinh viên ĐH FPT như Thế Vũ, Trí Quang, Đức Tùng đã chia sẻ nỗi băn khoăn ấy cùng bạn bè. Nhiều kinh nghiệm vượt qua trở ngại, thách thức trong việc hòa nhập với văn hóa, con người Nhật Bản hay kiếm tìm và tạo dựng thành công cho bản thân đã được các cựu sinh viên ĐH FPT cùng nhau chia sẻ. Qua đó, phần nào bức tranh về cuộc sống ở đất nước mặt trời mọc của những cựu sinh viên áo cam đã được khắc họa. Đồng thời, mỗi người tham dự talkshow cũng tìm thấy cho mình sự san sẻ về cảm xúc và những kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm sống hữu ích.
Thông qua việc chia sẻ những câu chuyện khó quên về “thời thanh xuân sôi nổi” tại ĐH FPT, cùng các cán bộ gắn bó nhiều năm với sinh viên và phong trào sinh viên của Trường như chị Hạnh Hà, chị Hà Thành, chị Phương Thảo, các cựu sinh viên ĐH FPT tại Nhật Bản đã đưa ra một số “bí quyết” giúp các bạn bè cùng khóa, các sinh viên khóa sau có thêm kiến thức, kỹ năng hòa nhập với cuộc sống, văn hóa Nhật Bản nếu có ý định học tập, làm việc hoặc định cư tại đây.
Nhân dịp này, chị Phạm Tuyết Hạnh Hà đã trao tặng tài khoản Coursera cho cộng đồng sinh viên ĐH FPT tại Nhật Bản. Hoạt động này nằm trong chính sách cấp tài khoản Coursera cho cựu sinh viên, được ĐH FPT triển khai từ đầu tháng 9/2022. Theo đó, tất cả cựu sinh viên có đăng ký với Trường sẽ được cấp tài khoản, học miễn phí gần 10.000 khóa học hiện có trên nền tảng.
Với tài khoản Coursera được cấp, cựu sinh viên ĐH FPT có thể lựa chọn học tập các khóa kiến thức, kỹ năng phục vụ công việc hiện tại hoặc bồi đắp nền tảng chuẩn bị cho việc học ở các bậc học cao hơn. Trao tặng cựu sinh viên tài khoản học trực tuyến, ĐH FPT mong muốn khuyến khích tinh thần tự học hỏi, tự trau dồi, học tập suốt đời cho không chỉ người học hiện tại mà cả các cựu sinh viên đang sinh sống, làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên lề FED Talk, đại diện ĐH FPT đã tới thăm và làm việc với một số doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với Trường như FPT Japan, VTI Japan, Rikkei Japan, Kaopiz, VMO Japan. Các chuyến thăm và làm việc mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa ĐH FPT và các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo Tổ chức giáo dục FPT