Đại dịch Covid -19 đã làm điêu đứng hoạt động của nhiều ngành nghề, kéo theo loạt công ty phá sản và nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Trong khi đó, công nghệ thông tin trở thành điểm sáng hiếm hoi khi ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong năm 2020.
Cú lội ngược dòng
Nếu coi thị trường chứng khoán là hàn thử biểu thể hiện kỳ vọng của giới đầu tư, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite của Mỹ liên tục phá đỉnh và tăng gấp đôi trong 1 năm qua là minh chứng rõ nét về niềm tin vào triển vọng của các công ty công nghệ.
Không nằm ngoài xu hướng toàn cầu, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu của công ty công nghệ đầu ngành là FPT cũng liên tục thiết lập các mốc đỉnh lịch sử.
Công nghệ lên ngôi trong bối cảnh giãn cách xã hội khiến hàng loạt hoạt động kinh tế-xã hội phải ngưng trệ. Dịch chuyển lên các nền tảng trực tuyến trở thành phương án giải quyết mọi vấn đề. Thay vì các cuộc họp tại văn phòng, hàng loạt công ty gặp gỡ, xử lý công việc online. Hay một chuyện “xưa nay hiếm” với một nền văn hóa Á Đông như Việt Nam là cầu an và công đức trực tuyến cũng được giải quyết qua nền tảng số.
Tuy vậy, đó chỉ là một khía cạnh nhỏ mà “cây đũa thần” công nghệ đem đến trong mùa dịch. Với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu, đầu tư công nghệ là chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển trong và sau Covid-19. Nhu cầu ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra sức bật cho các công ty công nghệ giữa giai đoạn tưởng chừng như khó khăn. Nhờ đó, ngành CNTT đã ngược dòng ngoạn mục trong đại dịch.
Kinh tế thế giới ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,3% trong năm 2020, theo số liệu của World Bank. Dưới tác động của đại dịch, nhiều ngành nghề cũng nằm trong xu hướng tăng trưởng âm như bán lẻ (-5,7%), hàng không (-60,9%).
Trong khi đó, ngành công nghệ đã có sự cải thiện đáng kể vào nửa cuối năm 2020. Theo Gartner, thị trường CNTT thế giới chỉ còn tăng trưởng (-3,2%) trong quý 4, trong khi quý trước đó là (-5,4%). Tổng chi cho công nghệ thông tin toàn cầu năm 2020 ước đạt gần 3.700 tỷ USD.
Việt Nam, với chỉ số GDP 2020 tăng trưởng dương 2,91% bất chấp đại dịch, đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới. Trong đó, ngành CNTT duy trì được đà tăng mặc dù có phần chậm lại so với giai đoạn trước. Ước tính từ công ty chuyên về dữ liệu thị trường và tiêu dùng Statista (Đức), doanh thu dịch vụ CNTT của Việt Nam ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2019 (1,1 tỷ USD). Sang năm 2021, Statista dự báo doanh thu lấy lại đà tăng như thời điểm trước khi đại dịch bùng nổ, con số dự phóng năm nay là hơn 1,18 tỷ USD, và tiếp tục tăng lên 1,43 tỷ USD vào năm 2025.
Thời tới cản không nổi
Triển vòng ngành CNTT thế giới được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc trong năm 2021. IDC – hãng cung cấp dữ liệu thị trường về IT hàng đầu thế giới, dự báo ngành CNTT có thể tăng doanh thu 5.000 tỷ USD trong năm 2021, tương đương mức tăng trưởng 4,2%. Tỷ lệ tăng trưởng kép (CARG) đến năm 2024 khoảng 5%.
Với hoạt động chuyển đổi số, tổ chức này đưa ra ước tính tỷ lệ tăng trưởng kép là 15,5% trong giai đoạn 2020 – 2023 và dự kiến sẽ đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng các chiến lược và đầu tư hiện có với sự trợ giúp của công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai.
Triển vọng hơn, IDC dự báo 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa tới năm 2022. Sang năm 2023, ước tính 75% các tổ chức toàn cầu sẽ có một lộ trình triển khai chuyển đổi số toàn diện, tạo ra một cuộc cách mạng số hóa trong nhiều khía cạnh của doanh nghiệp và xã hội, so với con số hiện tại (2020) là 27%.
Việc hồi phục nhanh của thị trường công nghệ toàn cầu đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Năm 2020, Tập đoàn FPT công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hoạt động chuyển đổi số là 3.219 tỷ đồng, chiếm 19,2% doanh thu mảng công nghệ và tăng 31,2% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu gia tăng trên toàn cầu đối với việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số mới.
Theo các chuyên gia của Chứng khoán BSC, xu hướng chuyển đổi số kỳ vọng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi khách hàng nhận thấy tầm quan trọng của việc số hóa sau dịch Covid-19 (giảm chi phí, tăng hiệu suất,…). Nhu cầu chuyển đổi số tăng cao của khách hàng trên thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp Xuất khẩu phần mềm được hưởng lợi như FPT, CMG…
Trong báo cáo khảo sát mới đây với Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam của Vietnam Report, các doanh nghiệp đồng thuận rằng sẽ tập trung vào 6 ưu tiên chiến lược để vượt qua thách thức tăng trưởng trong thời gian này, đó là: Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro/Lên các kịch bản kinh doanh (81,8%); Tăng năng suất lao động (81,6%); Mở rộng sang các thị trường mới (68,2%); Cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý (63,6%); Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh (54,5%) và Cắt giảm chi phí (50,0%).
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, trong Top7 ngành được 500 doanh nghiệp đánh giá tiềm năng nhất trong ba năm tới, Công nghệ thông tin/Viễn thông dẫn đầu với tỷ lệ 72,7%. Theo sau là các ngành như Công nghiệp sạch; Dược phẩm/Y tế; Vận tải/Logistics; Điện/Năng lượng; Bất động sản/Xây dựng; Nông nghiệp sạch.
Kết quả này thể hiện đúng theo xu hướng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp, đó là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành, Vietnam Report nêu.
Theo Danviet.vn