Triển lãm diễn ra từ ngày 20/10 đến hết ngày 29-10, tại 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, bao gồm 7 nhóm tác phẩm: Tà lụa tương lai, Ai?, Phương, 2050, Bản ngã và đô thị, Nhân phổ do các họa sĩ trẻ và sinh viên ngành mỹ thuật, kiến trúc của các trường đại học tại TPHCM thực hiện. Công trình EGO – Bản ngã và đô thị do nhóm tác giả đến từ Đại học FPT đã xuất sắc đạt giải nhất tại triễn lãm.
‘EGO – Bản ngã và đô thị’ là triển lãm sắp đặt lấy bối cảnh chính là thế giới tiềm thức của con người, nơi phơi bày những áp lực vô hình mà người trẻ trong đô thị hiện đại phải đối mặt. Hệ thống triển lãm bao gồm các nội dung chính: không gian sắp đặt ánh sáng, mô hình điêu khắc, hệ thống tranh minh hoạ kết hợp công nghệ AR (Thực tế tăng cường) và giới thiệu phim hoạt hình 2D ngắn với kỹ thuật trình chiếu projection mapping.
Thế giới Ego bao gồm 4 nhân vật đại diện cho 4 cá thể tiêu biểu ngoài cuộc sống: Hạnh phúc, khiêm tốn, tử tế, mạnh mẽ. Mỗi nhân vật đều khoác trên mình những chiếc mặt nạ tích cực, trái ngược hoàn toàn với nội tâm phức tạp đầy những vết thương và tổn thất.
Khiêm tốn là một học sinh thông minh và có suy nghĩ khác biệt. Tuy nhiên, trong một tập thể nhiều những cá thể không khác biệt, anh ta tự kiềm hãm bản thân, im lặng và sợ những lời đàm tiếu, phán xét. Anh ta không phát huy hết được những năng lực và theo đuổi đam mê của mình.
Tử tế là một nhân viên chăm chỉ và luôn cố gắng hoàn thành tất cả những công việc được giao từ sếp và cả những người đồng nghiệp xung quanh. Sự kiềm nén và áp lực khiến anh ta chực chờ tức giận và đập tan mọi thứ xung quanh.
Hạnh phúc là một người trẻ có tiếng nói trên mạng xã hội. Cô là hình tượng cho cộng đồng mạng trẻ, là người chữa lành những vết thương và khơi gợi sự phấn khích từ cư dân mạng. Thế nhưng sâu thẳm trong cô là nỗi buồn, sự cô đơn và căn bệnh trầm cảm mà cô phải đối mặt.
Mạnh mẽ là một thanh niên với vẻ ngoài gai góc. Anh ta cứng rắn và có năng lực bảo vệ gia đình và bạn bè trước những hiểm nguy và thách thức. Tuy nhiên, anh ta chỉ đang cố tỏ ra mình mạnh mẽ nhằm che đậy quá khứ nhiều những vết thương. Anh ta hoàn toàn không mạnh mẽ như vẻ bề ngoài.
Công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả: Ths. Phan Bảo Châu – Giảng viên ngành Thiết kế Đồ hoạ Đại học FPT TP.HCM, Lê Lâm, Trương Quang Đăng Khoa, Lê Ngọc Minh Thái – cựu sinh viên ngành Thiết kế Đồ hoạ Đại học FPT TP.HCM
Trước đó, BTC cho biết từ 10 nhóm đăng ký ý tưởng và bảo vệ đề cương, Hội đồng nghệ thuật đã chọn 7 nhóm tiếp tục phát triển và thi công thành tác phẩm. Các tác phẩm được góp ý nhiều để hoàn chỉnh thành sản phẩm trưng bày tại Triển lãm. Trong đó, Ban tổ chức cũng trao các giải thưởng: giải A cho tác phẩm “Bản ngã đô thị” (Đại học FPT) – như lời bộc bạch nội tâm và mong muốn sự quan tâm, thấu hiểu của những con người cô đơn giữa đô thị hiện đại; giải B cho tác phẩm “Nhân phổ” (Đại học Hoa Sen) – phản ánh góc nhìn riêng của thế hệ trẻ về các chặng đường lịch sử và con người TP; giải C cho tác phẩm “Ai?” (Đại học Kiến trúc TPHCM) – thế hệ những người trẻ xác định phương hướng, bản sắc của mình giữa xã hội hiện đại; cùng 4 giải Khuyến khích cho các tác phẩm “Tà lụa tương lai”(CLB Họa sĩ trẻ – Hội Mỹ thuật TPHCM), “Phương” (Đại học Kiến trúc TPHCM), “2050” (Đại học Mỹ thuật TPHCM), và“Bừng sáng Thành phố” (Đại học Tôn Đức Thắng).
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười đánh giá cao tác phẩm bởi tư duy sáng tạo và đặc biệt là sự kết nối, gắn bó với TP của những người trẻ: “các bạn trẻ đều rất quan tâm đến từng mặt phát triển của TP, khao khát thể hiện bản thân của mình, cũng hoang mang và lo sợ việc đánh mất bản ngã mà hòa lẫn vào đô thị khô cứng. Không ngại bộc bạch nội tâm và cũng mong muốn được thấu hiểu, tôn trọng, đặt ra vấn đề cần đối thoại cho chính TP”.
Tổng hợp