Ngày 13-18/10 Trại Tranh biện toàn quốc đầu tiên do ĐH FPT phối hợp tổ chức với Chương trình giáo dục Vietnam Youth to Debate (Y2D) sẽ chính thức khai mạc.
Là lần đầu tiên được tổ chức, trại tập hợp những gương mặt thanh niên xuất sắc nhất toàn quốc về tranh biện, nhằm bàn thảo, thi đấu quanh chủ đề “Thanh niên và quá trình trưởng thành”. Trại được coi là tiền đề để đưa tranh biện tiếp cận với đông đảo thanh niên Việt Nam, giúp thanh niên tìm hiểu sâu và nắm vững về tranh biện.
Trại Tranh biện Thanh niên toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại ĐH FPT, Khu CNC Hoà Lạc, Hà Nội là trại tranh biện đầu tiên tập hợp, quy tụ những thanh niên Việt Nam trên toàn quốc có năng lực nổi bật trong lĩnh vực tranh biện. Với 40 gương mặt thanh niên tới từ 30 trường Đại học trên toàn quốc, Trại Tranh biện xây dựng các hoạt động đào tạo tranh biện và tư duy phản biện xoay quanh chủ đề “Thanh niên và Quá trình trưởng thành”.
Trong suốt 6 ngày diễn ra trại tranh biện (13-18/10), 40 gương mặt thanh niên tham gia trại sẽ được đào tạo chuyên sâu tại các lớp học về Tranh biện Cơ bản, Tranh biện Nâng cao, Luyện tập tranh biện theo nhóm hỗn hợp v.v… Các chủ đề tranh biện nhỏ cho các lớp đào tạo cơ bản và nâng cao này sẽ trải rộng theo các đề tài nóng của xã hội liên quan mật thiết đến “thanh niên” và “sự trưởng thành” như: công ăn việc làm, giáo dục giới tính, gia đình và trường học… Các lớp học chuyên sâu này được tổ chức nhằm tăng cường năng lực tranh biện và tư duy phản biện cho người tham gia, từ đó xây dựng tư duy sắc bén và thiết lập quan điểm vững chắc quanh về chủ đề “Thanh niên và Sự trưởng thành” để mỗi cá nhân có thêm sự tự tin, kiến thức và kỹ năng để giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống. Những ngày cuối cùng của trại dành cho giải đấu tranh biện cho thanh niên 3 miền, chung kết vào ngày 18/10.
Được biết, những gương mặt tham gia Trại Tranh biện bao gồm các đội vô địch và những cá nhân xuất sắc nhất tại ba Giải đấu Tranh biện tại ba miền đất nước được Y2D và các đối tác tổ chức, diễn ra trong tháng 9/2014; cũng như bao gồm sinh viên và những người làm việc trong hệ thống giáo dục, những thanh niên đặc biệt quan tâm tới Tranh biện – Lĩnh vực khoa học xã hội được chú trọng trên thế giới.
Bên cạnh đó, trại Tranh biện đồng thời quy tụ nhiều huấn luyện viên đến từ những lĩnh vực như Tâm lý học, Triết học, Nghệ thuật, Ngôn ngữ học, Phát triển cộng đồng, Khoa học thông tin… giúp đem lại cái nhìn đa chiều về những vấn đề cần lưu tâm với thế hệ trẻ khi họ bước vào ngưỡng cửa trưởng thành – giai đoạn đòi hỏi sự sẵn sàng và chuẩn bị vững chắc trước những thách thức mới của cá nhân và xã hội.
TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT chia sẻ: “Cách đây 4 năm ĐH FPT là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đưa Tranh biện vào chương trình đào tạo ngoại khoá, dạy miễn phí cho sinh viên. Chúng tôi muốn nâng cao năng lực tư duy độc lập, năng lực phản biện, khả năng quan sát, đưa quan điểm, lập luận và bảo vệ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội. Đây vốn vẫn được coi là điểm yếu của thanh niên Việt Nam khi bước ra thế giới. Phối hợp với Y2D tổ chức Trại tranh biện toàn quốc đầu tiên cho thanh niên, ĐH FPT mong muốn góp phần nâng cao năng lực tư duy phản biện, nhận thức xã hội của SV ĐH FPT nói riêng và của thanh niên Việt Nam nói chung. Điều này thật sự cần thiết khi chúng ta trông đợi vào việc giới trẻ Việt Nam bước ra thế giới và cất lên tiếng nói của mình.”
Là người đầu tiên đưa Tranh biện vào Việt Nam, chị Vũ Thị Mỹ Hạnh, người Sáng lập và Quản lý chương trình giáo dục Vietnam Y2D cho biết: “Giá trị xa hơn của tranh biện chính là khi thế hệ trẻ có khả năng đọc hiểu thông tin, định hình và thách thức những giá trị không bền vững. Với tư duy hình thành từ tranh biện, họ sẽ trở thành những công dân mạnh mẽ và có trách nhiệm, tham gia hiệu quả vào việc thiết kế và thực thi những giải pháp bền vững hơn.”
Được cho là có khởi nguồn từ Athens (Hi Lạp), hoạt động tranh biện nhanh chóng trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển như Anh, Úc, Mỹ, Nhật… Hằng năm có rất nhiều giải thi tài tranh biện từ cấp trường tới quốc gia, quốc tế được tổ chức.
Tranh biện có thể hiểu là sự kết hợp của hai từ tranh luận và phản biện. Các cá nhân tham gia tranh biện thường dùng kiến thức, khả năng lập luận, sử dụng ngôn ngữ để bảo vệ quan điểm của mình và phản biện lại lập luận của đối phương trong tinh thần lắng nghe, tôn trọng và tập trung vào việc giải quyết vấn đề.
Kể từ năm 2011, Tranh biện chính thức được đưa vào giảng dạy lần đầu tiên tại một trường đại học Việt Nam trong chương trình đào tạo ngoại khoá dành cho SV ĐH FPT. Tính tới nay, tranh biện đã trở nên quen thuộc hơn với sinh viên, học sinh Việt Nam qua những sân chơi tranh biện được tổ chức tại các trường đại học, THPT và các lớp học kỹ năng.