Sáng ngày 7/1, Đại học FPT Hà Nội đã tổ chức Lễ bảo vệ đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong đơn vị, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng KHCN trong giải quyết các vấn đề thực tiễn tại FPT Edu.
Tham dự và chủ trì buổi lễ có TS. Trần Thế Trung – Chủ tịch hội đồng, ThS. Bùi Đình Chiến (Chủ nhiệm bộ môn Software Engineering, ĐH FPT Hà Nội) – Thư ký hội đồng, TS. Doãn Trung Tùng (Chủ nhiệm bộ môn IT, ĐH Greenwich (Việt Nam) cơ sở Hà Nội) – Ủy viên hội đồng, TS. Lê Hồng Phương (Trưởng nhóm nghiên cứu NLP, Công ty FCI) và ThS. Phan Trường Lâm (Trưởng ban Công nghệ Giáo dục FEHO, Trưởng ban Đào tạo ĐH FPT Hà Nội) là hai thành viên nhóm phản biện.
Lễ bảo vệ đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường được tổ chức tại campus Hòa Lạc
Sau một thời gian nỗ lực nghiên cứu, nhóm tác giả gồm ThS. Bùi Ngọc Anh (Chủ nhiệm bộ môn Computing Fundamentals), ThS. Ngô Tùng Sơn (Giảng viên bộ môn Computing Fundamentals) và TS. Trần Thị Thuý (Trưởng phòng Phát triển chương trình đại học, Ban Nghiên cứu phát triển FPT Edu) đã trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài “Phát triển hệ thống sắp xếp lịch giảng dạy dựa trên mô hình tối ưu hoá thời gian biểu”.
Trước đây, việc sắp xếp lịch dạy của giảng viên cho từng kỳ học được các chủ nhiệm bộ môn thực hiện theo quy trình bán thủ công. Cụ thể, sau khi nhận được lịch học của học kỳ tiếp theo từ phòng Đào tạo, cộng với các thông tin đăng ký của giảng viên như thời gian có thể dạy kỳ tới, các môn học đăng ký giảng dạy, số lớp mong muốn giảng dạy, chủ nhiệm bộ môn sẽ tiến hành xếp lớp dựa vào dữ liệu đầu vào từ phòng đào tạo và các ràng buộc (cứng và mềm kể trên). Quy trình này tiêu tốn nhiều thời gian và không thể tối ưu nguồn lực giảng viên cho từng kỳ học, đặc biệt những thay đổi phút chót từ phòng Đào tạo như việc hủy lớp có thể khiến công sức sắp lịch trước đây bị lãng phí vì không còn phù hợp.
ThS. Bùi Ngọc Anh – Chủ nhiệm đề tài trình bày trước hội đồng phản biện
Bằng việc xây dựng mô hình bài toán, đề xuất hàm meta-heuristic algorithm scheme, kết hợp với các kĩ thuật và hướng tiếp cận Genetic Algorithm, Compromise Programming, Combinatorial Optimization, nhóm tác giả đã xây dựng hệ thống tự động nhằm mục đích tối ưu sự hài lòng của giảng viên về việc phân công lịch dạy. Theo đó, các giảng viên sẽ truy cập vào hệ thống để đăng ký lịch lên lớp phù hợp với bản thân. Dựa trên nguồn thông tin được cung cấp, phần mềm tự động lọc và sắp xếp lịch làm việc của giảng viên để thỏa mãn các tiêu chí về số giờ lên lớp, số lớp giảng dạy.
Sau khi nghe nhóm nghiên cứu bảo vệ đề tài, hội đồng phản biện đã đưa ra những nhận xét, góp ý và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các nội dung chuyên môn của đề tài; đồng thời cũng đánh giá cao ý thức nghiên cứu của nhóm tác giả, ghi nhận những thành công của đề tài, khẳng định giải pháp đề xuất có tính ứng dụng cao trong thực tế, đảm bảo yêu cầu của đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Nhóm tác giả đã tiếp thu trên tinh thần cầu thị, cởi mở nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng tại trong việc giảng dạy của đơn vị.
ThS. Ngô Tùng Sơn trình bày về mô hình và lợi ích của đề tài
Buổi lễ bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của FPTU Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Mỗi giảng viên đều coi đây là một hoạt động ý nghĩa giúp giảng viên học hỏi, lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích cả về lý luận và thực tiễn. Còn đối với nhà trường, đây là tiền đề để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sự phát triển của Đại học FPT Hà Nội nói riêng và các đơn vị trên toàn Tổ chức Giáo dục FPT nói chung.
Được biết, phát triển nghiên cứu khoa học là một trong những định hướng phát triển chiến lược của Trường Đại học FPT. Việc tổ chức các đợt bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chất lượng và số lượng nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Các CBGV của Trường có thể trực tiếp đăng ký đề tài 2021 theo thông tin được đăng tại đây.