Việc bổ sung chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành Kỹ thuật phần mềm, Đại học FPT muốn xây dựng đội ngũ nhân sự CNTT chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng cũng như làm chủ công nghệ của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.
AI được dự báo sẽ là ngành “đẻ” ra tỉ phú ngàn tỉ USD đầu tiên
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là một hệ thống máy móc hoặc chương trình phần mềm ứng dụng do con người tạo ra có thể tự động thực hiện các hành vi thông minh như khả năng cư xử giao tiếp với con người, có thể học hỏi và thích ứng thông minh với nhiều tính huống.
Khi nhắc tới cách mạng 4.0, nhắc tới AI, nhiều người nghĩ ngay tới robot. Nhưng Robot chỉ là cái vỏ chứa cho AI, đôi khi vỏ có dạng mô phỏng con người, đôi khi không. AI chính là bộ não, còn robot là thân thể của nó (nếu có). Ví dụ, phần mềm và dữ liệu của Siri chính là AI, giọng phụ nữ mà chúng ta nghe thấy là dạng nhân cách hóa của AI đó, và ở đây không có robot nào cả.
AI không tự tạo ra AI, mà chính con người mới là cha đẻ của công nghệ này. Nói nôm na AI chính là trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người. Trí tuệ này có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi… như trí tuệ con người, nhưng xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người.
Tại hội nghị và lễ hội SXSW ở thành phố Austin, bang Texas (Mỹ), tỉ phú công nghệ Mark Cuban đã dự đoán, Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là ngành “đẻ” ra tỉ phú ngàn tỉ USD đầu tiên trên thế giới. Theo Mark Cuban, bộ vi xử lý máy vi tính nhanh hơn bao giờ hết cùng các bộ dữ liệu lớn hơn hiện tại đang đặt nền móng cho sự phát triển của trí thông minh nhân tạo trong các ngành công nghiệp mới.
Hiện tại, rất nhiều hãng công nghệ nổi tiếng có tham vọng tạo ra được những AI vì giá trị của chúng là vô cùng lớn, giải quyết được rất nhiều vấn đề của con người mà loài người đang chưa giải quyết được.
Chính những giá trị mang lại quá lớn từ AI, khiến cuộc đua phát triển AI giữa các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc, Canada… và cả những đế chế công nghệ khổng lồ như Facebook, Google, Microsoft… càng trở nên khốc liệt.
Cuộc chạy đua này cũng đang tạo ra cơn khát lực lượng lao động có chuyên môn cao về AI. Gần như mọi sinh viên ngành này đều được vô số tập đoàn săn đón bằng những dự án triệu đô kèm theo lời mời có mức lương hàng khủng ngay từ năm nhất đại học.
Trên thế giới, hiện nay mọi khóa học đại học liên quan (dù ít hay nhiều) đến AI đều đang đối mặt với tình trạng quá tải. Đặc biệt ở những ngôi trường Đại học danh giá hàng đầu như Đại học Stanford, các khóa trí tuệ nhân tạo như CS224N – Natural Language Processing with Deep Learning hay CS231N – Convolutional Neural Networks for Visual Recognition nhận tới hàng trăm và hàng nghìn đơn xin nhập học của sinh viên quốc tế trong khi các lớp này chỉ nhận vài chục học sinh mỗi năm.
Tại Đại học FPT, chương trình ngành Kỹ thuật phần mềm được thiết kế tích hợp cân bằng giữa kiến thức nền tảng với công nghệ, kỹ thuật mới. Theo đó, ngành Kỹ thuật phần mềm của Đại học FPT không chỉ bao gồm các kiến thức về khoa học cơ bản của nhóm ngành CNTT mà còn đào tạo đầy đủ về quy trình phát triển phần mềm, từ phương pháp, kỹ thuật, công nghệ trong phân tích, thiết kế, phát triển, kiểm thử, bảo trì phần mềm và quản lý dự án phần mềm cũng như các ứng dụng CNTT; cân bằng giữa lý thuyết với ứng dụng và thực hành (thời gian học lý thuyết chiếm chỉ tối đa một nửa thời gian của hầu hết các môn học). Hơn nữa, sinh viên FPT có tối thiểu 1 học kỳ được học tập và đào tạo thực tế tại các công ty phầm mềm nổi tiếng trong và ngoài nước, cơ hội học hỏi từ các chuyên gia trong ngành, định hướng mục tiêu nghề nghiệp và học tập ở giai đoạn sau.
Tiếp theo, trong giai đoạn học chuyên sâu, sinh viên có thể lựa chọn một trong 4 chuyên sâu (còn gọi là chuyên ngành hẹp) để theo học và làm đồ án tốt nghiệp về Hệ thống nhúng; Hệ thống thông tin; Trí tuệ nhân tạo (AI) và Kỹ sư cầu nối Nhật Bản. Đặc biệt hướng chuyên sâu Trí tuệ nhân tạo là hướng mới được xây dựng và triển khai từ năm 2018, đáp ứng sự phát triển nhanh của lĩnh vực này trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại diện Đại học FPT cho biết, với chuyên sâu AI, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về nghiên cứu và các nền tảng ứng dụng mới của ngành Công nghệ thông tin như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn và Điện toán đám mây. Các học phần giúp sinh viên có kiến thức cũng như kỹ năng để ứng dụng các công nghệ mới vào xây dựng, triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin tiên tiến vào thực tế.
Việc thêm chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT mong muốn xây dựng đội ngũ nhân sự CNTT chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng cũng như làm chủ công nghệ của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.
Theo ICTNews